Home / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Quy trình và kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông đạt hiệu quả kinh tế cao

Quy trình và kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông đạt hiệu quả kinh tế cao
Author: De Heus
Publish date: Wednesday. October 20th, 2021

Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm của Việt Nam không ngừng phát triển, mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi, cũng như đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Trong các đối tượng nuôi, tôm thẻ chân trắng do có những ưu điểm vượt trội như khả năng chịu đựng tốt với biến động của các yếu tố môi trường, mật độ nuôi cao, cường độ bắt mồi lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh nên đã được phát triển rộng khắp ở các tỉnh ven biển đặc biệt khu vực Nam Bộ, nơi có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi (nắng ấm quanh năm, nhiệt độ ổn định từ khoảng 27 – 35 độ C), thích hợp cho ngưỡng phát triển của tôm thẻ chân trắng.

Trong khi đó, miền Bắc có mùa đông dài và lạnh cũng là một trong những hạn chế sự phát triển của ngành thủy sản. Các hệ thống ao nuôi thường ngừng sản xuất trong thời gian mùa đông, chỉ tập trung một số đối tượng nuôi truyền thống như cá mè, trôi, trắm, chép.

Đa dạng hóa đối tượng nuôi là một trong những giải pháp để khai thác tiềm năng phát triển nuôi thủy sản nước ngọt khu vực này với mục tiêu tìm kiếm và phát triển nuôi các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế và thị trường tiêu thụ ổn định, đặc biệt hướng tới các đối tượng có khả năng chịu lạnh hoặc chịu nhiệt tốt.

Nuôi tôm thẻ chân trắng mùa đông ở miền Bắc Việt Nam là một thách thức lớn đối với hầu hết các trang trại sản xuất tôm tại đây vì điều kiện nhiệt độ vào mùa đông thường thấp hơn ngưỡng thích hợp cũng như khả năng chịu đựng của tôm thẻ chân trắng, giống tôm nhập ngoại có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Nam Mỹ. 

Dựa vào đặc điểm sinh học của tôm thẻ chân trắng thì chúng bắt đầu ngừng ăn ở 18 độ C và chết khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C. Miền bắc Việt Nam nhiệt độ không khí thường xuyên xuống dưới 18 độ C nên rất khó giữ tôm sống sót được qua mùa đông chứ chưa nói gì nuôi cho tôm sinh trưởng và phát triển. Đổi lại giá tôm vào mùa đông ngoài miền Bắc rất cao, trung bình 200.000 đồng/kg loại 50 con/kg và dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy nếu nuôi tôm thành công vào vụ mùa đông có thể mang lại lợi nhuận rất lớn cho người nuôi với tỷ suất lợi nhuận có thể cao hơn 100% so với nuôi tôm chính vụ.

Bên cạnh nền tảng kiến thức chuyên sâu, bằng những kinh nghiệm chăn nuôi thực tế có được thông qua việc tiếp xúc thường xuyên, gần gũi với người chăn nuôi trên khắp thế giới, các chuyên gia kỹ thuật của De Heus tự tin mang tới cho những khách hàng trang trại của mình  những giá trị tối ưu nhất. Dưới đây, De Heus xin chia sẻ kinh nghiệm từ chuyên gia giúp khách hàng nuôi tôm thẻ chân trắng vào vụ mùa đông ở miền Bắc thành công, đạt năng suất cao. 

Nội dung quy trình

Thiết kế hệ thống Khu nuôi bao gồm các hạng mục: ao lắng thô, ao lắng tinh, các ao nuôi, mương cấp nước, mương xả nước, khu chứa nước thải và các công trình phụ trợ.

Ao lắng thô: lấy nước từ mương cấp dùng để trữ nước và tự làm sạch tự nhiên. Ao lắng thô được bố trí cạnh mương cấp nước, có độ sâu từ 2 – 3 m tùy điều kiện thổ nhưỡng từng vùng và diện tích chiếm khoảng 20% tổng diện tích khu nuôi.

Ao lắng tinh (ao sẵn sàng): lấy nước từ ao lắng thô qua ống lọc có gắn túi lọc, dùng để chuẩn bị đưa vào ao nuôi. Ao lắng tinh được bố trí cạnh ao lắng thô và được lót bạt, có diện tích và độ sâu như ao lắng thô.

