Phát Triển Kinh Tế Nông Nghiệp Ở Chư Jút Liên Kết 4 Nhà Vẫn Còn Nhiều Bất Cập
Giá bán sản phẩm không ổn định, việc tiếp cận về khoa học kỹ thuật, rồi nguồn vốn từ các ngân hàng còn hạn chế… là những vướng mắc mà nông dân Chư Jút vẫn gặp phải. Một trong những nguyên nhân là sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” gồm Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông là rất cần thiết, nhưng trên thực tế vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập.
Nông dân vẫn tự "bơi"
Mặc dù sản phẩm rau an toàn của Tổ hợp tác rau sạch thôn 4, 5, xã Tâm Thắng đã được Sở Khoa học-Công nghệ cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn VietGap từ năm 2012 và được UBND huyện ưu tiên quầy bán rau tại trung tâm chợ, nhưng sản phẩm này vẫn khó cạnh tranh được với các loại rau trên thị trường.
Qua tìm hiểu thực tế tại địa phương, được biết, hiện tại, 2 tổ hợp tác rau an toàn tại đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thị trường tiêu thụ hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vốn đầu tư còn hạn hẹp…
Anh Phạm Nguyên Hồng, Tổ trưởng Tổ hợp tác rau an toàn thôn 4 chia sẻ: “Hiện tại, để sản xuất 1 ha rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, chi phí đầu tư rất tốn kém. Thế nhưng, khi bán ra thị trường, sản phẩm này có giá lại bằng sản phẩm rau thông thường khác”.
Theo anh Hồng thì sở dĩ như vậy là do sản phẩm mang tiếng là rau an toàn, nhưng các tổ viên trong tổ hợp tác chưa thể xây dựng được một thương hiệu riêng. Chưa kể, muốn có thị trường tiêu thụ ổn định, sản lượng rau thu hoạch phải nhiều, trong khi, hầu hết bà con ở đây đang sản xuất theo mô hình nhỏ lẻ, chủng loại rau không phong phú nên chưa thể tìm ra được đơn vị bao tiêu sản phẩm cho mình.
Vì thế, từ trước đến nay, mặc dù thành lập tổ hợp tác nhưng các tổ viên vẫn phải tự sản xuất, rồi tự bán theo kiểu mạnh ai nấy làm. Bởi thực tế, người dân không thể tìm được doanh nghiệp nào bao tiêu sản phẩm, rồi việc hạn chế trong tiếp cận vốn, kỹ thuật canh tác nên gặp khó khăn về mọi mặt.
Không chỉ gặp khó về thị trường tiêu thụ, mà việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng để đầu tư vào các mô hình cây, con tại địa phương vẫn gặp nhiều trở ngại.
Ông Trần Thanh Quang, ở thôn 2, xã Tâm Thắng cho biết: “Hiện tại, mô hình chăn nuôi bò thịt trên địa bàn rất phát triển. Để có thu nhập cao hơn, nhiều hộ dân như tôi muốn có thêm nguồn vốn để đầu tư chuồng trại theo hướng khoa học, tăng số lượng đàn… nhưng việc tiếp cận vốn xem ra vẫn còn khó.
Như gia đình tôi, từ trước đến nay, việc đầu tư vào chăn nuôi bò đều phải tự bỏ tiền túi hoặc vay mượn ở ngoài để phát triển theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Còn việc vay vốn ở các ngân hàng thương mại dù đã có đề nghị nhưng gia đình vẫn chưa được vay đồng nào”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín cho hay: “Thời gian qua, đối với nguồn vốn, chi nhánh chúng tôi không thiếu, nhưng các thủ tục liên quan đến người dân, cũng như chính quyền địa phương vẫn là trở ngại lớn mà ngân hàng không thể cho vay.
Cụ thể, hiện nay, một số hộ có ý chí làm ăn, khả năng thanh khoản rất tốt, nhưng tài sản thế chấp còn “vướng” một số vấn đề như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên đơn vị rất khó giải ngân. Hay nói cách khác, chi nhánh vẫn chưa thể mạnh dạn tham gia vào mối liên kết này”.
