Phòng trừ sâu đục thân hại lúa
Hà Nội có trên 1.500 ha lúa nếp cái hoa vàng, tập trung tại các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Oai… Đây là giống phản ứng với ánh sáng ngày ngắn, chỉ gieo cấy được trong vụ mùa.
Nếp cái hoa vàng là giống bản địa chất lượng cao, chịu thâm canh, chống đổ khá, chống chịu bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, rầy nâu trung bình, dễ bị sâu đục thân, thời gian sinh trưởng 150 - 155 ngày.
Hiện tại lúa đang trong giai đoạn phân hóa đòng, dự kiến trỗ từ ngày 5 - 10/10.
Để đảm bảo hiệu quả công tác phòng trừ sâu đục thân hại lúa, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội giới thiệu đặc điểm hình thái, triệu chứng gây hại, quy luật phát sinh và biện pháp phòng trừ như sau:
Triệu chứng
Sâu đục thân gây hại biến đổi tùy theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và tuổi phát dục của sâu. Lúa từ thời kỳ mạ đến lúc trỗ bông đều có thể bị hại. Cây mạ khi còn nhỏ bị hại có thể chết khô, nếu mạ đã lớn bị hại thì dễ bị đứt gốc khi nhổ mạ.
Cây lúa ở thời kỳ đẻ nhánh, sâu đục vào phần dưới của thân, cắt đứt tổ chức bên trong phá hại chức năng dẫn nhựa làm cho lá non trước tiên bị cuốn dọc, có màu xanh tái sẫm, dần chuyển sang màu vàng và héo khô.
Thời kỳ lúa đứng cái làm đòng, sâu non tập trung phá hại phía trong bẹ và đục vào ống.
Thời kỳ trỗ bông, sâu đục vào cuống bông, cắt đứt sự vận chuyển dinh dưỡng của bông lúa hoặc sâu tuổi nhỏ tập trung cắn nát đòng, bông lúa không trỗ hoặc nếu trỗ thì các hạt bị lép trắng (bạc bông).
Hình thái
Trứng đẻ thành ổ hình bầu dục dài, trên mặt phủ một lớp lông màu vàng nhạt ở giữa hơi nhô lên.
Mới đẻ trứng màu trắng sau chuyển màu ngà vàng sắp nở màu đen. Sâu non đẫy sức dài 21 - 25 mm màu trắng sữa, đầu màu nâu vàng.
Ngài đực có đầu ngực và cánh trước màu nâu nhạt, giữa cánh có một chấm đen. Ngài cái thân dài 10 - 13 mm, thân màu trắng vàng hoặc vàng nhạt, cuối bụng có chùm lông màu vàng nhạt, giữa cánh trước có một chấm đen.
Tập quán sinh sống và quy luật gây hại
Thời gian sinh trưởng và phát dục các giai đoạn của sâu có liên quan mật thiết với điều kiện nhiệt độ và ẩm độ.
Ở điều kiện nhiệt độ từ 26 - 30 độ C, thời gian phát dục của trứng là 7 ngày, sâu non từ 25 - 33 ngày, nhộng 8 - 10 ngày, bướm vũ hóa đẻ trứng 3 ngày.
Ngài thường vũ hóa về đêm, ban ngày ngài đậu yên nấp trong khóm lúa rậm rạp gần mặt nước, khi trời tối ngài hoạt động mạnh từ 19 - 20 giờ.
Sau khi vũ hóa thì ngay trong đêm đó ngài có thể giao phối và đêm thứ 2 bắt đầu đẻ trứng. Mỗi ngài cái có thể đẻ 1 - 5 ổ trứng, mỗi ổ trứng có từ 100 - 150 quả trứng.
Trứng được đẻ ở mút ngọn lúa ở thời kỳ mạ và khoảng gần giữa mặt trên hay dưới lá ở thời kỳ cấy.
Sâu non khi nở gặm phá chất keo và lông phủ trên ổ trứng chui ra. Nếu lúa đang ở thời kỳ mạ hoặc đẻ nhánh, sâu đục qua bẹ vào đến nõn giữa phá làm cho dảnh lúa bị héo.
Nếu lúa sắp trỗ hoặc mới trỗ, sâu đục qua lá bao của đòng và chui vào giữa rồi bò xuống đục ăn điểm sinh trưởng, cắt đứt các mạch dẫn dinh dưỡng làm cho bông lép trắng.
