Nuôi vịt biển, hướng đi mới cho nông dân ven biển Hà Tĩnh
Lần đầu tiên Hà Tĩnh thực hiện thành công mô hình nuôi vịt biển trên đất cát, mở ra cơ hội mới cho phát triển chăn nuôi theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu.
Mô hình nuôi vịt biển 15 - Đại Xuyên mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi ven biển Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.
Từ trước đến nay, việc lựa chọn vật nuôi để phát triển trên vùng đất cát ven biển Hà Tĩnh gặp rất nhiều khó khăn, bởi thời tiết ở đây đúng kiểu “chảo lửa, túi mưa”, khiến vật nuôi rất khó thích ứng. Tháng 4/2020, với mục đích giúp người dân ven biển đa dạng hóa đối tượng chăn nuôi, tận dụng vùng nước mặn, lợ để phát triển kinh tế, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh triển khai mô hình chăn nuôi vịt biển 15 - Đại Xuyên tại xã Yên Hoà, huyện Cẩm Xuyên, với quy mô 1.500 con/3 hộ gia đình.
Đây là giống vật nuôi mới, được Bộ NN-PTNT công nhận tại Thông tư số 25/2015/TT-BNNPTNT ngày 01/7/2015. Giống vịt này do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (thuộc Viện Chăn nuôi Quốc gia) lai tạo, có sức đề kháng tốt, khả năng thích nghi cao với môi trường khác nhau như: nước ngọt, nước mặn, nước lợ. Đến nay, vịt biển 15 - Đại Xuyên đã được nuôi thành công ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Trọng lượng đàn vịt sau 2,5 tháng nuôi đạt bình quân trên dưới 3 kg/con. Ảnh: Thanh Nga.
Cách đây gần 3 tháng, hộ anh Võ Văn Lộc, thôn Mỹ Hòa, xã Yên Hòa được Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh hỗ trợ 100% chi phí tập huấn, 70% tiền giống, 50% tiền thuốc thú y và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi 500 con vịt biển 15 – Đại Xuyên.
Anh Võ Văn Lộc, thôn Mỹ Hòa: “Đến thời điểm này có thể khẳng định, nuôi vịt biển rất phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, thời tiết của vùng đất cát ven biển xã Yên Hòa nói riêng, huyện Cẩm Xuyên nói chung. Tuy nhiên, do đây là đối tượng nuôi mới ở Hà Tĩnh nên người tiêu dùng vẫn chưa biết để tiếp cận, thị trường tiêu thụ có phần hạn chế. Chúng tôi mong, chính quyền, cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng biết đến sản phẩm vịt biển 15 – Đại Xuyên, giúp người sản xuất ổn định đầu ra”.
Theo anh Lộc, quá trình thả nuôi đàn vịt thích ứng rất tốt với điều kiện khí hậu nắng nóng ở vùng biển Hà Tĩnh; không bị dịch bệnh và tăng trưởng rất nhanh.
“Khi mới đưa vào nuôi tôi cũng thấy lo vì đây là giống vịt mới nhưng thực tế cho thấy, giống vịt này ăn tạp, sức đề kháng cao, có thể nuôi trên cạn, dưới nước và chịu nóng tốt hơn rất nhiều so với vịt cỏ, vịt cánh trắng. Vịt biển cũng dễ chăm sóc và tỉ lệ sống đạt trên 98%, đem lại hiệu quả kinh tế cao”, anh Lộc chia sẻ.
Tính đến thời điểm này, bình quân trọng lượng đàn vịt của hộ anh Lộc đạt trên dưới 3kg/con; bán với giá dự kiến hiện nay (khoảng 50 ngàn đồng/kg), ước lợi nhuận sau 2,5 tháng nuôi đạt trên 11 triệu đồng/lứa.
Phấn khởi khi tiếp cận được đối tượng vật nuôi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, chị Nguyễn Thị Chiến, thôn Phú Hòa nói: “Vừa rồi gia đình tôi xuất bán 400 con vịt biển, với giá 40 – 45 ngàn đồng/kg, thu về hơn 50 triệu đồng trong vòng 2 tháng. Phải nói chưa có vật nuôi nào đem lại hiệu quả kinh tế nhanh và cao như nuôi giống vịt này. Gia đình đang tiếp tục đầu tư, cải tạo lại hệ thống ao hồ, chuồng trại để thả nuôi đợt mới với quy mô hơn 1.000 con”.
Chị Chiến đánh giá thêm, giống vịt biển 15 – Đại Xuyên lớn nhanh, thịt chắc, thơm ngon hơn nhiều so với các loại vịt khác gia đình chị từng nuôi trước đây. Hơn nữa, thời gian nuôi ngắn nên thu hồi vốn nhanh.
Bình quân sau 2,5 tháng nuôi, nông dân thu về lợi nhuận hơn 15 triệu đồng/lứa. Ảnh: Thanh Nga.
Trao đổi với NNVN, chị Trần Liễu, cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình khẳng định, hiệu quả bước đầu của việc đưa giống vịt biển 15 – Đại Xuyên vào nuôi thâm canh trên vùng đất cát các huyện ven biển Hà Tĩnh là rất tốt. Nhờ chọn con giống đạt tiêu chuẩn, chăm sóc nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật và giữ gìn tốt vệ sinh môi trường, đặc biệt là khâu tiêm chủng nên đàn vịt nuôi ở các hộ dân đều phát triển nhanh, không bị dịch bệnh, chống chịu rất tốt với thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều thời điểm lên đến 40 – 42 độ C.
“Thành công bước đầu của mô hình đã góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi ở các địa phương vùng ven biển, tăng cơ hội lựa chọn đối tượng nuôi có chất lượng cho bà con nông dân. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật; phối hợp với các địa phương để nhân rộng mô hình”, chị Liễu nói.
Related news
Mô hình nuôi giun quế của chị Dương Thị Thái thật sự là địa chỉ tin cậy cho mọi người tham quan, học tập, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân
Sau gần 3 năm thực hiện dự án cho kết quả khả quan. Tỷ lệ bò đậu thai cao, bê con ít bệnh, có khả năng sinh trưởng, thích nghi với khí hậu địa phương.
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao mà còn thay đổi nhận thức, cách làm mới cho người dân