Cần có sự liên kết chặt chẽ hơn
Có thể khẳng định, để sản xuất nông nghiệp đạt kết quả cao, người nông dân thực sự được hưởng lợi, sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông cần phải được chú trọng hơn.
Ông Đỗ Lần, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tâm Thắng cho hay: “Khi nông dân tự làm ra sản phẩm, chúng tôi rất muốn có những đơn vị, doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm để giá cả ổn định hơn.
Còn về nguồn vốn, các doanh nghiệp cần có chính sách, điều kiện “mở” để nông dân mạnh dạn tiếp cận vốn đầu tư. Quan trọng nữa, người dân phải được tiếp cận các khoa học, kỹ thuật mới để áp dụng vào thực tiễn, từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất”.
Ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Jút cho biết: “Từ trước đến nay, trong vấn đề liên kết “4 nhà” tại địa phương vẫn rất rời rạc. Cũng chính vì thế mà người nông dân chưa thể mạnh dạn đầu tư vào các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Có trường hợp, mặc dù giữa doanh nghiệp và nông dân đã ký cam kết bao tiêu sản phẩm, nhưng chỉ tồn tại được trong một thời gian ngắn rồi bị phá vỡ”.
Cũng theo ông Tùng, trong thời gian tới, để liên kết được “4 nhà”, cần có thêm một nhà nữa là nhà tư vấn. Nhà tư vấn sẽ có nhiệm vụ xâu chuỗi, liên kết “4 nhà” lại với nhau, tránh tình trạng hoạt động độc lập, mạnh ai nấy lo như hiện tại. Từ công tác tư vấn về kỹ thuật, thị trường đến giống cây, con, tiếp cận tín dụng sẽ do nhà tư vấn đảm nhiệm. Có như vậy, mới mong sao tạo được sự chặt chẽ trong mối liên kết này.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, ngoài chính sách, chủ trương của Nhà nước, 3 yếu tố là thị trường đầu ra, nguồn vốn đầu tư, khoa học, kỹ thuật, công nghệ phải thực sự liên kết chặt chẽ với nhau.
Do vậy, trước mắt, ngoài chủ trương của tỉnh, địa phương cần có chiến lược thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp “chịu” đầu tư vào ứng dụng công nghệ cao. Quan trọng hơn, huyện cần có định hướng, quy hoạch cụ thể về cây, con trên địa bàn, trong đó, tập trung xác định chuỗi sản phẩm chủ lực, hiệu quả sử dụng đất để hạn chế sản xuất manh mún, nhỏ lẻ từ phía người dân”.
Related news
Ngay sau tết dịch CGC xảy ra ồ ạt trên diện rộng, Cty TNHH MTV Thuốc thú y TƯ (NAVETCO) được Bộ NN- PTNT chỉ định NK khoảng 50 triệu liều vacxin CGC.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sắp tới sẽ thả 100.000 con cá lăng nha giống có kích cỡ 7 - 10 cm/con, trọng lượng 10 g/con, xuống các hồ thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn và Srok Phu Miêng - ngày 7-6 ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước cho biết.
Sau 3 năm triển khai Dự án "Cải thiện đời sống của nông dân thông qua mô hình phát triển cộng đồng toàn diện theo mô hình Heifer" ở xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, 60 hộ đã có cuộc sống ổn định...
Đó là kiến nghị của các đại biểu tại Hội nghị giao ban khu vực miền Tây Nam Bộ 6 tháng đầu năm 2012 tại TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp ngày 11.6 do Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Hà Phúc Mịch chủ trì.
Dựa trên mối quan hệ dòng tộc, mô hình SX chè an toàn tại xóm Khuôn Gà Vân Long (xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) được các cơ quan chức năng cũng như người làm chè đánh giá cao về chất lượng giám sát cộng đồng và tính tự giác thực hiện quy trình SX.