Nuôi Tôm Trên Cát, Chuyện Vui Đầu Năm Mới
Vùng cát hoang sơ ở Phong Điền (Thừa Thiên Huế) ngày nào nay trở thành vùng nuôi tôm sôi động. Ngư dân bao đời chỉ biết bủa lưới giăng câu, giờ biết thêm nghề nuôi tôm với khát vọng làm giàu chính đáng trên quê hương.
Bạc tỷ nhờ tôm
Tôi có người anh bà con tên Nguyễn Văn Đông, từ quê lên thành phố Huế sinh sống gần mười năm nay. Nghe bà con nuôi tôm “trúng đậm”, anh vội về lại quê, tất tả tìm thuê ao hồ để nuôi với khát vọng làm giàu. Còn nhớ, cách nay hơn mười năm, phong trào nuôi tôm sú trên cát ở Ngũ Điền bắt đầu. Riêng xóm Cổ Đông của tôi chỉ vài chục hộ đã có gần một nửa chung vốn để nuôi...
Chỉ sau hơn ba tháng, không dịch bệnh, tôm nuôi cho thu hoạch. Mỗi ao hồ rộng 2,5 ngàn đến 3 ngàn mét vuông thu khoảng 3 - 4 tấn tôm, năng suất bình quân mỗi ha trên 10 tấn. Ngặt nỗi... các lái buôn ép giá, mỗi kg chỉ 45- 60 ngàn đồng nên ngay từ vụ đầu tiên bị thua lỗ. Cách nay mấy năm, thấy một số công ty nuôi tôm chân trắng hiệu quả cao, bà con lại đổ xô cải tạo ao hồ, bắt chước nuôi theo.
Mấy vụ đầu tiên, cứ mười hộ nuôi có đến sáu, bảy hộ lãi cao. Những người từng ôm ấp khát vọng đổi đời, thấy vậy đua nhau đào ao nuôi tôm chân trắng. Hệ lụy tất yếu của nuôi tôm tự phát cũng đến, môi trường vùng nuôi, ao nuôi bị ô nhiễm, tôm nuôi dịch bệnh chết hàng loạt.
Vực dậy nghề nuôi tôm trên cát, thời gian qua, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đại Vui về các địa phương trực tiếp chỉ đạo quyết liệt công tác quy hoạch vùng nuôi, ao nuôi hợp lý. “Khó khăn về kinh phí, nhưng hầu hết các hộ nuôi ở xã Phong Hải đều chấp hành tốt quy định đầu tư xây dựng ao hồ xử lý nước thải.
Cứ mười ha ao nuôi có một ha xử lý nước thải. Các tiểu khu chưa có ao hồ xử lý nước thải, người dân tự đóng góp kinh phí xây dựng mỗi ha khoảng 300 triệu đồng. Các nhóm hộ có diện tích ao nuôi chuyển sang ao xử lý nước thải được UBND xã tạo điều kiện cấp lại diện tích đất tương đương để xây dựng ao nuôi...”, Chủ tịch UBND xã Phong Hải - Nguyễn Viết Từ chia sẻ.
Những hộ tuân thủ, chấp hành đúng các điều kiện quy định đều nuôi có lãi. Mấy vụ mới đây, nhiều hộ ở vùng cát Ngũ Điền thu lãi hàng trăm triệu đến hơn tỷ đồng. Một số hộ nuôi theo mô hình khép kín, an toàn, như Nguyễn Viết Từ, Võ Kháng, Nguyễn Chinh... ở xã Phong Hải liên tục được mùa, lãi gần một tỷ đến vài tỷ đồng.
Mấy năm trước, khi chưa có Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (CP), bà con rất lo ngại đầu ra sản phẩm. Từ khi có Công ty CP bao tiêu sản phẩm, nhiều hộ gia đình mạnh dạn hơn trong đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm chân trắng. Tính đến cuối năm 2013, tổng diện tích mặt nước nuôi tôm trên cát toàn huyện Phong Điền khoảng 270 ha.
Hướng đến nuôi chuyên nghiệp
Mấy ngày qua, tôi có dịp về Ngũ Điền. Trong khi các hộ cá nhân chủ quan, nuôi tự phát thì các doanh nghiệp nuôi tôm trên cát ở Ngũ Điền đã hướng đến mô hình chuyên nghiệp và bền vững. Chứng kiến khu nuôi tôm công nghiệp của các Công ty cổ phần Trường Sơn, Công ty CP ở vùng cát Điền Lộc, Điền Hương, Điền Môn... với mô hình khép kín, chúng tôi thật sự yên tâm.
