Phòng bệnh viêm gan ở vịt
Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, bệnh lây lan nhanh, có thể gây chết tới 100%. Hiện bệnh đã xảy ra ở nhiều nơi gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Do đó, người nuôi cần làm tốt khâu phòng bệnh ngay từ trang trại.
Nguyên nhân và cơ chế gây bệnh
Bệnh do Picornavirus thuộc họ Picornaviridae (Levine và Fabricant, 1949) gây ra. Virus hoàn toàn khác biệt với virus dịch tả vịt và virus viêm gan ở người, và chó (Fabricant, 1957), virus gây bệnh gồm 3 tuýp: Tuýp gây bệnh nặng, vịt chết 80%, tuýp gây bệnh nhẹ hơn, tuýp làm chết vịt con 1 - 2 tuần, chết nhiều ở vịt 3 - 6 tuần tuổi, virus có kích thước 20 - 40 nm, đề kháng với Ete tồn tại 2 - 5 tuần ở phân, bị diệt ở 600C. Các thuốc sát trùng diệt được virus gồm: Cloramin 3%, formol 2%, Iodin 2%.
Đây là bệnh truyền nhiễm ở vịt con với bệnh tích đặc trưng ở gan. Ngoài các giống vịt nhà thì vịt trời cũng bị bệnh và làm lây lan bệnh. Vịt trưởng thành và các loài gia cầm khác không bị bệnh. Virus trong cơ thể vịt bệnh được thải ra ngoài qua phân và dịch bài xuất rồi nhiễm vào nguồn nước, bãi chăn thả, chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi. Từ đấy, virus xâm nhập vào cơ thể vịt qua đường tiêu hóa, hô hấp và nơi da bị tổn thương. Vào cơ thể vịt, virus theo máu đến các cơ quan phủ tạng, đặc biệt là gan - cơ quan thích ứng nhất của virus. Quá trình bệnh lý được biểu hiện qua hai giai đoạn:
Ở giai đoạn đầu, virus gây rối loạn trao đổi chất ở gan, do quá trình trao đổi mỡ ở gan và đặc biệt là quá trình trao đổi cholesterol bị đình trệ làm cho lượng glycogen trong gan giảm thấp nhưng lượng lipid lại tăng cao. Vì vậy, vịt con ở thời kỳ cuối của bào thai thiếu năng lượng dẫn đến sức đề kháng giảm sút.
Giai đoạn thứ hai là lúc virus trực tiếp phá hoại tế bào gan, tế bào nội mô huyết quản, gây ra xuất huyết đặc trưng. Virus sinh sản trong tế bào gan, nhất là tế bào thuộc mạng lưới hệ võng mạc nội mô như tế bào Kuffer. Khi kiểm tra thấy tổ chức gan bị phá hoại, cơ thể không được giải độc làm con vật chết do ngộ độc.
Triệu chứng
Bệnh thường có thời gian ủ bệnh ngắn, tiến triển nhanh chỉ 2 - 4 ngày. Vịt co giật chết nhanh có khi chỉ 2 - 3 giờ kể từ khi phát bệnh, một số trường hợp vịt chết mà không có triệu chứng rõ rệt. Ban đầu, khi có dịch chỉ một vài con đi rớt lại sau đàn và nhanh chóng mệt mỏi nghiêm trọng, nằm bẹp một chỗ. Trước khi chết, hai chân giãy đạp liên tục. Tư thế chết rất đặc trưng: Hai chân duỗi thẳng ra sau, màng các ngón chân căng, đầu gập lên lưng hay vào bụng hoăc ngoẹo sang hai bên sườn. Tỷ lệ chết cao, có khi tới 80 - 90%. Các ổ dịch phát sinh vào tháng 4 - 5 và tháng 8 - 9 hàng năm.
Bệnh tích
Bệnh tích đặc trưng của bệnh tập trung ở gan, với các biểu hiện như sau: Gan bị thoái hóa. Trên bề mặt gan thấy những nốt xuất huyết tròn, gọn hoặc những đám xuất huyết nhỏ loang lổ, xuất huyết trên bề mặt gan. Lách hơi sưng. Thận tụ máu.
Phòng bệnh
Bệnh do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu, để giảm thiệt hại do bệnh gây ra, có thể tiến hành một số biện pháp đã được Sở NN&PTNT Trà Vinh khuyến cáo như sau:
Phát hiện bệnh sớm, tiêm phòng vaccine như là một biện pháp hỗ trợ nhưng là biện pháp chủ động và hiệu quả nhất. Có 2 loại vaccine viêm gan vịt: Vaccine sống sử dụng cho vịt con và vaccine chết dùng cho vịt đẻ để truyền kháng thể thụ động giúp vịt con bảo hộ 2 - 3 tuần đầu tiên sau khi ấp nở. Người nuôi có thể sử dụng vaccine Duck Virus Hepatitis tiêm lúc 1 tuần tuổi, hoặc tiêm kháng thể viêm gan vịt với liều 0,5 - 0,8 ml/con.
Đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học đóng vai trò quan trọng. Kiểm soát nhập đàn, hạn chế nguy cơ mang mầm bệnh từ bên ngoài vào trại thông qua các phương tiện trung gian và thực hiện tốt vệ sinh và sát trùng chuồng trại. Thường xuyên làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc dụng cụ chăn nuôi, máng ăn, máng uống, chuồng trại và khu vực xung quanh. Tiêu độc, máy ấp, dụng cụ ấp, tiêu độc sát trùng trứng trước khi đưa vào ấp. Phát hiện sớm vịt bệnh, cách ly triệt để và xử lý. Chăn thả vịt ở môi trường không bị ô nhiễm. Đảm bảo thức ăn và nước uống sạch. Hạn chế khách lạ ra vào khu vực của vịt con.
Khi dịch bệnh xảy ra: Cần thực hiện cách ly, tiêu độc và sát trùng chuồng trại. Dùng các chế phẩm Vitamin C nhằm tăng cường sức đề kháng, bổ sung các chất cung cấp năng lượng giải độc và các chất điện giải. Và cho uống thuốc bổ cao cấp kết hợp với kháng sinh phổ rộng để chống bệnh truyền nhiễm kế phát. Chọn một trong số thuốc giống các bệnh do virus khác để ngăn chặn tỷ lệ chết cao ở đàn.
Related news
Vịt Cổ Lũng là giống quý hiếm, con giống di truyền có từ lâu đời, được các thế hệ người Bá Thước, Thanh Hóa gìn giữ, phát triển.
Ngỗng có thời kỳ ngưng đẻ từ tháng 4 đến tháng 8. Ðể nâng cao tỷ lệ trứng ngỗng có phôi thì làm như sau:
Nguyên nhân, cách phòng trị bệnh nấm phổi trên đàn vịt... Bệnh chủ yếu do nấm Aspergillus Fumigatus và Mucoraceae gây ra.