Quản lý, chăm sóc ốc nhồi thương phẩm
Mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm mang lại hiểu quả kinh tế cáo, rủi ro thấp, đầu ra ổn định. Cùng tìm hiểu về biện pháp quản lý, chăm sóc ốc nhồi thương phẩm
Chuẩn bị ao nuôi
Môi trường sống lý tưởng của ốc là nước ngọt không bị nhiễm mặn. Nhiệt độ thích hợp cho ốc sinh trưởng và phát triển là 22 – 30 độ C. Ao nuôi thương phẩm ốc nhồi có diện tích từ 100 – 1.000 m2, độ sâu từ 0,8 – 1,5 m, độ dày bùn đáy ao 15 – 20 cm, pH 6,5 – 8. Ao nuôi được tát cạn, bắt hết cá tạp, dọn sạch cỏ ở đáy và xung quanh bờ ao. Lấp hết hang hốc quanh bờ ao, khắc phục mọi chỗ rò rỉ, tu sửa lại bờ ao và mái ao, sửa chữa toàn bộ hệ thống đăng chắn và hệ thống cống.
Dùng vôi bột rải đều khắp ao với lượng 7 – 10 kg/100 m2 để điều chỉnh pH và diệt hết các mầm bệnh còn lưu trong ao. Phơi đáy ao 5 – 7 ngày, phơi đến khi đất nứt chân chim. Sau đó dùng phân chuồng (40 – 50 kg/100 m2) rải đều khắp đáy ao, phân xanh (30 – 40 kg/100 m2) bó lại thành từng bó vùi xuống bùn. Cấp nước từ từ vào ao qua cống có lưới lọc. Ao nuôi thả bèo lục bình (hoặc cắm ít cọc tre) 1/4 ao nuôi làm giá để cho ốc bám.
Đặc tính của ốc là không phân bố đều, chúng thường tập trung ở một số khu vực nhất định trong ao. Cũng vì lý do đó, nên tạo ra địa hình có độ nông sâu khác nhau để đa dạng môi trường sống cho ốc. Mục đích chính là để dễ dàng theo dõi cũng như chăm sóc ốc được hiệu quả.
Chuẩn bị ốc giống
Thời điểm thả ốc giống khoảng tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Mùa vụ thả thường vào tháng 4 – 5 dương lịch, cỡ giống từ 2.000 – 2.500 con/kg. Ốc nhồi giống được chọn cần đảm bảo khỏe mạnh, chất lượng tốt. Phần vỏ không bị sứt, dập cũng như phần đỉnh vỏ cần có màu tươi sáng. Kích thước con giống khoảng 0,4 – 0,6 g/con. Vận chuyển con giống sử dụng phương pháp giữ ẩm; không được đóng kín túi bọc, cần tạo độ thông thoáng với môi trường bên ngoài.
Không nên thả ốc xuống ao nuôi luôn. Cần thả ốc vào chậu sau đó cho từ từ nước vào chậu để ốc thích nghi với môi trường nước mới. Khoảng 30 – 45 phút sau mới thả ốc xuống ao. Mật độ thả khoảng 70 con/m2
Thức ăn
Để ốc phát triển tốt, nhanh cho thu hoạch thì chế độ dinh dưỡng khá quan trọng. Thức ăn chính của ốc là thức ăn xanh như: rong, bèo tấm, bèo hoa dâu, lá mùng, lá khoai lang… Thức ăn bổ sung như cám gạo, bột ngô, bột đậu tương rang, bột cá… có thể phối trộn thức ăn theo công thức: 50% thức ăn xanh + 50% thức ăn tự chế (40% cám gạo, 20% bột ngô, 15% thịt cá tạp, 35% bột đậu tương). Cho ốc ăn 15 – 20% khối lượng ốc trong ao khi ốc ở giai đoạn còn nhỏ, ăn 5 – 10% khối lượng ốc trong ao khi ốc ở giai đoạn lớn và gần thu hoạch. Cho ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều tối. Thức ăn xanh để nguyên cả cây, lá, không băm nhỏ vì ốc có tập tính bám dưới mặt lá để ăn. Mỗi ngày chỉ cho ăn thức ăn tinh 1 lần. Lượng thức ăn được điều chỉnh theo khả năng ăn của ốc, khoảng 0,5 – 1% khối lượng ốc trong ao.
Quản lý
Để chăm sóc và nuôi ốc nhồi nhanh lớn và năng suất cao thì không những áp dụng chế độ cho ăn phù hợp, độ pH trong ao nuôi mà còn nhiều yếu tố ảnh hưởng khác cần được quản lý. Chú ý thức ăn cho ốc phải tươi. Sau khi thả ốc giống đến khi 2 tháng tuổi không cần thay nước. Sang tháng nuôi thứ 3, thay nước định kỳ 2 tuần/lần, mỗi lần thay 3/4 lượng nước trong ao.
Theo dõi tình hình môi trường ao nuôi, khi có hiện tượng bất thường cần xử lý kịp thời, tránh môi trường ao nuôi quá bẩn. Luôn đảm bảo ổn định pH 6,5 – 8, không để pH < 6,5 vì ốc ưa môi trương trung tính hơi kiềm.
Thu hoạch
Khi ốc trong ao đạt trọng lượng khoảng 25 – 30 con/kg là thời điểm có thể thu hoạch. Ốc có thể thu hoạch theo hình thức tỉa dần. Hình thức gối vụ như vậy thích hợp cho ốc phát triển, giảm lượng thức ăn không cần thiết. Thời điểm thu hoạch ốc là chiều tối hoặc sáng sớm. Lúc ốc đi tìm ăn và nổi lên trên, rất dễ thu hoạch. Sau mỗi mùa thu hoạch, có thể bớt lại số lượng ốc bố mẹ nhất định để nuôi cho vụ sinh sản tiếp theo.
Hiện nay, mô hình nuôi ốc nhồi mang lại hiệu quả kinh tế cao, rủi ro thấp, đầu ra tương đối ổn định. Chính vì vậy, rất nhiều địa phương đã triển khai thành công mô hình này như tại Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Long An…
Related news
Bệnh Amip mang (AGD) là một căn bệnh gây tử vong với một số loài cá biển.Bệnh mang do amip (Amoebic Gill Disease - AGD)
Ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản đang thực hiện sứ mệnh tìm ra chiến lược khả thi nhất để tìm kiếm nguồn thức ăn thay thế.
Nông dân Kiên Giang đang triển khai sản xuất vụ lúa - tôm với thời tiết thuận lợi, kỳ vọng sẽ có vụ mùa hiệu quả nhờ chi phí đầu tư thấp.