Ấn tượng đầu tiên là toàn bộ ao nuôi tại các khu đều được phủ kín hệ thống lưới ngăn chặn các loài vật, chim di cư đến có thể mang theo mầm bệnh. Các điều kiện vào khu nuôi tôm cũng quy định rất nghiêm ngặt. Anh Nguyễn Văn Báu, quản lý nhân sự của Công ty CP bắt buộc chúng tôi đeo ủng và đi qua một hố nước chứa thuốc tím khử khuẩn mới được vào tham quan mô hình nuôi tôm.
Anh Phạm Đăng Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trường Sơn giới thiệu mô hình nuôi tôm theo hướng chuyên nghiệp của đơn vị tại các xã: Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc với diện tích mặt nước trên 60 ha. Quanh ao hồ là những cánh rừng tràm, phi lao chắn gió chống cát bay, xói lở đất với diện tích 65 ha.
Đơn vị ứng dựng công nghệ nuôi tôm tiên tiến trên thế giới-Biofloc, không chỉ kiểm soát được dịch bệnh, mà còn giảm chi phí thông qua kiểm soát hệ số thức ăn, tránh dư thừa. Từ ao nuôi đến ao xử lý nước thải đều khép kín bằng tường rào, hệ thống lưới, bạt.
Công ty đầu tư gần một tỷ đồng trang bị hệ thống đánh giá tác động môi trường vùng nuôi tôm. Ao xử lý nước thải được lót bạt chống thấm, nguồn nước trước khi thải ra biển phải qua xử lý các loại vi sinh.
Nguồn giống nhập từ các trung tâm sản xuất có uy tín trong nước và kiểm tra, kiểm dịch chặt chẽ trước khi nhập về nuôi. Lâu lài, công ty liên doanh với một số doanh nghiệp có uy tín để sản xuất giống chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất tại chỗ.
Thức ăn cho tôm cũng được nhập từ các doanh nghiệp có uy tín, qua kiểm tra, kiểm định đảm bảo chất lượng, tuân thủ các quy định tiêu chuẩn an toàn, không chứa các chất độc hại... Sản phẩm vì thế được công nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP, được Công ty CP hợp đồng bao tiêu và đảm bảo các điều kiện để nhập vào thị trường thế giới...
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trường Sơn - Phạm Đăng Trung, khoe: Mười năm nay, năm nào công ty nuôi tôm cũng đều có lãi. Bình quân mỗi năm đạt khoảng 1.500 tấn, doanh thu từ 180 tỷ đến 200 tỷ đồng. Đây là nguồn thu khó có mô hình kinh tế nào đạt được.
Nuôi tôm chân trắng trên cát trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện Phong Điền. Với quy hoạch mở rộng diện tích khoảng 900 ha, nếu biết cách đầu tư chuyên nghiệp hóa, Phong Điền sẽ giàu lên từ nuôi tôm trên cát.
Related news
Ba Bể (Bắc Kạn) là một địa phương có thế mạnh về diện tích mặt nước nuôi thuỷ sản chính vì vậy để đáp ứng nhu cầu nuôi thủy sản cho năng suất cao, tạo ra các loại cá sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với môi trường và khả năng đầu tư thâm canh của người dân trên địa bàn, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông khuyến lâm tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm cá rô phi thương phẩm tại huyện Ba Bể theo quy trình GAP bước đầu mang lại hiệu quả khả quan và mở ra triển vọng trong thực hiện mô hình.
Trên địa bàn vùng ngập mặn ven biển thuộc 4 huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành (Trà Vinh) hiện có trên 200 hộ thả nuôi gần 76 triệu con tôm thẻ chân trắng trên diện tích gần 152 ha. Tuy mới vào vụ nuôi nhưng đã có 36 ha bị thiệt hại (24%), với lượng giống thả nuôi hơn 18 triệu con giống. Tôm nuôi bị chết đa phần do nhiễm bệnh đốm trắng. Đây là loại bệnh không có thuốc đặc trị và tôm chết thường ở giai đoạn 25 - 40 ngày tuổi, đã gây thiệt hại nặng người nuôi.
Lâu nay, nhắc đến vú sữa Lò Rèn, người ta nghĩ ngay đến địa danh Vĩnh Kim (xã thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Vậy mà, đi sâu tìm hiểu xuất xứ loại cây này, tuy có nhiều giai thoại nhưng giai thoại nào cũng cho biết vú sữa Lò Rèn không xuất phát từ Vĩnh Kim!
Những ngày cuối năm, trang trại rắn mối của chị Đinh Thị Kiều Hoa (thôn 3, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) càng ăn nên làm ra, mỗi ngày thu về hàng chục triệu đồng. Có được kết quả này là nhờ con trai chị, một kỹ sư công nghệ thông tin đã mạnh dạn làm thêm nghề “tay trái”: nuôi rắn mối.
Với nhiều người, chỉ cần nghe đến rắn đã rợn tóc gáy, vậy mà nghề “đùa với tử thần” lại trở thành “cây cầu” giúp không ít người gây dựng được cơ nghiệp.