Phát Triển Hội Viên Nông Dân Vùng Đồng Bào Có Đạo
Nâng cao chất lượng sinh hoạt hội, tạo điều kiện để hội viên phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động xã hội, phát huy quyền tự do dân chủ, tín ngưỡng tôn giáo luôn được các cấp hội nông dân trong tỉnh quan tâm. Công tác phát triển hội viên vùng đồng bào có đạo luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong việc tập hợp nông dân, xây dựng tổ chức hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Bằng nhiều hình thức, các cấp hội nông dân trong tỉnh tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh vào dịp lễ của các vùng giáo về tinh thần đoàn kết trong nhân dân, đoàn kết lương giáo, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi hội viên, nông dân vào việc xây dựng tổ chức hội vững mạnh.
Huyện Nga Sơn, nơi tập trung đông đồng bào giáo dân, công tác xây dựng và phát triển hội viên luôn được chú trọng, nhất là tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật, pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, từng bước nâng cao trình độ cho cán bộ hội là tín đồ tôn giáo.
Phối hợp với trung tâm giáo dục cộng đồng, trung tâm lý luận chính trị, phòng tư pháp bồi dưỡng cho 100% cán bộ hội có đạo đạt trình độ văn hóa từ trung học trở lên, 34% đạt sơ cấp lý luận chính trị, 100% cán bộ hội được tập huấn nâng cao nghiệp vụ về công tác tôn giáo, đến nay đã có 247 hội viên có đạo được bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp Đảng.
Huyện Tĩnh Gia có 12/34 xã có tổ chức tôn giáo, công tác xây dựng tổ chức hội và phát triển hội viên trên địa bàn huyện không ngừng được coi trọng, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng. Hội thực sự vững mạnh phải xuất phát từ cơ sở, chính vì vậy việc lựa chọn những người nhiệt tình, tâm huyết với công tác hội, sống gần dân, quan tâm tới tâm tư, nguyện vọng của hội viên đang sinh sống tại các vùng giáo để đào tạo, bồi dưỡng.
Bên cạnh đó, hội thường xuyên tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các chức sắc như cha xứ về địa điểm để tổ chức sinh hoạt, tọa đàm và lồng ghép với các nội dung sinh hoạt hội, đưa các nội dung sinh hoạt hội vào việc phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.
Nâng cao ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như tích cực tham gia các phong trào thi đua của hội như xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh, quốc phòng, sản xuất, kinh doanh giỏi cho hội viên và gia đình hội viên có đạo.
Nhờ làm tốt chính sách thu hút hội viên mà số hội viên có đạo tham gia công tác hội ngày càng nhiều, riêng Hội Nông dân xã Hải Thanh trong dịp tổ chức đại hội chi hội đã thu hút được 19 hội viên có đạo vào hội. Công tác chăm lo và thu hút hội viên có đạo đang được triển khai rộng khắp ở các cấp hội trong tỉnh.
Tại chi hội Thái Nhân 2, Hội Nông dân xã Thái Hòa (huyện Triệu Sơn) có 90 hộ là đồng bào công giáo thì 100% tham gia sinh hoạt hội, bà con ở đây luôn là hội viên gương mẫu trong việc thực hiện các nghĩa vụ công dân, tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới, nhất là đoàn kết, tương thân, tương ái hỗ trợ lẫn nhau.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hoàn do nghèo đói nên chỉ mải lo nay đây, mai đó làm ăn kiếm sống, năm 2000, sau khi viết đơn tham gia sinh hoạt hội, chị cũng không nghĩ đến đó là một dấu mốc đáng nhớ của gia đình. Mặc dù chịu khó làm ăn nhưng gia đình chị thuộc diện nghèo nhất làng nên khi đưa chị vào danh sách được tham gia vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân, hội nông dân xã đã có ngay kế hoạch để chị có thể tiếp cận với phương thức làm ăn mới hiệu quả hơn.
Với số vốn vay 20 triệu đồng chị đã tư vấn đầu tư nuôi dê sinh sản, do ở gần sát chân núi Nưa nên đàn dê nhà chị có nguồn thức ăn dồi dào mau lớn, sinh sản tốt. Sau 4 năm gắn bó sinh hoạt hội, nay gia đình chị đã thoát nghèo với mức thu nhập bình quân 50 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí), các con được chăm sóc, học hành chu đáo.
Thôn Thái Nhân 2 tuy số lượng hội viên ít nhưng chất lượng sinh hoạt hội nơi đây luôn được nâng cao về chất lượng, là chi hội luôn dẫn đầu trong việc đóng góp xây dựng ở địa phương cũng như thực hiện tốt các quy định của pháp luật, hội viên trong chi hội luôn sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Do làm tốt công tác chăm lo phát triển hội viên mà trong những năm qua, các cấp hội trong tỉnh đã thu hút được 14.656 nông dân có đạo tham gia sinh hoạt. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng, tập hợp hội viên ở vùng đồng bào có đạo là hoạt động góp phần phát triển, xây dựng tổ chức hội nông dân vững mạnh.
Related news
Cơ chế tín dụng thông thường, thiếu bảo đảm tiền vay, dự án và sự “ngại” đầu tư của các ngân hàng khiến nguồn vốn tín dụng chưa khơi thông mạnh vào nông nghiệp, nông thôn… là những vấn đề được đặt ra tại hội nghị về "chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn".
Từ kết quả khảo sát thực địa tại một số địa bàn về mô hình trồng cây ba kích dưới tán rừng tự nhiên đem lại hiệu quả, huyện Tây Giang đang tiếp tục nhân rộng mô hình, nhằm giúp người dân có cơ hội phát triển nguồn dược liệu quý tại địa phương.
Trong các ngày 22 và 23.10, Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước mời chuyên gia đầu ngành về mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng, phòng ngừa sâu bệnh trên cây tiêu cho hàng chục nông dân trên địa bàn.
Vào cuối thu, huyện vùng cao Nam Trà My bước vào mùa mưa. Đây cũng là lúc cây sâm Ngọc Linh - cây sâm Việt Nam, thay lá rụng cành, tàn thân, chỉ còn lại rễ củ nằm giấu mình trong lớp mùn tơi xốp, trốn tránh mùa đông lạnh giá.
Giá tôm thẻ chân trắng hiện nay tại Bình Định dao động từ 100.000đ- 110.000đ/kg, so với các năm trước thì giá tôm giảm gần 30%.