Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rau an toàn chưa có chỗ đứng

Rau an toàn chưa có chỗ đứng
Publish date: Thursday. August 20th, 2015

VietGAP nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam dựa trên 4 tiêu chí: Kỹ thuật sản xuất; an toàn thực phẩm (gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch); môi trường làm việc (nhằm ngăn chặn lạm dụng sức lao động của nông dân) và truy tìm nguồn gốc sản phẩm (để xác định những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ). Do đó, sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo an toàn về dịch bệnh, môi trường và xã hội, vì được ngành chuyên môn kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu sản xuất, thu hoạch đến đóng gói, vận chuyển tiêu thụ thông qua mã vạch, bao bì.

Vùng sản xuất: Nơi thừa, chỗ thiếu

“Thuộc vùng sản xuất rau an toàn nhưng ngoài tấm biển đề ngày xuống giống, ngày thu hoạch thì cũng chưa có gì khác. Chúng tôi vẫn phải tự trồng tự bán như lâu nay thôi”, vừa hái rau xà lách, vợ ông Lê Công Tránh ở xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) vừa góp chuyện. “Nghĩa là việc sản xuất rau không được Hợp tác xã sản xuất kinh doanh và dịch vụ rau sạch Sông Trà (HTX) kiểm tra”, tôi hỏi. “HTX cũng tổ chức tập huấn trồng rau an toàn nhưng họ không thu mua sản phẩm thì kiểm tra làm gì”, hộ này bộc bạch.

Không riêng hộ ông Lê Công Tránh mà qua tìm hiểu, rất nhiều nông dân có diện tích nằm trong vùng sản xuất rau an toàn của HTX rơi vào tình cảnh trên. Đây cũng là lý do khiến họ “xé” quy trình, không mặn mà với việc sản xuất rau an toàn. Bởi nói như vợ ông Tránh thì: “Sản xuất rau an toàn tốn kém, nhọc công mà phải bán chợ thì lấy gì chúng tôi sống”.

Xảy ra tình trạng trên, theo Giám đốc HTX Nguyễn Thị Anh Thư: “HTX chưa tìm được đầu ra nên dù diện tích được chứng nhận sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP là hơn 10ha, nhưng thực tế, chúng tôi chỉ kiểm soát được 2ha. Số còn lại vẫn phải để nông dân tự bán”. Điều này theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh (Chi cục) Nguyễn Đức Bình là “không đúng theo tinh thần, mục tiêu của VietGAP. Vì sau khi được công nhận VietGAP, HTX phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát quy trình sản xuất trên toàn bộ diện tích ấy, chứ không có kiểu chia nhỏ như thế”.

Trong khi HTX rộng diện tích nhưng hẹp đầu ra, thì Công ty Qnasafe – đơn vị đầu tiên hợp tác với nông dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh lại lao đao vì thiếu đất sản xuất. Lý do, ngoài những mặt hàng được công nhận VietGAP là rau ăn lá và ăn củ, quả thì hiện giờ, Công ty Qnasafe đang nghiên cứu sản xuất các sản phẩm rau, củ, quả cao cấp. Và thị trường phục vụ vì thế sẽ không dừng lại ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên mà hướng đến cả nước cũng như xuất khẩu.

Tuy nhiên, “hiện chúng tôi phải thuê đất rải rác của nông dân các xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi), Đức Hiệp (Mộ Đức) với diện tích hơn 2ha để sản xuất nên rất bất tiện. Chúng tôi rất mong muốn được ngành chức năng tạo điều kiện về đất đai để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất”, ông Trần Ngọc Âu - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Qnasafe chia sẻ.

“Kiểm soát rau sạch ngay từ khâu sản xuất”

Đó là đề xuất của Phó Chi cục trưởng Nguyễn Đức Bình. Bởi theo ông Bình thì hiện giờ, người tiêu dùng đã bắt đầu quan tâm và sẵn sàng mua các mặt hàng rau sạch, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với giá cao. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn” – tức rau chợ vẫn có mặt trong cửa hàng rau sạch thì bản thân doanh nghiệp phải nghiêm khắc với người sản xuất.

