Phát Triển Đàn Bò Thịt Ở Phước Tuy (Bến Tre)
Tổng đàn bò của huyện Ba Tri (Bến Tre) hiện có khoảng 71 ngàn con, trong đó xã Phước Tuy có trên 3.600 con. Ông Nguyễn Văn Lư - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Phước Tuy, chia sẻ: “Những năm gần đây, nghề nuôi bò thịt phát triển mạnh, xã có hơn một ngàn hộ nông nghiệp thì hầu như nhà nào cũng nuôi từ một đến hai con bò, có nhà nuôi năm, bảy con đến cả chục con”. Nghề nuôi bò sinh sản, bò thịt vỗ béo đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và nhân rộng số hộ khá, giàu tại xã.
Điển hình của thoát nghèo là trường hợp của vợ chồng anh Võ Tấn Đại (ấp Phước Thạnh). Hộ nghèo, vợ chồng anh đi làm thuê, thu nhập bấp bênh không đủ sống. Năm 2007, được HND xã tạo điều kiện giúp đỡ vay vốn 15 triệu đồng, anh mua 2 con bò nái về nuôi. Đến nay, anh Đại đã phát triển đàn bò được 12 con, gia đình anh Đại đã thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản và bò thịt vỗ béo. Cùng ấp Phước Thạnh có anh Việt, là người sống bằng nghề đóng đáy trên sông. Năm 2010, anh Việt mua bò thịt về nuôi để bán lại. Hiện anh đã giã từ nghề sông nước, thoát nghèo, phát triển đàn bò được 8 con.
Ông Nguyễn Văn Kịch (Bảy Kịch), một lão nông ở Phước Tuy chia sẻ: “Nuôi bò, chủ yếu là lấy công làm lời. Mua một con bò đực tơ nuôi một năm, sau khi bán thì người nuôi lãi được từ năm, bảy triệu đồng trở lên”. Theo ông Kịch, tiền vốn một con bò sữa (đực khoảng 100kg) là 12 triệu đồng, cộng thêm với tiền mua rơm, thức ăn (bánh dừa) và chích ngừa các thứ (chi phí từ 8 đến 10 triệu đồng); sau một năm, nếu bán bò được 30 triệu đồng thì người nuôi có lãi khoảng 10 triệu đồng. Chuồng bò của ông Kịch hiện có 15 con đang độ sung sức lớn. Thức ăn hàng ngày của chúng chủ yếu là rơm và cỏ. Hàng tuần, ông bán phân bò được khoảng 600 ngàn đồng, đủ mua cám dừa bồi dưỡng cho bò và mua thức ăn cho cả gia đình (6 người). Tại xã Phước Tuy, còn có nhiều hộ khác đã trở nên khấm khá nhờ nuôi bò thịt vỗ béo như các ông: Mười Quang, Hai Luận, Sáu Nam, Tư Bốc…
Theo ông Nguyễn Văn Lư, năm 2007, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện chương trình hỗ trợ thức ăn vỗ béo bò thịt, Phước Tuy được 80 suất (mỗi suất được hỗ trợ 48kg thức ăn) phân bổ cho 20 hộ chăn nuôi. Sau đó, UBND xã Phước Tuy ra quyết định thành lập Tổ Chăn nuôi bò thịt gồm 20 thành viên (là những hộ được hỗ trợ thức ăn). Hiện tại, Tổ Chăn nuôi đã có gần 50 thành viên và số lượng đàn bò trên 120 con nhưng hoạt động vẫn chưa mạnh. Trong chăn nuôi, một số thành viên của Tổ được HND xã giới thiệu vay vốn để phát triển sản xuất nhưng chỉ là con số ít, đang cần được quan tâm đầu tư.
Ông Võ Ngọc Hân - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tuy cho biết: “Mô hình nuôi bò thịt cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu. Hướng tới, xã sẽ nhân rộng mô hình, củng cố và phát triển Tổ Chăn nuôi. Xã rất mong được các ngành chức năng hỗ trợ”.
Related news
Sáng ngày, 24/08/2015, tại TP.HCM đã tưng bừng diễn ra lễ khai mạc Hội chợ triễn lãm Vietfish 2015.
Trước sức ép cạnh tranh từ thịt gia cầm giá rẻ, ngày 21/8, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị toàn quốc "Nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi gà".
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) vắc xin dịch tả lợn; hóa chất sát trùng Benkocid; hóa chất Chlorine 65% min; hóa chất sát trùng Han-Iodine thuộc hàng dự trữ quốc gia cho 5 địa phương để phòng chống dịch bệnh.
Vũ Muộn là xã vùng cao của huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao cùng sinh sống. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi vài năm trở lại đây nhân dân đã tập trung phát triển đàn dê núi rất hiệu quả. Nghề nuôi dê ở Vũ Muộn đã và đang trở thành mũi nhọn, đem lại thu nhập cao cho nông dân…
Từ xuất phát điểm là một hộ gia đình khó khăn, sau hơn 10 năm phát triển mô hình kinh tế vườn ao chuồng, gia đình anh Nguyễn Văn Nhật (SN 1972, ở thôn Duyên Linh, xã Đình Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) đã sở hữu 30 cây nhãn giống mới, gần 1 mẫu ao, 150 con lợn nái và hàng nghìn con lợn thịt được nuôi trong hệ thống “chuồng lạnh” khép kín, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.