Nuôi Trồng Thủy Sản Đồng Bằng Sông Cửu Long Kẻ Lấp, Người Đào
Trong khi nông dân ương cá tra giống ở ĐBSCL quyết định lấp ao do giá cá rớt mạnh, không còn vốn duy trì sản xuất, thì phong trào đào ao từ đất ruộng để nuôi cá lóc lại phát triển rầm rộ, dù đầu ra sản phẩm vẫn còn là câu hỏi lớn.
Thời hoàng kim của phong trào ương nuôi cá tra giống đã qua, không ít hộ nông dân cũng trắng tay. Trong ảnh là một máy cuốc đang san phẳng mặt ao nuôi cá tra giống ở Tiền Giang - Ảnh: Trung Chánh
Sản xuất theo phong trào, thấy vài người làm ăn hiệu quả từ một đối tượng cây, con nào đó, những người bên cạnh cũng đổ xô làm theo với mong muốn đổi đời đã trở thành căn bệnh khó trị vốn tồn tại phổ biến ở ĐBSCL.
Điển hình của cách làm ăn như trên phải kể đến là nông dân ở Tiền Giang, chỉ 1 – 2 héc ta diện tích ao ương cá tra giống của nông dân huyện Cai Lậy vào năm 2011, thì đến giữa năm 2012 đã tăng đến 117 héc ta. Tuy nhiên, thời dễ nuôi, dễ bán lại có lợi nhuận cao từ ương cá tra giống đã qua, không ít hộ nông dân dẫn phải trắng tay, thậm chí mang nợ… lại trở thành câu chuyện bàn tán của người dân nơi đây.
Ông Trịnh Công Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, cho biết diện tích ao ương cá tra giống còn nuôi của huyện Cai Lậy hiện chỉ còn 50%; phần còn lại, có 20 héc ta đã được san phẳng để trồng lúa và một số đã ngưng nuôi nhưng không có vốn để san phẳng trở lại.
Theo ông Minh, giá cá giống xuống quá thấp, dưới giá thành sản xuất, trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng nên nông dân lỗ, không thể sản xuất tiếp.
Trái ngược tình hình trên, nông dân nuôi cá lóc giống tại An Giang, Trà Vinh đang tranh thủ mở rộng diện tích nuôi để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tại An Giang, thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương này, cho biết từ đầu năm đến nay, diện tích ao ương cá lóc giống đã tăng vượt 300 héc ta.
Tại huyện Trà Cú, Trà Vinh - địa phương dẫn đầu phong trào ương nuôi cá lóc của tỉnh - diện tích ao nuôi được đào mới từ đất ruộng trong nửa đầu năm 2013 tăng gấp 3 làn so với con số của năm 2012, đạt trên 300 héc ta.
Điều đáng nói ở đây, phong trào mở rộng diện tích ở những địa phương trên chủ yếu do nông dân tự phát nuôi, họ chỉ biết hiện tại nhu cầu thị trường đang có, chứ hoàn toàn không biết diễn biến sắp tới sẽ như thế nào?
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong số các mặt hàng thủy sản (cả thủy sản nuôi lẫn đánh bắt) xuất khẩu của Việt Nam, hoàn toàn không có đối tượng cá lóc. Hiện tại, cá lóc thương phẩm sản xuất ra chủ yếu được tiêu thụ nội địa thông qua các chợ truyền thống của Việt Nam.
Như vậy, điều gì sẽ đến với người nông dân khi sản lượng cá lóc nuôi tiếp tục tăng nhanh thời gian tới, trong khi thị trường tiêu thụ lại có hạn?v
Related news
Hơn một tháng nay, nông dân trồng bưởi tại Bến Tre rất lo lắng trước hiện tượng xuất hiện loại sâu mới hại bưởi da xanh. Loại sâu này có màu hồng, thường chọn trái bưởi to, vỏ dày và đục thẳng vào ruột, khiến quả rụng chỉ trong khoảng vài tuần.
Trong chăn nuôi, đặc biệt là heo và gia cầm, các tiến bộ khoa học kỹ thuật như con giống, dinh dưỡng, chăm sóc, quản lý có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Với gia cầm, ngoại trừ cúm H5N1, những yếu tố này đã giúp tạo sự phát triển ổn định những năm qua, đạt năng suất cao.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, TP. Cần Thơ và Vĩnh Long cũng đã xuất hiện dịch cúm gia cầm, làm chết hàng loạt đàn gia cầm.
Tháng 7.2012, Ban Quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Bình Định đã phối hợp với Trường Ðại học Nông Lâm (ÐHNL) Huế xây dựng mô hình “Phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa bằng phương pháp sinh học sử dụng bọ đuôi kiềm”. Mô hình đã đạt kết quả khả quan.
Những năm gần đây, phong trào nuôi ếch ở huyện Tháp Mười phát triển mạnh, trong đó có xã Tân Kiều (Đồng Tháp). Hiện tại toàn xã có gần 100 hộ nuôi ếch, tập trung nhiều ở ấp 4. Đây được xem là nghề thoát nghèo của nhiều gia đình.