Đơn cử như cách làm của Công ty Qnasafe. Đó là, cùng với việc cam kết bao tiêu đầu ra cho nông dân với giá cao thì trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, Công ty này đều kiểm tra dư lượng nitrate và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sunfua, phốt phát, cianua bằng ELISA text. Nếu phát hiện nông dân nào không tuân thủ quy trình sản xuất, khiến sản phẩm tồn dư hóa chất vượt mức cho phép, công ty sẽ phạt tiền từ 20 triệu đồng/vụ đến chấm dứt hợp đồng. “Cách ràng buộc này giúp người sản xuất có trách nhiệm với sản phẩm của mình, từ đó góp phần nâng cao ý thức cũng như thói quen sản xuất rau chuyên nghiệp cho nông dân”, ông Nguyễn Đức Bình nhấn mạnh.

Có điều không phải đơn vị nào cũng đủ năng lực để áp dụng các biện pháp trên. Bởi theo bà Nguyễn Thị Anh Thư - Giám đốc HTX thì: “Việc text kiểm tra các mẫu đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn sâu, máy móc hiện đại. Còn nếu gửi mẫu đến các Trung tâm kiểm nghiệm thì chi phí quá cao (hơn 1 triệu đồng/mẫu) nên dù rất muốn, HTX cũng không đủ nguồn lực thực hiện”. Vì thế nên HTX chỉ kiểm tra các chỉ tiêu qua mẫu nước và đất trước khi sản xuất, còn sản phẩm được sơ chế bằng cách sục Ozôn.

Rõ ràng, dù đã chạm được VietGAP nhưng chỗ đứng của rau an toàn vẫn còn lắm gập ghềnh. Khắc phục tình trạng này, cần sự nỗ lực của nhiều phía, mà trước hết là từ chính các đơn vị sản xuất và nông dân.


Related news

Đã Tìm Ra Nguyên Nhân Gây Hội Chứng Tôm Chết Sớm (EMS) Đã Tìm Ra Nguyên Nhân Gây Hội Chứng Tôm Chết Sớm (EMS)

Nhóm của Lighter cũng đã chỉ ra rằng, Hội chứng tôm chết sớm được gây nên bởi một chủng duy nhất của một loại vi khuẩn khá phổ biến, còn gọi là Vibrio parahaemolyticus, đã bị nhiễm bởi một loại virus được biết đến như một thực thể khuẩn mà phát ra một loại độc tố mạnh

Saturday. May 4th, 2013
Nuôi Cá Chẽm Ở Thạch Sơn Ở Hà Tĩnh Nuôi Cá Chẽm Ở Thạch Sơn Ở Hà Tĩnh

Sau khi dự án ngọt hóa sông Nghèn đi vào hoạt động, hàng trăm hộ dân ở 2 xóm Sông Tiến và Sông Hải, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã làm giàu nhờ mô hình nuôi cá chẽm.

Monday. May 6th, 2013
Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Thái Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Lai Vung (Đồng Tháp) Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Thái Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Lai Vung (Đồng Tháp)

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lai Vung (Đồng Tháp) có khoảng 50 hộ chăn nuôi heo áp dụng mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh thái (còn gọi là công nghệ nuôi heo không phân), bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, không gây ô nhiễm môi trường.

Friday. November 23rd, 2012
Vực Dậy Nghề Nuôi Cá Tra Vực Dậy Nghề Nuôi Cá Tra

Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh của vùng ĐBSCL, song nghề cá đang lâm vào ngõ cụt khi khó khăn chồng chất, đặc biệt giá cá tra nguyên liệu khoảng 2 năm nay ở mức thấp khiến người nuôi lỗ nặng buộc phải bỏ nghề hàng loạt. Vực dậy nghề cá tra đang là vấn đề cấp bách đặt ra.

Tuesday. May 7th, 2013
Thiếu Cá Tra Nguyên Liệu Đạt Chuẩn Thiếu Cá Tra Nguyên Liệu Đạt Chuẩn

Hiện nay có một số nhà máy phản ánh thiếu cá tra nguyên liệu chế biến và phải tạm ngưng sản xuất nhưng thực chất chỉ là thiếu cá đạt “size” (kích cỡ chế biến) như yêu cầu của khách hàng, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep).

Wednesday. November 28th, 2012