Ao nuôi: lấy nước từ ao lắng tinh qua ống lọc có gắn túi lọc, dùng để nuôi tôm thương phẩm. Vị trí ao nuôi được bố trí cạnh ao lắng tinh. Ao có độ sâu từ 1,5 – 2,0 m; được lót bạt đáy và bờ; có hệ thống ôxy đáy, hệ thống quạt nước; hệ thống xiphong. Diện tích ao chiếm khoảng 30% tổng diện tích khu nuôi (diện tích mỗi ao nuôi có thể từ 800 – 1.600 m2). Ao nuôi phải được thiết kế có mái che nhằm che kín vào mùa đông. Tùy từng kích cỡ ao nuôi mà có thể thiết kế mái che riêng rẽ hoặc sử dụng chung 1 mái che cho 3 – 4 ao nuôi. (Chi tiết trong ảnh phụ lục)

Hệ thống guồng quạt: được đặt cách bờ ao từ 1,5 – 2,0 m; khoảng cách giữa 2 bộ cánh quạt từ 50 – 60 cm, lá quạt giữa các bộ cánh quạt được lắp so le. Số lượng quạt phụ thuộc vào mật độ nuôi, chủng loại quạt (chi tiết Bảng 1).

Bảng 1. Hướng dẫn lắp đặt số lượng quạt cho 1.500 m

Mật độ nuôi (con/m2) Số lượng dàn quạt Số lượng vỉ oxy
150-200 4 dàn (15 cánh/dàn) 80-120
200-250 4 - 6 dàn (15 cánh/dàn) 120-200
250-300 4 - 6 dàn (15 cánh/dàn) 200-250

Ghi chú: Tốc độ quay của guồng quạt từ 100 – 120 vòng/phút

 

Hệ thống mương cấp và xả nước

Mương cấp nước: được bố trí gần nguồn nước và ao lắng thô; có vị trí lắp đặt máy bơm thuận lợi cho việc cấp nước vào ao lắng thô.

Mương xả nước: được bố trí gần ao nuôi; có ống xả đáy kết nối với ao nuôi. Bùn thải qua các ống siphon được đưa về ao chứa chất thải và được xử lý theo quy định trước khi thải ra môi trường.

Hệ thống ôxy đáy: Hệ thống ôxy đáy được lắp sát với đáy ao nuôi với số lượng được nêu tại Bảng 1.

Khu chứa chất thải: Nhằm đảm bảo chất thải trong quá trình nuôi được xử lý phù hợp trước khi thải ra môi trường. Chất thải sau khi được gom về ao chứa nước thải, sẽ được xử lý trước khi thải ra môi trường ngoài.

Công trình phụ trợ: như khu chứa nguyên vật liệu (có mái che, khô ráo, thông thoáng; ngăn được côn trùng và động vật gây hại); khu vực chứa xăng dầu (đảm bảo tách biệt, không rò rỉ ra khu vực xung quanh); khu sinh hoạt và vệ sinh cho người lao động.

Vận hành hệ thống nuôi

Vận hành ao nuôi gồm các bước: Lấy nước và xử lý nước; chọn thả giống, chăm sóc và quản lý ao nuôi; một số vấn đề cần chú ý khi nuôi tôm mùa đông. 

Lấy nước và xử lý nước

Ao lắng thô: nước được lấy vào ao lắng thô đến mức tối đa sức chứa của ao lắng thô thì dừng. Sau đó tiến hành diệt rong, ấu trùng hầu, hà bằng hóa chất có gốc đồng sau đó để nước lắng sạch đến khi cần sử dụng. Tùy theo nhu cầu sử dụng nước của ao nuôi mà thời gian dữ nước trong ao lắng thô dài hoặc ngắn khác nhau.

Ao lắng tinh: Khi ao nuôi cần nước thì chúng ta tiến hành bơm nước từ ao lắng thô sang ao lắng tinh và tiến hành xử lý nước tại đây. Quy trình xử lý nước đầu vào gồm các bước: diệt khuẩn bằng chlorine hoặc thuốc tím riêng rẽ hoặc kết hợp tùy theo chất lượng nước vùng xây dựng trại nuôi. Nếu vùng nước biển sạch thì chỉ cần sử dụng một trong hai loại thuốc diệt khuẩn trên là được (10 ppm chlorine hoặc 3 ppm thuốc tím). Tuy nhiên đối với vùng nuôi có nhiều phèn, kim loại nặng thì cần xử lý nước bằng cả chlorine, thuốc tím và chất trợ lắng. Sau khi diệt khuẩn nước nuôi cần được trung hòa clo dư và làm mềm nước bằng cách bổ sung EDTA với liều lượng 1-5 ppm. Bước cuối cùng đó là nâng kiềm trong ao lắng tinh bằng cách bổ sung bột đá vôi CaCO3 với liều lượng 50 – 100 kg/1.000 m3 nước, chạy quạt liên tục trong 12 – 24 giờ trước khi bổ sung vào ao nuôi.

