Phát Triển Nuôi Trồng Thủy Sản Theo Hướng Công Nghiệp Ở Hà Tĩnh

Với thuận lợi được bao quanh bởi sông Rào Cái và sông Cày cùng nhiều diện tích ao hồ mặt nước, những năm qua, TP Hà Tĩnh chú trọng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo hướng công nghiệp. Nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư các giống mới vào nuôi trồng và áp dụng các tiến bộ khoa học kịp thời nên năng suất đạt cao, tạo thu nhập ổn định, mở hướng thoát nghèo mới.
Chỉ tính riêng năm 2012, tổng sản lượng khai thác và NTTS trên địa bàn thành phố lên đến 412 tấn, đem lại giá trị thu nhập hàng chục tỷ đồng cho người dân. Vụ xuân hè năm 2013, toàn thành phố đưa vào khai thác 285 ha thủy hải sản trên tổng diện tích tiềm năng 560 ha, trong đó có 190 ha nước mặn lợ và 95 ha nước ngọt với nhiều đối tượng nuôi có giá trị như: tôm thẻ chân trắng, cá chẽm, cá hồng mỹ... Đến thời điểm này, tất cả các hộ NTTS trên địa bàn đã hoàn thành việc xuống giống với 18 triệu con, hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra.
HTX Đồng Ghè (xã Thạch Hạ) đầu tư gần 500 triệu đồng cải tạo ao đầm để nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh.
Xã Thạch Hạ là địa phương có diện tích NTTS lớn nhất trên địa bàn với 110 ha, có khoảng 50 hộ nuôi tập trung ở vùng Hồng Hà và Đồng Ghè. Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ nhiệm HTX NTTS Đồng Ghè cho biết: “Những năm trước, chúng tôi chỉ nuôi theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến nên hiệu quả không cao. Bước vào vụ năm nay, tôi quyết định mở rộng diện tích và đầu tư hơn 500 triệu đồng vỗ bờ xi măng, lót bạt đưa vào nuôi 3 ha tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh và 3 ha các loại cá giá trị cao. Cùng với đó, việc lấy giống, thả giống theo lịch thời vụ và áp dụng nghiêm quy trình kỹ thuật được chú trọng”.
Với 23 ha diện tích nuôi thủy sản nước mặn lợ và 10 ha nuôi nước ngọt, người dân xã Thạch Trung khá mạnh dạn trong việc đầu tư phát triển các mô hình có quy mô, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu phải kể đến mô hình của HTX Hải Minh với số vốn đầu tư hàng tỷ đồng để vỗ bờ và lót bạt 5 ao với diện tích 3 ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh. Có thể nói, đây là một trong những mô hình điển hình về nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay khi tổng sản lượng mỗi năm đạt 24 tấn, năng suất 4 tấn/ha, đem lại doanh thu cho người nuôi hàng tỷ đồng.
Động lực lớn thúc đẩy NTTS thành phố phát triển theo hướng công nghiệp đó là nguồn hỗ trợ từ các Quyết định 24, 26 của UBND tỉnh, Quyết định 01 của UBND thành phố. Theo các quyết định này, nhiều mô hình đủ điều kiện đã được hỗ trợ như: 8 mô hình nuôi cá lồng bè ở Thạch Hưng mỗi hộ 50 triệu đồng; 4 hộ nuôi cá lóc trong bể xi măng ở Văn Yên và 1 hộ chuyển đổi đất hoang sang NTTS ở Thạch Hưng mỗi hộ 20 triệu đồng...
Kỹ sư thủy sản Hồ Diệu Hồng cho biết: “Điều đáng mừng là từ cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và thành phố, bà con nông dân mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi hình thức nuôi theo hướng thâm canh, cộng với thời tiết mấy năm gần đây tương đối thuận lợi đã đem lại thu nhập khá cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thì NTTS ở thành phố cũng gặp nhiều khó khăn như quy hoạch chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp; diện tích bán thâm canh và thâm canh còn khiêm tốn; các mô hình vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; tư tưởng của một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; đầu ra của sản phẩm chưa thực sự ổn định”…
Thời gian tới, để nghề NTTS trên địa bàn phát triển theo hướng bền vững, thành phố đang tập trung đầu tư xây dựng các mô hình trình diễn để nhân rộng; chú trọng việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc chọn giống và áp dụng các tiến bộ KHKT trong việc nuôi trồng; tìm hướng tiêu thụ sản phẩm cho người dân ngay tại chỗ; tạo điều kiện làm hồ sơ, thủ tục thông thoáng để người dân tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ nâng cấp ao đầm, đầu tư con giống nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng.
Related news

Vụ mùa 2015, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang phối hợp với UBND xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn triển khai mô hình SX giống lúa chất lượng cao T10 với diện tích 30 ha, có 150 hộ tham gia.

Mục đích của việc liên kết nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo số lượng cá tra nguyên liệu, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế, giảm thiểu việc hao hụt, thua lỗ của người nuôi...

Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (LCASP) tại Hà Tĩnh chính thức khởi động vào cuối năm 2013.

Dù chưa thu hoạch xong vụ mùa, nhưng từ bác nông dân đến ông cán bộ khắp tỉnh Thái Bình đều khẳng định, năm nay được mùa lớn chưa từng có.

Chuyến đánh bắt thử nghiệm này chưa thực sự hiệu quả, bởi cả 3 tàu ra khơi, sau 3 ngày 3 đêm chỉ đánh bắt được 1 con cá ngừ. Tuy nhiên, các chuyên gia Nhật đánh giá cao tay nghề cũng như khả năng tiếp cận kỹ thuật câu của ngư dân Việt Nam