Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thu lời hàng trăm triệu từ nuôi bò

Thu lời hàng trăm triệu từ nuôi bò
Author: Thanh Đức
Publish date: Thursday. November 30th, 2017

Anh Thu đi cắt cỏ cho bò ăn mỗi ngày. ẢNH: THANH ĐỨC

Từ số tiền được hỗ trợ khi xuất ngũ, sau gần 10 năm đầu tư nuôi bò, anh Nguyễn Phụ Thu (34 tuổi, ngụ xã Trung An, H.Vũng Liêm, Vĩnh Long) đã có nguồn lợi nhuận ổn định hơn 100 triệu đồng/năm.

Năm 2004, sau khi nghỉ học phổ thông, anh Thu đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Đến năm 2007, anh xuất ngũ trở về quê làm kinh tế gia đình. Số tiền được trợ cấp khi xuất ngũ anh không xài đồng nào mà để mua một con bò cái làm giống.

“Có người nhận tiền hỗ trợ xong ra trả cho quán xá xung quanh là hết, hoặc khi về thì dùng ăn nhậu, sắm điện thoại, xe... rồi cũng hết. Tôi nghĩ mình nên dùng số tiền đó làm ăn để ổn định cuộc sống”, anh Thu chia sẻ.

Sau khi cưới vợ, anh được cha mẹ cho 4 công đất ruộng, rồi dành dụm mua thêm 2 con bò cái. Anh cho bò sinh sản để giữ bê con lại nuôi nên mỗi năm đàn bò của anh ngày một tăng thêm. Đến lúc đàn bò được gần 30 con, anh mới bắt đầu bán. Cứ mỗi năm anh bán từ 5 - 6 con bò thịt và bò giống, thu lãi hơn 100 triệu đồng. Ngoài tiền bán bò, anh còn kiếm được khoảng 20 triệu từ tiền bán phân bò.

Anh Thu cho biết lúc đầu chỉ nuôi vài con nên anh đi cắt cỏ ở các bờ kinh, mương cho bò ăn là đủ. Khi số lượng bò tăng lên, anh phải thuê thêm 2 công đất trồng cỏ và cho bò ăn độn thêm rơm. “Bò mập mạp nhờ được ăn cỏ tốt, nhưng cỏ trồng cũng không đủ nên tôi phải độn rơm. Cứ đến mùa lúa là tôi mua rơm dự trữ. Tuy nhiên, tôi không lo tốn kém do tiền bán phân bò đã dư trả tiền rơm, tiền mướn đất rồi”, anh Thu nói.

Anh Thu cho biết thêm, để có được đàn bò khỏe mạnh như hôm nay, vợ chồng anh đã trải qua quãng thời gian rất vất vả. Những con bò đầu tiên anh mang về nuôi được xem là tài sản quý giá nhất của gia đình. Đêm nằm ngủ chỉ cần nghe có tiếng động lạ hay chó sủa là anh giật mình thức giấc, chạy ra thăm bò ngay vì sợ bò bị trộm. Đến khi bò sắp sinh sản lại càng hồi hộp hơn nữa. Anh tìm đến những người có kinh nghiệm học hỏi kỹ thuật và cách thức nâng bê con vừa sinh, cách chăm sóc... Khi bò mẹ chuyển dạ, anh phải chạy đôn chạy đáo nhờ người hỗ trợ để đề phòng xảy ra sự cố. “Khi con bê đầu tiên ra đời, tôi rưng rưng vì vui mừng. Từ kinh nghiệm đó mà từ đó đến nay, tôi khá mát tay với những chú bê con ra đời trong chuồng. Nhờ vậy, nhiều người trong xóm mỗi khi có bò mẹ chuyển dạ thường nhờ tôi đến hỗ trợ”, anh Thu nói.

Theo bà Nguyễn Thị Chính, mẹ của anh Thu, từ nhỏ anh rất ít đi chơi, đi học về là ở nhà phụ cha mẹ làm ruộng. Đến khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự thì tự mua bò về nuôi. Tới lúc cưới vợ, vợ chồng cũng chí thú làm ăn, suốt ngày chỉ lo làm lụng. Sau gần 10 năm dành dụm từ nuôi bò, vợ chồng anh đã có đủ tiền để cất cho mình căn nhà riêng.

Anh Võ Quyền Anh, Bí thư Xã đoàn Trung An, cho biết: “Cái hay của anh Thu là ngay từ đầu đã biết sử dụng đồng vốn một cách hợp lý để làm kinh tế, nên không lâm vào cảnh thất nghiệp, thiếu vốn sản xuất như nhiều thanh niên khác. Mô hình nuôi bò của anh cũng là mô hình tiêu biểu, đáng để nhân rộng cho thanh niên toàn xã”.


Related news

Tỷ phú cá thát lát cườm trên sông Hậu Tỷ phú cá thát lát cườm trên sông Hậu

Người được mệnh danh này chính là ông Lý Văn Bon, người đầu tiên ở vùng đất ĐBSCL đưa con cá thát lát cườm từ ao hầm sang nuôi lồng bè trên dòng sông Hậu

Saturday. November 25th, 2017
Làm giàu từ mô hình nuôi thỏ New Zaeland Làm giàu từ mô hình nuôi thỏ New Zaeland

Qua tìm hiểu, nhận thấy mô hình nuôi thỏ New Zaeland mang lại hiệu quả kinh tế cao nên anh Chanh quyết định đầu tư phát triển kinh tế theo hướng này

Monday. November 27th, 2017
Nuôi dê nhốt chuồng cho thu nhập khá Nuôi dê nhốt chuồng cho thu nhập khá

Mô hình nuôi dê nhốt chuồng đã mang lại cho gia đình anh Phan Trí Khái (ngụ xã Giai Xuân, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) nguồn lợi nhuận gần 100 triệu đồng/năm.

Wednesday. November 29th, 2017