Bảng 2. Chỉ tiêu môi trường nước trong ao ương và nuôi thương phẩm

Stt Chỉ tiêu Ngưỡng thích hợp
1 pH 7,5-8,5
2 Oxy hòa tan (DO,mg/l) ≥ 5
3 Độ mặn (‰) 7 ÷ 25
4 Độ kiềm (mg/l) 100 ÷ 160
5 Độ trong (cm) 25 ÷ 30

Nước ao nuôi: Nước đã chuẩn bị tốt từ ao lắng tinh được bơm trực tiếp sang ao nuôi sau đó tiến hành gây màu, thả giống.

 

Lựa chọn tôm giống, chăm sóc và quản lý

Chọn giống

Chọn mua tôm giống kích cỡ PL10 trở lên từ những cơ sở sản xuất có uy tín, tôm bố mẹ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tôm giống phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định của ngành và được kiểm soát tốt về an toàn sinh học tại trại sản xuất giống.

Trước khi mua giống cần thông báo với cơ sở sản xuất các chỉ số môi trường nước trong ao nuôi của trại như pH và độ mặn để cơ sở sản xuất giống thuần hóa giống trước khi dưa về ao nuôi. Khi đưa giống về cần tiến hành kiểm tra chất lượng trước khi thả như tôm đồng đều, màu sắc sáng bóng, đường tiêu hóa rõ ràng, tôm đầy đủ các phần phụ và có giấy kiểm dịch ghi rõ tôm không mang các mầm bệnh EHP, EMS, WSSV. Ngoài ra tôm giống phải khỏe mạnh, phản ứng nhanh với kích thích ánh sáng, tiếng động và bơi ngược dòng nước. Sau khi kiểm tra tôm đạt chất lượng thì tiến hành thả giống. 

Thả giống

Mật độ nuôi tùy theo trình độ cũng như cơ sở hạ tầng của trại có thể dao động từ 150 – 250 con/m2. Tôm giống lên thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn.

Cách thả giống: trước tiên ngâm các bao tôm giống xuống ao ương trong thời gian từ 15-20 phút cho cân bằng nhiệt độ; sau đó mở bao cho tôm giống bơi từ từ ra ngoài.

Chú ý: Trước khi thả tôm giống vào ao ương cần tiến hành sục khí, chạy quạt ao ương trong thời gian ít nhất 30 phút và kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước ao ương cần đạt các chỉ tiêu được ghi chi tiết trong Bảng 2. Trước khi thả giống cần sử dụng các loại thuốc, hóa chất chống sốc cho tôm như sử dụng khoáng tạt, vitamin C bằng cách đánh trực tiếp xuống ao nước, chạy quạt và xục khí liên tục.

Cho tôm ăn trong tháng đầu tiên

Ngày đầu cho tôm giống ăn theo tỷ lệ 0,5 kg thức ăn cho 100.000 post; từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 10: mỗi ngày tăng thêm 200 g thức ăn. Từ ngày thứ 11 đến ngày thứ 25: mỗi ngày tăng thêm 300 g thức ăn. Mỗi ngày cho ăn 4 lần vào thời gian 7 giờ sáng, 11 giờ sáng, 2 giờ chiều và 6 giờ chiều.

Từ ngày thứ 20 trở đi bắt đầu đặt vó để tôm quen vó (nhá). Đến ngày thứ 22 – 25 thì bắt đầu căn lượng thức ăn cho tôm theo vó (nhá). Lượng thức ăn cho vào nhá là 1% và thời gian canh vó sau 1 giờ.

Chăm sóc và quản lý ao nuôi tôm thương phẩm

Lựa chọn loại thức đã có tên trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Các mô hình khác nhau có thể sử dụng các phương pháp cho ăn khác nhau. Tuy nhiên đối với nuôi tôm vụ đông thì tốt nhất sử dụng phương pháp cho ăn bằng tay vì đây là phương pháp cho ăn đều, hiệu quả và việc căn chỉnh thức ăn rất kịp thời, ít bị thức ăn thừa trong ao. Hàng ngày cho tôm ăn 4 lần vào thời gian khác nhau tùy thuộc vào nhiệt độ nước: 7 giờ sáng; 10 – 11 giờ sáng; 2 giờ chiều; 5 – 6 giờ chiều. Lượng thức ăn tùy theo nhu cầu ăn của tôm và tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của tôm. 

Xử lý môi trường

Quản lý chất lượng nước ao nuôi là một trong những khâu quan trọng nhất ảnh hưởng đến hiệu quả của nghề nuôi tôm. Hàng ngày phải kiểm tra các yếu tố môi trường nước chủ yếu bao gồm: độ kiềm trong nước, pH, ôxy hòa tan, các loại khí độc trong ao (NO2,NH3), đặc biệt là việc xiphong loại bỏ phân tôm, xác tảo, và các loại tạp chất khác ra khỏi hệ thống nuôi. Đối với các yếu tố môi trường cần nằm trong khoảng thích hợp cho sự phát triển của tôm. Những yếu tố môi trường không phù hợp cần được điều chỉnh kịp thời, tránh để tôm bị sốc hoặc kém ăn do yếu tố môi trường bất lợi.  

