Phụ nữ Hòa An chung tay xây dựng nông thôn mới

Đi dọc theo tuyến kênh Nhà Nước, thuộc ấp 6, xã Hòa An, hình ảnh lộ làng sạch đẹp, cây xanh thẳng tắp, là kết quả của những phong trào thi đua trong các cấp hội phụ nữ như:
“Phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”...
Riêng từ đầu năm đến nay, hội viên Hội LHPN xã Hòa An đã góp vốn xoay vòng không tính lãi hơn 126 triệu đồng cho 53 chị em vay; thành lập nhiều tổ, nhóm, câu lạc bộ tiết kiệm để gửi tiết kiệm hơn 168 triệu đồng; tham gia trồng cây liên ấp 6 và ấp 7 dài 2.000m và trồng hơn 800 cây xanh ở tuyến Tỉnh lộ 927…
Ông Phạm Văn Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa An, cho biết: “Chính nhờ bàn tay các chị phụ nữ mà diện mạo đường sá, nhà cửa ấp này và nhiều ấp khác trên địa bàn xã có nhiều thay đổi tích cực.
Thời gian qua, cùng với chính quyền địa phương, đa phần chị em phụ nữ thể hiện được quyết tâm, bản lĩnh của mình khi góp sức xây dựng quê hương thêm giàu đẹp bằng những việc làm thiết thực”.
Không biết từ bao giờ, chị em phụ nữ trong xã Hòa An thường hay vận động nhau thực hiện việc phân loại và đốt rác thải để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bà Lê Thị Thiện, ở ấp 6, nói: “Mấy loại rác không thể phân hủy, tôi đều đốt hết.
Có như vậy mới đảm bảo sức khỏe cho mình và người thân, đây còn là hành động thiết thực chung tay với chính quyền địa phương xây dựng các tiêu chí nông thôn mới nên mình càng phải nghiêm túc thực hiện.
Ăn, ở sạch sẽ thì người thụ hưởng trước tiên chính là bản thân và gia đình mình chứ không phải ai khác.
Với suy nghĩ đó nên tôi và chị em trong xóm quyết tâm làm theo sự vận động của địa phương”.
Không chỉ chung tay thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhiều hội viên phụ nữ đã đoàn kết, giúp nhau vượt qua đói nghèo.
Nhiều mô hình tiêu biểu như: “Nghĩa cử đẹp”, “Tiết kiệm điện”, “3 trong 1”… được chị em tham gia tích cực.
Qua đó, nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn được tạo điều kiện để xây dựng nhà ở hoặc hỗ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình.
Bà Lê Thị Năm, ở ấp Hòa Phụng C, xã Hòa An, chia sẻ: “Gia đình vừa được Hội LHPN xã tặng căn nhà tình thương, tiền cất nhà là do chị em hội viên đóng góp nên tôi rất cảm kích.
Nếu không nhờ chị em giúp đỡ thì giờ này gia đình tôi vẫn đang loay hoay với chỗ ăn, chỗ ở.
Bây giờ có nhà an toàn, sạch đẹp, gia đình phấn đấu làm ăn để vươn lên”.
Là một trong những hội viên khó khăn được giúp đỡ, bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, ở ấp 6, cho biết: “Nhờ hình thức vay vốn xoay vòng mà chị em trong xóm có điều kiện phát triển nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bản thân tôi thấy được hiệu quả của mô hình cho vay vốn xoay vòng nên tích cực tham gia”.
Đây là hình thức giúp đỡ tuy không mới nhưng thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau lúc khó khăn, đồng thời giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí (trong đó có tiêu chí không đói nghèo) trong thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, gắn với xây dựng NTM”.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa An, chia sẻ: Thời gian qua, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, Hội LHPN xã phổ biến lợi ích của các phong trào cho chị em hội viên phụ nữ.
Qua đó, đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đa số chị em, nhờ vậy nhiều phong trào gặt hái được kết quả đáng ghi nhận.
Chị em phụ nữ không những được hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo mà còn được trang bị kiến thức, kỹ năng trong xây dựng gia đình hạnh phúc.
Đây sẽ là nền tảng vững chắc trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương trong thời gian tới.
Related news

Theo Cục Trồng trọt, hiện nay cả nước có gần 11.800 ha ca cao, trồng nhiều nhất là tỉnh Bến Tre, gần 2.800 ha, thấp nhất là Gia Lai 9,6 ha.

Do giá hạt tiêu trên thị trường luôn ở mức cao so với nhiều loại nông sản chủ lực khác ở Tây Nguyên, nên trong những năm gần đây, nông dân đã ồ ạt trồng tiêu, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, khiến diện tích hồ tiêu tăng nhanh. Việc phát triển “nóng” nêu trên không chỉ phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Vì vậy, để cây hồ tiêu phát triển bền vững, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, hiệu quả và lâu dài.

Trên địa bàn huyện chỉ mới xuất hiện những cơn mưa dông đầu mùa, đất chưa đủ độ ẩm nhưng nhiều người dân huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã ồ ạt xuống giống một số cây trồng vụ mùa; trong đó chủ yếu là cây mì, sau đó gặp nắng nóng kéo dài đã làm cho hàng ngàn ha mì chết và chậm phát triển vì thiếu nước. Những ngày qua, trên địa bàn huyện bắt đầu có mưa, phần nào giải cơn khát cho cây trồng thì cũng là điều kiện cho các dịch bệnh gây hại cây trồng xuất hiện.

Sự kết hợp đồng bộ các giải pháp giữa địa phương và các nhà quản lý chuyên ngành đã đưa giá vải thiều Bắc Giang lên cao nhất trong 5 năm qua, đạt trung bình 15.000 đồng/kg; tổng giá trị sản xuất đạt 2.900 tỉ đồng.

Với mong muốn tìm cây trồng thích hợp cho vùng đất cát nghèo dinh dưỡng, sau một thời gian tìm hiểu, học tập kinh nghiệm, chị Lê Thị Lạc ở xóm 3, xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu - Nghệ An) đã quyết định chọn cây thanh long để trồng thử nghiệm. Kết quả bước đầu cho thấy đây là cây trồng có triển vọng cho vùng đất cát ven biển.