Qua Hàn Quốc học cách trồng sâm
Đón chúng tôi tại sân bay quốc tế Gymhae (TP.Busan), ông Kang Seong Gab - Chánh văn phòng huyện Hamyang nói bằng thứ tiếng Việt lơ lớ vừa học đâu đó rằng “Chào mừng quý vị về với kinh đô sâm núi Hamyang!”. Thế nhưng, để đến được kinh đô sâm như ông Kang Seong Gab nói, chúng tôi phải vượt gần 200km trên đường cao tốc xuyên qua những dãy núi non trùng điệp.
Hamyang được bao bọc bởi 3 khu vườn quốc gia, dưới chân ngọn núi Siri cao ngất và trong vùng còn có hơn 15 ngọn núi cao trên 1.000m mây che quanh năm trắng xóa. Nhiệt độ trung bình trong vùng khoảng 11 độ C, mùa nắng nóng nhất là 34 độ C và mùa đông lạnh âm 15 độ C. Không ai giải thích được vì sao loài sâm núi này có thể sinh sôi và phát triển tốt tươi giữa thời tiết khắc nghiệt như vậy.
Lễ hội sâm núi tại huyện Hamyang, tỉnh Gyeongsang, Hàn Quốc.
Kinh đô sâm núi
Vừa đến Hamyang, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My ngạc nhiên nói rằng: “trụ sở chính quyền huyện này mới nhìn qua giống một cái siêu thị! Không biết bao giờ mình mới hỗ trợ được nông dân của quê mình như vậy”.
Sự hỗ trợ này hiện diện ngay trước tiền sảnh của trụ sở huyện Hamyang, đó là một gian hàng lớn với hàng trăm sản phẩm của địa phương được trưng bày để chính khách, du khách, người đến làm việc, liên hệ công tác đều có thể thấy niềm tự hào của người dân trong vùng. Huyện trưởng huyện Hamyang - Im Chang Ho tự hào khoe rằng chính quyền của ông nỗ lực không ngừng để người dân được giàu có và không dừng lại ở mức thu nhập 20.000USD/người/năm.
Ông Yang Gyeong Myeong, người trồng sâm nhiều nhất vùng Hamyang, tỉnh Gyeongsang, Hàn Quốc chỉ cho đoàn Việt Nam cách trồng sâm rừng. Từng đến Việt Nam, vào tận vùng núi của huyện Nam Trà My để ký kết hợp tác trong việc trồng sâm núi và hỗ trợ nông dân, ông Yang Gyeong Myeong cho biết sẽ quay lại Việt Nam và giúp nhiều hơn nữa cho người dân nơi này. “Mong muốn của tôi là có thể trồng sâm núi Hàn Quốc ngay trên đất Việt Nam và ngược lại người Việt có thể trồng sâm và bán ngay trên đất Hàn Quốc. Đó là cơ hội để nông dân có thể lựa chọn phương thức sản xuất và làm giàu bền vững” - ông Yang Gyeong Myeong cho biết.
Ông Im Chang Ho cho biết Hamyang rộng 724km2, trong đó đến 78% là núi cao, thời tiết khắc nghiệt, dân số hơn 40.000 người và hàng năm thu nhập mang về cho họ gần 1 tỷ USD.
Chính quyền huyện không ngừng mở rộng hợp tác với những thành phố lớn ở Hàn Quốc như Seoul, Changwon, Busan, Daegu, Gwangju, Jeollanam và hàng loạt tỉnh thành của các quốc gia khác trên thế giới như Dương Châu, Giang Tô (Trung Quốc); Northhamstead, Nassau, New York (Mỹ); Quảng Nam (Việt Nam)…
Để người dân trong vùng thật sự thịnh vượng và phát triển một cách bền vững, ngành công nghiệp trồng sâm ở đây không bao giờ “bán lúa non” bằng cách bán sâm tươi mà họ tự chế biến sâm núi ra hàng loạt sản phẩm khác như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm…
Nhằm nâng cao giá trị của nông sản. “Huyện chúng tôi tự hào có đến 126 cơ sở sản xuất và 2.470 người làm việc trong ngành công nghiệp này. Chúng tôi bán sản phẩm của mình đến 50 quốc gia” - ông Im Chang Ho cho biết. Tuy nhiên, khi đoàn nghiên cứu sâm của Quảng Nam đề nghị được tiếp xúc các cơ sở sản xuất, chế biến sâm thì được phía Hàn Quốc hẹn một dịp khác.
