Kỳ vọng vụ lúa - tôm vụ mùa 2021 - 2022
Nông dân Kiên Giang đang triển khai sản xuất vụ lúa - tôm với thời tiết thuận lợi, kỳ vọng sẽ có vụ mùa hiệu quả nhờ chi phí đầu tư thấp.
Nông dân các huyện ven biển tỉnh Kiên Giang đang tập trung gieo cấy vụ lúa trên nền đất nuôi tôm, năm nay thời tiết thuận lợi. Ảnh: Trung Chánh.
Rửa mặn cho đất, gieo lúa thuận lợi
Vụ mùa 2021 - 2022, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch gieo cấy 60.670ha lúa, chủ yếu lấp vụ trên nền đất nuôi tôm và một phần diện tích lúa 2 vụ/năm, sản xuất lệ thuộc vào nguồn nước mưa là chính ở các huyện vùng U Minh Thượng.
Đến nay, nông dân đã xuống giống vụ lúa - tôm được hơn 51.760ha, tập trung ở các huyện An Minh 21.685ha, An Biên 14.889ha, Vĩnh Thuận 11.843ha, U Minh Thượng 3.200ha và Giang Thành 1.145ha. Ngoài ra, diện tích lúa đông xuân sớm tại huyện U Minh Thượng nông dân đã gieo trồng được 4.000ha.
Ông Út Giới (Phan Văn Giới), ở xã Đông Hòa, huyện An Minh, cho biết, năm nay trời có mưa tập trung, việc rửa mặn thuận lợi nên hiện lúa phát triển khá tốt. Gia đình ông Giới có hơn 2ha đất sản xuất theo mô hình luân lúa - tôm (canh tác một vụ lúa, một vụ tôm). Sau khi múc vuông lên đê bao, tạo đường mương xung quanh để tôm sinh sống, phần mặt ruộng còn lại ở giữa khoảng 1,5ha.
Ông Út Giới chia sẻ, sau vụ nuôi tôm, khi trời có mưa nhiều, nông dân đã xả bỏ nước mặn, hứng nước mưa và dùng máy bơm ra ngoài để rửa mặn trong đất trước khi gieo cấy lại vụ lúa. Vụ lúa năm nay, gia đình ông Út Giới chọn giống lúa ST25 để sản xuất.
“Để tiết kiệm lượng lúa giống, tôi chọn phương pháp gieo mạ trên bờ vuông rồi mới nhổ đưa xuống ruộng cấy. Nhờ vậy, lượng lúa giống cần chỉ bằng 1/2 so với gieo sạ trực tiếp. Hiện lúa đã được gần 1 tháng, đang phát triển rất tốt. Mong thời tiết mưa thuận gió hòa, không bị thiếu nước ngọt cuối vụ, mấy tháng nữa sẽ có vụ mùa bộ thu”, ông Út Giới hy vọng.
Quản lý cộng đồng bền vững
Luân canh theo mô hình vụ lúa - tôm, nông dân cần tuân thủ tốt khung thời vụ khuyến cáo thì sản xuất mới hiệu quả. Vì vụ lúa chỉ gói gọn trong mấy tháng mùa mưa. Nếu gieo sạ sớm, việc rửa mặn trong đất không tốt lúa sẽ chết rụi dần sau thời gia gieo cấy. Nhưng nếu làm trễ quá thì lại bị thiếu nước ngọt tưới cuối vụ khi trời dứt mưa sớm.
Để khắc phục hạn chế này, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã triển khai thực hiện mô hình tôm - lúa quản lý cộng đồng, xây dựng thành những điểm có diện tích lớn, các hộ nông dân cùng liên kết, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, vụ mùa 2021 - 2022, đơn vị đang triển khai 2 điểm sản xuất lúa trên nền đất nuôi tôm, với diện tích 100 ha. Đây là dự án sinh kế bền vững vùng ĐBSCL, nguồn vốn do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.
Cụ thể, thực hiện tại xã Tây Yên A, huyện An Biên và xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, với diện tích 50 ha/điểm. Tham gia mô hình này, nông dân được hỗ trợ lúa giống (tối đa 1 ha/hộ), một phần vật tư nông nghiệp, được hội thảo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật…
“Để sản xuất hiệu quả, chúng tôi khuyến cáo nông dân nên gieo sạ thưa, với lượng lúa giống 80 kg/ha. Còn gieo mạ cấy, nông dân sử dụng lượng giống ít hơn là 60 kg/ha. Hiện nông dân đã xuống giống xong, lúa đang phát triển tốt”, ông Nguyễn Ngọc Toản cho biết.
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang còn đang triển khai thực hiện dự án sinh kế Cái Lớn - Cái Bé, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất hiệu quả khi công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào hoạt động, nguồn nước được kiểm soát. Dự án triển khai cho nông dân huyện An Biên, hiện nông dân đã kết thúc vụ nuôi tôm, chuyển sang sản xuất vụ lúa.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, dự kiến kế hoạch sản xuất vụ mùa 2021 - 2022 (chủ yếu lấp vụ trên nền đất nuôi tôm) và vụ đông xuân của vùng U Minh Thượng, sản lượng thu hoạch ước đạt hơn 309.000 tấn lúa hàng hóa.
Thời điểm bắt đầu thu hoạch từ tháng 12/2021 và dứt điểm cuối tháng 1/2022. Đây là thời điểm lúa đông xuân chính vụ ở các tỉnh ĐBSCL chưa thu hoạch nên tiêu thụ khá thuận lợi.
Vụ lúa - tôm tuy năng suất không cao (khoảng 4,5 - 5 tấn/ha), nhưng nhờ tận dụng được nguồn hữu cơ có sẵn trong vuông tích tụ từ vụ nuôi tôm nên chi phí thấp, nông dân sản xuất vẫn đạt hiệu quả kinh tế. Quan trọng hơn là cây lúa đóng vai trò như "cỗ máy cải tạo", làm sạch môi trường, giúp vụ nuôi tôm kế tiếp được thuận lợi, cắt được nguồn lây nhiễm dịch bệnh từ vụ trước.
Related news
Sau nhiều năm nghiên cứu ở Nelson, các phương pháp này (tắm bằng nước ấm và sử dụng các thiết bị rung) đã tạo ra lứa con giống đầu tiên
Bệnh Amip mang (AGD) là một căn bệnh gây tử vong với một số loài cá biển.Bệnh mang do amip (Amoebic Gill Disease - AGD)
Ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản đang thực hiện sứ mệnh tìm ra chiến lược khả thi nhất để tìm kiếm nguồn thức ăn thay thế.