Phấn Đấu Đến Năm 2020 Có 100 Nghìn Ha Tôm Nuôi Quảng Canh Cải Tiến

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, năm 2013, diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh này là trên 266 nghìn ha. Trong đó, trên 36 nghìn ha nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến, hơn 5.448 ha nuôi thâm canh, còn lại là nuôi quảng canh truyền thống, nuôi kết hợp đối tượng thủy sản khác.
Được biết, tỉnh Cà Mau phấn đấu đến năm 2015, diện tích nuôi quảng canh cải tiến đạt 55 nghìn ha, nuôi thâm canh 10 nghìn ha và đến năm 2020 nuôi quảng canh cải tiến là 100 nghìn ha, nuôi thâm canh là 20 nghìn ha.
Được nuôi với diện tích lớn từ năm 2010 là trên 1 nghìn ha, năm 2012 là 22 nghìn ha mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, năng suất trung bình 650 kg/ha và đã trở thành hình thức nuôi chính, góp phần tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Cà Mau.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau thì địa phương này có thế mạnh nuôi tôm bằng nhiều hình thức, trong đó, nuôi tôm quảng canh cải tiến đã được đầu tư và là một trong những hình thức nuôi tôm chính của địa phương.
Cũng từ năm 2010 đến nay, diện tích và năng suất nuôi tôm quảng canh cải tiến ở Cà Mau liên tục tăng. Nuôi tôm quảng canh cải tiến hiện đang được tỉnh Cà Mau triển khai tại 8 huyện và thành phố Cà Mau.
Theo các nhà chuyên môn và các hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến, hình thức nuôi này có nhiều ưu điểm, trong đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng ít tốn kém hơn so với nuôi tôm công nghiệp. Việc đầu tư chỉ gắn với công tác thủy lợi, quá trình chăm sóc đơn giản, không cần áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật. Chất lượng tôm giống không đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật, không nghiêm ngặt như sử dụng cho nuôi tôm công nghiệp, ít rủi ro và xảy ra dịch bệnh, ít gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, đây được xem là mô hình sản xuất thân thiện môi trường, an toàn sinh học.
Cụ thể, nếu đầu tư 1 ha đất nuôi tôm quảng canh cải tiến sẽ mất khoảng từ 30 triệu đến 40 triệu đồng, so với hình thức nuôi công nghiệp chi phí thấp hơn nhiều, lại đảm bảo được môi trường, phòng ngừa được dịch bệnh, giảm rủi ro.
Trong năm 2013, tỉnh Cà Mau chủ trương đưa tổng diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến lên 38 nghìn ha và đến năm 2015 là 55 nghìn ha. Để giúp cho người nuôi đạt được hiệu quả tối ưu trong sản xuất, các ngành chức năng của Cà Mau chú trọng đến việc tuyên truyền, đồng thời đẩy mạnh tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình nuôi.
Để việc nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt hiệu quả cao thì người nuôi tôm quảng canh cải tiến phải thay đổi được thói quen nuôi theo phương pháp cũ, không trông chờ vào thiên nhiên, hạn chế việc khai thác cạn kiệt tài nguyên đất, làm suy thoái môi trường.
Các hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến cũng phải tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật, kết hợp với quản lý chất lượng con giống, thức ăn, vật tư phục vụ nuôi tôm, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, cần có sự tham gia, quản lý của cộng đồng trong phòng ngừa dịch bệnh. Qua đó nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, hình thành mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưới sự quản lý của các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội sản xuất.v.v… Các đơn vị chức năng cần quan tâm chỉ đạo chuyển đổi sản xuất, xây dựng các chương trình, kế hoạch và giải pháp cụ thể, phân công trách nhiệm cho từng đơn vị chuyên môn, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch các đơn vị, cá nhân được giao.
Related news

Thời gian gần đây, trên những trang quảng cáo của các báo và mạng Internet xuất hiện thông tin về một giống dừa tên gọi dừa xiêm dây siêu trái.

Theo kế hoạch năm 2015, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ thả nuôi 5.700 ha thủy sản các loại, trong đó có 4.100 ha nuôi tôm nước lợ. Tính đến cuối tháng 8, toàn huyện đã thả nuôi 4.290 ha tôm sú và tôm thẻ, vượt kế hoạch hơn 190 ha, do có một phần diện tích bà con thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, tập trung nhiều ở xã Tài Văn và Đại Ân 2.

Hiện nhiều vựa cua trên địa bàn An Giang và Đồng Tháp lo lắng do lũ kém, mưa ít nên sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường nên luôn sốt giá.

Chế biến và nuôi trồng thủy sản là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Các cấp, các ngành, các chuyên gia về môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm giúp địa phương giải quyết vấn đề này một cách lâu dài và bền vững.

Khi nghe lãnh đạo xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết hộ ông Lê Minh ở thôn Đông Lâm mỗi năm xuất bán 2 triệu con cá giống, hơn 300 tấn cá thịt thương phẩm và hàng chục con bò, tổng doanh thu 12 - 14 tỷ đồng, lãi ròng khoảng 1,3 - 1,5 tỷ đồng, ai trong chúng tôi cũng bán tín bán nghi.