Từ trung tâm huyện Hamyang, chúng tôi ngược về phía tây nam của dãy núi Siri (thuộc xã So Sang) tìm gặp người đàn ông với biệt danh “vua sâm núi” Hàn Quốc - Yang Gyeong Myeong để khám phá cách trồng sâm.
Ông Yang Gyeong Myeong (43 tuổi) nguyên là cử nhân kinh tế ở Trường Đại học Busan, đã bỏ nghề buôn bán lên dãy Siri lạnh lẽo để trồng sâm từ 13 năm trước. Sở hữu vườn sâm hơn 10ha, bây giờ khu vườn của ông có đủ loại sâm, từ 1 - 2 tuổi đến 10 tuổi.
Ông Yang Gyeong Myeong cười vui nói rằng bây giờ mình là nông dân rất giàu có và khó có thể tính ra tiền mặt. Ngay trước trại sâm là một gian hàng trưng bày các loại rượu và mỹ phẩm cùng hàng loạt thương phẩm từ vườn sâm của ông để đón khách. Cũng như sâm Ngọc Linh (Quảng Nam), tùy theo mỗi độ tuổi, cân nặng mà giá từng cây sâm khác nhau.
Và hai loài sâm này giống nhau ở chỗ chúng cùng sống dưới những tán lá rừng có độ che phủ đến 80%. Ông Yang Gyeong Myeong nhổ một cây sâm trong khu vườn của mình to bằng ngón út, dài chưa đến 2 gang tay, bảo rằng nó trồng được 2 năm, có giá khoảng 200USD. Để tránh sâu bọ, sâm của ông Yang trồng trong những chậu cây như cây cảnh, rộng khoảng 1m2, hai mươi cây trong một chậu.
Những cây sâm năm lá với cánh hoa màu đỏ li ti mọc ken kín khu vườn dưới những tán lá thông che khuất mặt trời. “Để có được những sản phẩm xuất khẩu, chúng tôi phải công khai kết quả liên quan đến thuốc nông nghiệp, kim loại nặng và quá trình chế biến. Ở Hamyang người nông dân trồng sâm tính bằng tiền triệu USD” - ông Yang Gyeong Myeong vui vẻ nói.
Lễ hội sâm
Ngày chúng tôi đến Hamyang cũng là dịp địa phương này đang tổ chức một lễ hội truyền thống về sâm núi lần thứ 12 của huyện kéo dài trong 5 ngày. Dòng người từ khắp đất nước Hàn Quốc ùn ùn kéo về đây tận hưởng thứ đặc sản quý giá của đất trời ban tặng.
Đây cũng là dịp cho gần 500 hộ trồng sâm núi ở Hamyang bày biện những củ sâm quý giá nhất của mình để quảng bá. Những bộ trang phục màu xanh với phù hiệu lá và đóa hoa sâm trên vai áo, đầu quấn khăn trắng truyền thống, những người trồng sâm hòa mình vào vũ điệu của xứ sở mình. Đàn ông ở làng So Sang tái hiện cảnh người đi đào sâm núi mất tích và dựng lều trên núi đào sâm. Những đứa trẻ cỡi trên mình những chiếc xe gỗ mang dáng hình củ sâm có hai lá chạy quanh bên đài phun nước của lễ hội.
Bà Yang Gyeong Ok (75 tuổi), nhà có nhiều đời trồng sâm trên ngọn núi Siri kể rằng bà mang sâm đến lễ hội bày biện ra bán không phải để mang về thu nhập, đây là dịp để bà tưởng nhớ đến người ông của mình đã tử nạn trên đỉnh núi cao trong lúc tìm sâm do một trận sập lún núi tuyết.
