Home / Cây lương thực / Trồng sắn

Phòng trừ bệnh chổi rồng hại sắn

Phòng trừ bệnh chổi rồng hại sắn
Author: Văn Phú
Publish date: Thursday. December 13th, 2018

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh chổi rồng trên cây sắn, vì vậy công tác phòng bệnh là chính.

Sắn nhiễm bệnh chổi rồng ở xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên

Triệu chứng: Hom giống bị nhiễm bệnh chổi rồng lên mầm và sinh trưởng kém, lóng thân của mầm ngắn, lá thường nhỏ hơn bình thường. Chồi của những cây bị bệnh thường rụt ngắn, cây thấp lùn. Trên thân cây đang sinh trưởng, tại các mầm ngủ thường mọc rất nhiều chồi phụ. Cây bị bệnh sinh trưởng kém, giảm năng suất và chất lượng củ nghiêm trọng.

Đối với những cây bị nhiễm bệnh nhẹ và thời điểm nhiễm bệnh muộn, khi đến gần thời kỳ thu hoạch thì ngọn cây bị chết khô, các chồi trên thân mọc thành nhiều chùm nhánh như bụi cỏ, cây thường ít của và củ rất nhỏ.

Khi bị nhiễm bệnh nặng, thân cây có biểu hiện chảy mủ và chuyển màu nâu xám.

Nguyên nhân: Kết quả phân tích và giám định của Viện Bảo vệ thực vật cho thấy, tác nhân gây lên bệnh chổi rồng trên sắn là do một loài dịch khuẩn bào (tên khoa học là Phytoplasma). Đây là một loài dịch hại chuyển tiếp từ virus và vi khuẩn.

Điều kiện phát sinh gây hại: Bệnh chổi rồng hại sắn thường phát sinh lây lan qua 2 con đường:

+ Hom giống bị nhiễm bệnh.

+ Do một loài rầy xám (tên khoa học Hishimonus phycitis) là môi giới lan truyền bệnh.

Bệnh thường phát sinh và gây hại trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao. Vì vậy bệnh thường gây hại nặng vào các tháng mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm). Những năm gặp thời tiết mưa bão nhiều, bệnh thường gây hại rất nặng trên những nương sắn trồng độc canh, ít được đầu tư chăm sóc.

Biện pháp phòng trừ: Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh chổi rồng trên cây sắn, vì vậy công tác phòng bệnh là chính.

- Đối với những nương sắn bị nhiễm bệnh gần đến thời kỳ thu hoạch, cần tập trung thu hoạch nhanh, thu gom và tiêu hủy (đốt) triệt để thân và các tàn dư khác như rễ, lá... nhằm tiêu hủy nguồn bệnh.

- Luân canh cây sắn với các cây trồng khác họ như ngô, đậu tương, lạc, rau đậu... từ 1 - 2 năm, sau đó mới trồng lại sắn.

- Đối với những nương sắn mới trồng, cần theo dõi thường xuyên để phát hiện những cây nhiễm bệnh nhằm tiêu hủy kịp thời, sau đó rắc vôi bột vào gốc để hạn chế bệnh lây lan.

- Không được lấy giống (hom) sắn từ những vùng bị bệnh mang trồng.

- Có thể xử lý hom giống trước khi trồng bằng nước nóng 54 độ C trong thời gian từ 60 - 90 phút hoặc một số loại thuốc như Kendal, Bion, Olivis nhằm loại trừ nguồn bệnh.

- Lựa chọn một số giống sắn cho năng suất và chất lượng cao, có khả năng kháng với bệnh chổi rồng như giống KM 140, KM98-5, SM973 - 26... để trồng, hạn chế và không trồng giống sắn KM 94.


Related news

Phòng chống bệnh khảm lá trên cây mì Phòng chống bệnh khảm lá trên cây mì

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức diễn đàn “Giải pháp phòng chống bệnh khảm lá trên cây mì”.

Tuesday. November 6th, 2018
Giống sắn đa dụng BK Giống sắn đa dụng BK

Giống sắn BK do các nhà khoa học Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm chọn tạo, được Bộ NN - PTNT công nhận, cho sản xuất thử từ tháng 10/2016.

Wednesday. November 7th, 2018
Xử lý, phòng ngừa bệnh khảm lá mì Xử lý, phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Mì là một trong những loại cây trồng “giảm nghèo” của nông dân Bình Thuận. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8/2018, bệnh khảm lá mì

Thursday. December 6th, 2018