Quy Hoạch Phát Triển Thanh Long Bền Vững
Thanh long được coi là cây xóa đói giảm nghèo và cũng là cây làm giàu của Bình Thuận. Những năm qua, cây thanh long đã mang lại kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh và cũng làm thay đổi diện mạo nhiều vùng đất đai kém màu mỡ ở đây. Từ hiệu quả trông thấy, cây thanh long đang tiếp tục được đầu tư phát triển trên vùng đất nắng gió này.
Phát triển vượt kế hoạch
Từ chỗ sản lượng thanh long khoảng 97.000 tấn/năm 2005 thì nay đã lên 400.000 tấn/năm và kèm theo đó diện tích thanh long cũng tăng, từ 5.800 ha/năm 2005 lên gần 20.000 ha/năm 2013. Hiện tại, nông dân Bình Thuận vẫn đang rất hăm hở mở rộng thêm diện tích trồng thanh long, bởi nguồn thu từ thanh long hơn hẳn từ lúa, nhiều nơi thanh long còn lấn cả sang cả đất lúa, thậm chí có nơi nông dân chỉ coi trồng lúa là để lấy rơm phủ gốc thanh long.
Theo Sở NN-PTNT, cả tỉnh Bình Thuận có đến 6.300ha thanh long trồng trên đất lúa, trong đó có cả đất lúa 2 - 3 vụ (3.665ha), như huyện Hàm Thuận Nam 11.000ha, trong đó 400ha trồng trên đất lúa 2 vụ; huyện Hàm Thuận Bắc 6.500ha có 3.054ha trên đất lúa; Bắc Bình 920ha có 55ha đất lúa…
Nông dân xác định gắn bó với cây thanh long nên bỏ tiền của, công sức đầu tư đáng kể. Nhiều nông hộ đã tích lũy được kinh nghiệm trồng, chăm sóc thanh long và đạt hiệu quả cao. Đa phần nông dân Bình Thuận đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật tưới nước, bón phân, chong đèn cho ra hoa trái vụ; sản xuất an toàn theo hướng GAP (VietGAP, GlobalGAP).
Ở Bình Thuận có đến 30.000 nông dân và nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh thanh long, mở trang trại, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, đây là đi hướng mới, hiệu quả và cây thanh long thực sự đã lên vị trí cây trồng chủ lực của tỉnh.
Tuy vậy, theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long tại địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Về sản xuất, tuy đã ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật, nhưng cho đến nay diện tích đạt tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp an toàn (GAP) mới chỉ khoảng 36%.
Về công nghệ sau thu hoạch và chế biến, mặc dù đã có các cơ sở đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, tuy nhiên, phần lớn mới chỉ là sơ chế, đóng gói; kho lạnh chưa được đầu tư nhiều, chất lượng bảo quản chưa cao, thời gian bảo quản ngắn, chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Hiện toàn tỉnh có 206 cơ sở kinh doanh trái thanh long nhưng mới chỉ có 23 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn trong sơ chế, đóng gói, chiếm 11%. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường lớn là Trung Quốc chưa đòi hỏi chặt chẽ về an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài trái tươi, thanh long chưa được chế biến để đa dạng hóa, gia tăng giá trị sản phẩm, như cấp đông, làm rượu, nước uống… Thị trường nội địa chỉ 15% - 20%, còn lại xuất khẩu đến 80% - 85%, tương ứng khoảng 320.000 - 340.000 tấn/năm; xuất khẩu đến 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng chủ yếu là thị trường Trung Quốc, với hình thức buôn bán biên mậu.
Quy hoạch theo hướng tập trung, thâm canh
Để cây thanh long phát triển bền vững, vấn đề đặt ra là cần phải quy hoạch về quy mô diện tích, cũng như xác định vùng chuyên canh cây thanh long. Tỉnh Bình Thuận đang tiến hành quy hoạch trên cơ sở rà soát diện tích thanh long thực tế ở các địa phương, tính đến lợi thế về điều kiện tự nhiên, hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo đó, quy hoạch phát triển vùng thanh long tập trung đến năm 2015 là 21.000ha, sản lượng khoảng 600.000 tấn và đến 2020 diện tích thanh long toàn tỉnh sẽ là 23.500ha (90% đạt VietGAP), sản lượng đến 750.000 tấn; tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 khoảng 56 triệu USD và đến năm 2020 là 100 triệu USD. Trong đó, vùng thanh long tập trung nhất là Hàm Thuận Nam 12.000ha, Hàm Thuận Bắc 7.000ha, Bắc Bình 2.100ha…
So với quy hoạch, nếu địa phương nào có diện tích thanh long vượt thì giữ nguyên hiện trạng, không khuyến khích phát triển ở diện tích nhỏ lẻ, phân tán mà tập trung đầu tư thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, sản xuất bền vững. Có thể chuyển đổi trồng thanh long ở những diện tích đất lúa xen kẽ trong khu dân cư, đất lúa một vụ bấp bênh, nhưng phải giữ ổn định đất lúa 2 - 3 vụ.
Tăng cường cơ sở hạ tầng, giải quyết tốt nguồn nước, đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng, hệ thống giao thông nông thôn và vùng trồng thanh long tập trung. Ưu tiên cung cấp điện ổn định, nâng cấp hệ thống điện đủ công suất đáp ứng nhu cầu sản xuất thanh long trái vụ.
Hiện nguồn điện chỉ đủ cho 10.000ha, đến năm 2015 có khoảng 20.000ha thanh long cho thu hoạch thì cần 600 triệu kWh/năm. Liên kết sản xuất và tiêu thụ, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư công nghệ dự trữ, chế biến, xây dựng các trung tâm mua bán, đóng gói, sơ chế, kho lạnh bảo quản, nhà máy xử lý nhiệt và chiếu xạ. Khuyến khích xây dựng nhà máy chế biến để giảm áp lực xuất khẩu và gia tăng giá trị sản phẩm.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu, hướng dẫn và có biện pháp hỗ trợ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch thanh long vào các thị trường, cung cấp thông tin dự báo thị trường cho người sản xuất…
Related news
Cuối tuần qua, tại TP.Tam Kỳ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) phối hợp cùng Sở NN&PTNT tổ chức diễn đàn khuyến nông với chủ đề “Phát triển nuôi ong mật bền vững, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”.
Trung tâm Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.Tam Kỳ vừa tổ chức hội thảo mô hình sử dụng chế phẩm sinh học Tricoderma, Emic dùng ủ phân chuồng, xác bã thực vật thành phân vi sinh.
Hơn 5 năm trở lại đây, chưa bao giờ người nuôi tôm trong tỉnh có được niềm vui trọn vẹn. Bởi nếu tôm không mất mùa do dịch bệnh thì cũng rớt giá thảm hại. Điều này luôn khiến những người trong cuộc đặt câu hỏi: Bao giờ nghề nuôi tôm mới tạo được đột phá sau sự ra đời rất huy hoàng của nó?
Ba mặt hàng nông thủy sản chính của xuất khẩu VN đều giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm, theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan.
Trong bảy tháng qua, Việt Nam đã nhập tới 463 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu (khoảng trên 9.000 tỷ đồng).