Sâu đục thân bướm hai chấm phá hại nặng trên lúa mùa hơn lúa xuân. Các giống lúa đang trồng chưa có giống nào kháng sâu đục thân hai chấm, giống lúa nếp bị hại nặng hơn giống lúa tẻ.
Cùng một giống lúa, giai đoạn sinh trưởng khác nhau mức độ hại khác nhau, lúa ở thời kỳ đẻ nhánh rộ, làm đòng, trỗ gặp lứa sâu ra rộ thì mức độ bị hại có khả năng lớn hơn so với các giai đoạn sinh trưởng khác.
Một năm có 6 - 7 lứa, quan trọng là lứa 2 và 5 trùng với tháng 5 và tháng 9. Đây là hai lứa sâu hại cần chú ý phòng trừ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất.
Bướm vũ hóa sau khi lúa trỗ hoặc trùng với thời gian lúa trỗ tỷ lệ bị hại nhẹ, bướm vũ hóa rộ trước khi lúa trỗ từ 5 - 7 ngày, tỷ lệ bị hại rất nặng.
Biện pháp phòng trừ
+ Biện pháp kỹ thuật canh tác: Trên các khu đồng lúa hoặc mạ cần sạch cỏ, phát bờ trước khi gieo cấy, khu vực ruộng mạ nên gieo thành từng khoảnh, từng giống để tiện chăm sóc và phòng trừ sâu hại.
Bón phân cân đối theo quy trình kỹ thuật đối với giống nếp cái hoa vàng, không sử dụng phân đạm quá nhiều hoặc bón không đúng quy trình.
Điều khiển nước tưới hợp lý, chủ động để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, có sức chống chịu sâu bệnh cao.
Khi mật độ trứng sâu đục thân lúa hai chấm khoảng 0,5 ổ/m2 ở giai đoạn làm đòng và theo dõi bướm vũ hóa rộ trước khi lúa trỗ từ 5 - 7 ngày thì sử dụng thuốc BVTV để phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau:
DuponTMprevathon 5SC, Virtako 40WG, Alocbale 40EC, Regent 800WG, Enasin 32WP… nồng độ và liều lượng theo hướng dẫn ghi trên vỏ bao bì thuốc.
+ Lưu ý: Phun đủ 25 - 30 lít nước thuốc đã pha/sào (360 m2). Khi phun thuốc trừ sâu đục thân bướm 2 chấm trong thời gian 4 giờ mà gặp mưa thì nhất thiết phải phun lại.
Related news
Năm 2012, được Trung tâm Khuyến nông quốc gia đầu tư kinh phí, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình trồng keo tai tượng thâm canh tại 3 xã, gồm: Phúc Đường, Hải Long (Như Thanh), Thanh Quân (Như Xuân), quy mô 113 ha, với 70 hộ tham gia thực hiện.
Ngày 23 – 10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2013 – 2014, giải pháp thu mua, chế biến niên vụ 2014 – 2015 và định hướng kế hoạch sản xuất niên vụ 2015 – 2016.
Sau hơn hai năm, 53 thành viên đầu tiên thuộc dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ có trình độ đại học về làm phó chủ tịch (PCT) tại 53 xã thuộc sáu huyện miền núi Quảng Ngãi đã thổi một luồng gió mới vào cuộc sống những người dân vùng cao.
Ở ĐNA, Thái Lan là nước đã vươn lên nhóm II. Việt Nam mặc dù vẫn nằm trong nhóm III nhưng đã tiệm cận nhóm II, nếu có những cú hích mạnh thì hi vọng trong 3-5 năm tới có thể tạo được đột phá để vươn lên nhóm II. Dù vậy, nếu chỉ nhờ vào tăng năng suất cũng khó có thể vươn lên nhóm II nếu không có các giải pháp khác.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Hiện nay hầu hết nông sản ngoài thị trường qua xét nghiệm mức độ đảm bảo tương đối cao (trên 90%), song vẫn chưa được người tiêu dùng thật sự yên tâm, tin tưởng. Vì vậy, việc xây dựng thành công chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn, hai mặt hàng quan trọng nhất hiện nay cho Hà Nội có ý nghĩa vô cùng quan trọng.