Phát Triển Nuôi Cá Lồng Trên Sông

Phát huy lợi thế 127km chiều dài của hệ thống sông ngòi chảy qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh, những năm qua mô hình nuôi cá lồng trên sông đã từng bước được hình thành và phát triển. Do được nuôi trong môi trường nước lưu thông tự nhiên, hàm lượng ô-xi cao nên cá lớn nhanh, cho chất lượng thịt thơm ngon và rất được thị trường ưa chuộng.
Sở hữu dòng chảy thuận lợi của sông Đuống, sông Thái Bình, các huyện Lương Tài và Thuận Thành là những địa phương đầu tiên phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông. Với những ưu điểm như cá nuôi ít dịch bệnh, năng suất cao, thuận tiện trong chăm sóc, thu hoạch và tận dụng khai thác tiềm năng mặt nước... Cho đến nay, trên địa bàn hai huyện Lương Tài và Thuận Thành đã có 90 lồng nuôi, chủ yếu là các loại cá rô phi, điêu hồng, cá chép, cá lăng, trắm cỏ.
Theo hướng dẫn của cán bộ Chi cục Thủy sản, các hộ nuôi đều bảo đảm quy mô mỗi lồng đạt thể tích 108m3 (kích thước 6m x 6m x 3m), thể tích ngập nước 90-100 m3/lồng. Lồng nuôi đặt ở nơi có môi trường nước sạch, không bị ô nhiễm nước thải công nghiệp hoặc nước sinh hoạt khu dân cư. Đặt ở những nơi thuận tiện, dễ vận chuyển vật tư, cá giống, thức ăn, đảm bảo không ảnh hưởng đến giao thông đường thủy và dòng chảy tự nhiên.
Nên thả những giống cá có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi để giảm thất thoát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước. Đồng thời, thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Sau khoảng 5-7 tháng (cá lăng từ 12-24 tháng), khi cá đạt kích cỡ cá thương phẩm, có thể tiến hành thu tỉa cá đạt kích thước lớn, cá nhỏ hơn để nuôi cho đến cuối vụ thu hoạch toàn bộ.
Để khuyến khích nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, góp phần nâng cao năng suất và giá trị thủy sản của tỉnh, Chi cục Thủy sản đã thực hiện đề tài khoa học “Thử nghiệm mô hình nuôi thương phẩm một số loại cá có giá trị kinh tế cao bằng lồng trên sông Đuống” tại gia đình ông Đỗ Đăng Năng ở thôn Thụy Mão, xã Mão Điền (Thuận Thành). Đến nay, mô hình đã bước đầu cho hiệu quả. Trung bình một lồng nuôi cá điêu hồng cho sản lượng 5 tấn, với giá bán 50.000-60.000 đồng/kg, trừ các chi phí, lợi nhuận thu về đạt trên 45 triệu đồng/lồng nuôi/vụ.
Đến thăm trang trại của gia đình anh Bùi Văn Trường, trang trại có số lượng lồng nuôi cá nhiều nhất (19 lồng) tại xã Trung Kênh (Lương Tài), anh cho biết: “Ban đầu, mô hình của gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc chọn giống cá, kỹ thuật nuôi do sản xuất tự phát. Sau khi đi tham quan, học hỏi các mô hình ở Hải Dương và được sự giúp đỡ của cán bộ các ngành, địa phương, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư 19 lồng nuôi cá điêu hồng, cá lăng, trắm cỏ... Sau hơn 1 năm, các loại cá sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng đạt tiêu chuẩn đề ra, cho lợi nhuận mỗi vụ hàng trăm triệu đồng”.
Theo ông Phan Đình Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, mô hình nuôi cá lồng trên các tuyến sông Thái Bình, sông Đuống bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, khuyến khích các hộ nuôi theo quy hoạch chung, tránh tình trạng tự phát. Địa điểm nuôi cá phải đảm bảo vệ sinh môi trường và tuân thủ các quy định của pháp luật về Luật Đê điều & PCLB, Luật Giao thông thủy lợi, Luật Thủy sản...
Từ những thành công bước đầu của một số mô hình nuôi cá lồng trên sông, hy vọng sẽ có thêm nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản hơn nữa trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, bền vững.
Related news

Theo ông Năng, lúa mùa nổi là dạng sản phẩm hiếm nhưng đã được khôi phục tại xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, An Giang và một số nơi khác của An Giang là điều rất đáng mừng. “Càng đáng mừng hơn nữa là lãnh đạo An Giang đã thấy được tầm quan trọng của lúa mùa nổi và các nhà khoa học đã quyết tâm khôi phục lại. Chúng tôi cam kết sẽ tiêu thụ toàn bộ sản phẩm do nông dân sản xuất ra”, ông khẳng định.

Vùng mía nguyên liệu cho 3 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh hàng năm được ổn định từ 28.600 - 28.800 ha. Trong đó, Nhà máy đường Tate & Lyle 18.800 ha, Nhà máy đường Sông Con 8.200 ha và Nhà máy đường Sông Lam 1.800 ha. Nhưng niên vụ ép 2014 - 2015 này trên cả 3 vùng mía nguyên liệu của 3 nhà máy diện tích năng suất và sản lượng mía đều thấp thua so với kế hoạch đề ra và giảm nhiều so với niên vụ ép năm 2013 - 2014.

Nguyên nhân khiến giá hạt tiêu giảm là do đang vào vụ thu hoạch, nguồn cung khá dồi dào, nhiều nhà vườn sau khi thu hoạch đều đồng loạt bán ra để thanh toán các khoản công nợ, như: tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công thợ. Theo các nhà vườn, nếu hạt tiêu nằm mức từ 100 ngàn đồng/kg trở lên, người trồng đã có lời cao.

Diện tích tập trung ở các xã: Tân Thịnh, An Hà, Tân Hưng, Quang Thịnh, Đào Mỹ, Nghĩa Hưng, Hương Sơn. Các doanh nghiệp gồm: Công ty GOC, Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương, Công ty Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Bắc Giang ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Đậu phụng là một trong những loại cây trồng chính của nông dân Phù Cát (Bình Định), đem lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích sản xuất liên tục tăng. Vụ Đông Xuân (ĐX) 2014 - 2015, huyện Phù Cát có kế hoạch sản xuất 3.000 ha đậu phụng, tăng hơn 300 ha so với cùng kỳ năm trước; tập trung đầu tư thâm canh để đạt năng suất bình quân 36,5 tạ/ha.