Sau mùa tuyết tan, dân làng cất công tìm kiếm nhưng người đàn ông vẫn “biệt xứ”. Dân làng cho rằng ông lão đã hóa thân thành một loại sâm quý và ban tặng nguồn sống của mình cho quê hương. Ngay trước gian hàng của bà Yang Gyeong Ok, một tượng gỗ hình củ sâm có mặt người đứng sừng sững, bên dưới là hình nộm một người đàn ông mang gùi đang quỳ lạy củ sâm.
Trong lễ hội, đích thân ông Im Chang Ho cũng hóa trang thành một ông già đi tìm sâm và dựng lều ở ngay trên đỉnh núi tuyết. Ông Im Chang Ho cho biết chính quyền huyện chưa dừng lại ở việc tổ chức lễ hội cấp quốc gia và năm 2020, quê ông sẽ là nơi tổ chức hội chợ triển lãm sâm trên toàn thế giới. “Hội chợ Expo - sâm núi thế giới Hamyang 2020” sẽ là nơi hội tụ của những xứ sở sâm hàng đầu thế giới như Canada, Mỹ, Nhật Bản. Khi đó quy mô sẽ rất lớn và chúng tôi còn thiết kế cả một thung lũng nghỉ dưỡng sâm núi trường sinh bất lão trong vùng này. Chúng tôi mong muốn sâm Việt Nam cũng có mặt tại nơi đây vào năm 2020” - ông Im Chang Ho nói.
Dạo một vòng trong lễ hội, choáng ngợp với quy mô của một hội chợ cấp huyện tổ chức, ông Hồ Quang Bửu cho rằng còn rất lâu Nam Trà My mới tổ chức được một lễ hội như vậy. Nhưng điều ông Bửu lo lắng là loài sâm đặc hữu nổi tiếng nhất Việt Nam ngay trên quê hương Nam Trà My (sâm Ngọc Linh) cũng đã được người dân Hàn Quốc bày bán trong gian hàng của mình.
Quay lại câu chuyện trồng sâm của người Việt, chuyện trên đỉnh Ngọc Linh trù phú và đầy bí hiểm với loài sâm quý, Quảng Nam vẫn đang loay hoay việc có nên cho người dân thuê đất dưới tán lá rừng để canh tác.Ông Bửu cho rằng trồng sâm và làm sao để người dân ở xứ lạnh như Sapa, Lào Cai, Đà Lạt và quanh đỉnh Ngọc Linh như Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi thoát nghèo vẫn là câu chuyện dài gian khó.
Một đề án sâm quốc gia Việt Nam với hàng loạt tham vọng đã trình ra Chính phủ và vẫn đang ngóng vọng những cái gật đầu từ trung ương. “Sâm Ngọc Linh nức tiếng là cây sâm với hàm lượng dưỡng chất tốt cho con người cao hơn cả các loài sâm khác trên thế giới nhưng sâm Việt Nam vẫn chưa được biết đến.
Không kỳ vọng mỗi năm mang về 2 - 3 tỷ USD như Hàn Quốc nhưng trước mắt học cách trồng sâm để người dân thoát nghèo. Và vai trò của chính quyền là chất xúc tác cho nông dân thay đổi cách tư duy nông nghiệp của mình” - ông Bửu trăn trở.
Related news
Đến thăm vườn tiêu của anh Thanh, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy tất cả các cây trong vườn đều kết trái từ gần sát gốc lên đến tận ngọn...
Cuối tháng 2/2014, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã làm việc với Sở Công thương An Giang về hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh cá tra trong và ngoài nước, những vấn đề mới về Luật Nông nghiệp của Mỹ năm 2014.
Nguyên nhân là do các nhà máy đóng trên địa bàn không chịu thu mua mía cho dân vào đúng thời kỳ cao điểm của vụ thu hoạch.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết hiện nay giá điều thô nhập khẩu từ các nước châu Phi đã hơn 1.000 USD/tấn, cao hơn 150-200 USD/tấn so với năm 2013, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) khi nhập khẩu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu.
Tại một số cánh đồng tại xã Phan Hòa, Phan Rí Thành huyện Bắc Bình có khá nhiều thửa ruộng của người dân chưa trổ bông. Thời điểm này những năm trước lúa ở hai xã này đã chuẩn bị cho thu hoạch.