Một số chú ý khi nuôi tôm qua đông 

Vấn đề sử dụng vi sinh trong xử lý nước ao nuôi

Mùa đông việc lựa chọn và sử dụng vi sinh xử lý nước trong ao nuôi thường rất khó khăn do các chủng vi sinh phân hủy hợp chất hữu cơ hoạt động kém hiệu quả do nhiệt độ thấp. Để xử lý phân tôm, xác tảo cách tốt nhất đó là xây dựng hệ thống nuôi tốt nhằm gom được các loại chất thải trên vào hố xiphong và lấy ra hàng ngày. Không nên tốn nhiều chi phí vào việc sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc phân hủy hợp chất hữu cơ trong ao nuôi.

Vấn đề khí độc trong ao nuôi

Do thời gian nuôi mùa đông thường dài hơn so với mùa hè (hơn 4 tháng) vì vậy các loại khí độc đặc biệt NO2 sẽ hình thành trong ao nuôi và cần loại bỏ hoặc giảm thiểu khí này. Có hai cách để xử lý khí NO2 hiệu quả đó là thay nước và sử dụng hóa chất để trung hòa. Tùy điệu kiện mà có thể áp dụng một trong hai hình thức trên. 

Vấn đề thay nước trong ao nuôi tôm mùa đông

Việc thay nước đối với ao tôm nuôi mùa đông cũng cần chú ý vì nếu thay nhiều nước làm môi trường nước thay đổi đột ngột tôm sẽ lột nhiều sẽ bị rớt đáy. Vì vậy chúng ta cần thay nước với lượng vừa phải (<15% lượng nước ao nuôi) và nước thay mới cũng cần được làm ấm trước khi đưa vào ao nuôi. Vì vậy hệ thống nuôi cần chuẩn bị ao chứa nước có mái che để nâng nhiệt vào mùa đông.

Vấn đề tôm lột không cứng vỏ vào mùa đông

Nguyên nhân của hiện tượng tôm lột không cứng vỏ vào mùa đông chủ yếu do các yếu tố: (1) khoáng trong nước thiếu hoặc mất cân đối hoặc; (2) do nhiệt độ thay đổi đột ngột; (3) do tôm bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh. Đối với nguyên nhân 1 thì chúng ta chú ý nâng kiềm đối với các ao nuôi mùa đông cao (>150 ppm). Ngoài ra chúng ta cũng không nên thay quá nhiều nước/lần vào những ngày nhiệt độ thấp làm tôm bị sốc và lột đồng loạt. Đối với tôm bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh thì chúng ta cần khử trùng ao nuôi bằng các loại thuốc, hóa chất thích hợp. 

Trên đây là những chia sẻ cơ bản nhất về quy trình và kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng (Lipopenaeus vannamei) mùa đông nhằm tối ưu hóa và đạt hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Song song cùng quy trình nuôi thực tiễn áp dụng trên từng trang trại, giải pháp dinh dưỡng và chương trình cho ăn cũng là yếu tố quan trọng cần được chú trọng nhằm cải thiện hiệu suất tổng thể. 

Hi – Tom là dòng sản phẩm thức ăn cao cấp dành cho tôm thẻ chân trắng của De Heus, mang tới giải pháp dinh dưỡng tối ưu giúp cho tôm khỏe mạnh có tỷ lệ sống sót cao hơn, tăng trưởng tốt và đem lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi tôm Việt Nam.


Related news

Bệnh đốm trắng và công nghệ nuôi tôm nhằm phòng, chống Bệnh đốm trắng và công nghệ nuôi tôm nhằm phòng, chống

Bệnh đốm trắng do virus (White Spot Syndrome Virus - WSSV) là một trong các bệnh gây nên hiện tượng tôm nuôi chết hàng loạt trong các vùng nuôi tôm

Monday. September 27th, 2021
Pythium insidiosum - mầm bệnh nấm cơ hội trên tôm thẻ bố mẹ Pythium insidiosum - mầm bệnh nấm cơ hội trên tôm thẻ bố mẹ

Bài báo cáo này lược dịch kết quả nghiên cứu của Subhendu Kumar Otta và cộng sự 2018 đăng trên tạp chí Indian Journal of Geo Marine Sciences

Monday. September 27th, 2021
Giải pháp mới trị bệnh đốm trắng trên tôm từ Nam Mỹ Giải pháp mới trị bệnh đốm trắng trên tôm từ Nam Mỹ

Báo cáo cho thấy hoạt chất Ethyl acetate chiết xuất từ cây cà dại hoa vàng là một nguyên liệu rất có giá trị giúp cho việc nghiên cứu sản xuất những hợp chất

Thursday. October 7th, 2021