Nuôi tôm theo chuẩn VietGAP xu thế tất yếu hiện nay
Theo chủ trương của Ngành Thủy sản tỉnh Sóc Trăng là khuyến khích hộ nuôi tôm tham gia các Tổ hợp tác, HTX và thực hành tiên tiến GAP, mà cơ bản là VietGAP theo quyết định số 4835 của Bộ NN&PTNT ban hành quy phạm VietGAP trên tôm thẻ và tôm sú. Trên cơ sở kế hoạch được phê duyệt, thông qua quy trình rà soát và chọn đơn vị thực hiện VietGAP, kết quả Hợp tác xã Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2 huyện Mỹ Xuyên, Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình huyện Trần Đề và Tổ hợp tác Toàn Thắng, ấp Kinh mới, xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu được chọn và trình diễn hoạt động tư vấn. Sau thời gian triển khai thì Hợp tác xã Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A, huyện Mỹ Xuyên đáp ứng được nhiều tiêu chí của quy phạm VietGAP và đạt được mục tiêu đưa ra và đánh giá chứng nhận cấp mã số VietGAP.
Trong năm 2015, Chi cục thủy sản tỉnh Sóc Trăng tiếp tục có dự án đầu tư mô hình điểm VietGAP cho 3 THT/HTX trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, Cù Lao Dung để tuyên truyền nhân rộng mô hình mẫu áp dụng VietGAP, đồng thời tăng cường lồng ghép các chương trình, tập huấn, hội thảo tọa đàm… để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nuôi tôm sạch, an toàn sinh học theo hướng VietGAP. Ngoài ra, các chính sách của Nhà Nước cũng khuyến khích các hộ dân tham gia áp dụng VietGAP như QĐ 01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ quy phạm thực hành sản xuất nông nghiệp, Quyết định 628 của UBND tỉnh Sóc Trăng về phê duyệt đề án phát triển sản xuất theo quy trình GAP các mặt hành nông - lâm - thủy sản giai đoạn 2015 - 2020. Thạc sĩ Võ Quốc Hào – Chi Cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, khuyến cáo: “Chúng tôi luôn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và khuyến cáo bà con chỉ nên sử dụng các sản phẩm phục vụ nuôi thủy sản nằm trong danh mục, nên hạn chế sử dụng các hóa chất kháng sinh. Trong quá trình gia nhập TPP, người nuôi tôm nên tăng cường áp dụng mô hình nuôi theo hướng VietGAP để đảm bảo an toàn sản phẩm và góp phần tạo nên môi trường nuôi an toàn”.
Hiện nay hầu hết thành viên các Tổ hợp tác, Hợp tác xã cùng người nuôi thủy sản trong tỉnh đều nhận thấy quy trình nuôi tôm theo hướng VietGAP là xu thế tất yếu, an toàn, hiệu quả và góp phần bảo vệ môi trường nuôi bền vững hơn. Tuy nhiên việc áp dụng còn gặp nhiều trở ngại, nhất là những hộ có diện tích ao nhỏ và ít vốn đầu tư. Như thị xã Vĩnh Châu có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nhất tỉnh, khoảng 22.000ha, qua nhiều năm triển khai mô hình, chưa có nơi nào được chứng nhận và cấp mã số VietGAP, do còn gặp một số khó khăn nhất định. Ông Lưu Khánh Đông – Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, cho biết: “Qua thời gian triển khai một số mô hình thí điểm nuôi tôm theo hướng an toàn thực phẩm, ý thức của người nuôi tôm đã được nâng lên, bà con đã tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành chức năng và tuân thủ quy trình cải tạo ao nuôi do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn. Thực hiện đầy đủ nhật ký ghi chép thả giống, cho ăn, dịch bệnh, vốn, kỹ thuật và giá cả tôm nuôi thả nuôi”.
Theo thống kê trong 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam có 181 lô hàng thủy sản xuất khẩu vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó số lô bị phát hiện nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm chiếm gần 50%. Qua các số liệu cho thấy việc triển khai rộng rãi mô hình nuôi tôm theo VietGAP gặp đang vướng mắc rất lớn về vấn đề hạn chế sử dụng hóa chất kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.
Ở một số HTX, THT lâu năm như HTX Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, hay THT Toàn Thắng, xã Vĩnh Hiệp, bà con có đầy đủ điều kiện để quy hoạch vùng nuôi của mình theo các chuẩn quy định của VietGAP, tuy nhiên theo đánh giá, tình hình nuôi trồng thủy sản ngày càng khó khăn, như khi thời tiết mưa nắng bất thường hộ nuôi rất khó kiểm soát môi trường ao và dịch bệnh trên tôm nuôi, nhất là vấn đề kiểm soát dư lượng kháng sinh hóa chất trong phòng trị bệnh tôm. Ông Mai văn Đấu – Tổ trưởng THT Toàn thắng, cho biết: “Qua các đợt tập huấn, hướng dẫn mô hình nuôi tôm VietGAP, đa số các xã viên trong THT đều có ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng và để hàng hóa, sản phẩm chăn nuôi của mình có thể gia nhập được với thế giới. Có như thế thì lợi nhuận sẽ tăng cao hơn, nông dân mau làm giàu hơn”.
Người nuôi tôm ở Sóc Trăng ngày nay hướng theo nuôi tôm sạch - bảo vệ môi trường nuôi trong lành.
Nhằm góp phần phát triển bền vững, giảm thiểu rủi ro, giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu và tạo uy tín hơn cho thủy sản Việt Nam, Chi Cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đưa ra một số khuyến cáo cho người nuôi tôm như sau:
- Hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản cũng như trong sản xuất giống thủy sản.
- Tuyệt đối không sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nằm ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, theo quy định hiện hành của Bộ NNvà PTNT.
- Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh để phòng bệnh thủy sản trong quá trình nuôi hoặc ương dưỡng.
- Hiện nay bệnh hoại tử gan tụy (AHPND) vẫn tiếp diễn mà nguyên nhân chủ yếu là do mật độ vi khuẩn có hại trong ao nuôi nhiều, đặc biệt là vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Người nuôi tôm không nên lạm dụng kháng sinh hay diệt khuẩn để phòng ngừa, mà để hạn chế sự bùng phát của vi khuẩn có hại trong ao nuôi tôm, các hộ dân nên thả tôm với mật độ vừa phải, cho tôm ăn vừa đủ, tránh dư thừa để hạn chế chất hữu cơ tích tụ nhiều trong ao, là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn có hại phát triển.
- Trước khi thu hoạch tôm nên ngưng sử dụng hóa chất, kháng sinh (nếu có) ít nhất 7 ngày, để tránh tồn lưu trong tôm. Khi nuôi tôm phải ghi chép sổ nhật ký ao nuôi theo từng ao, cũng như ghi chép việc sử dụng hóa chất, kháng sinh để phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Áp dụng các mô hình nuôi tôm sạch, không sử dụng hóa chất kháng sinh như mô hình nuôi tôm vi sinh, mô hình nuôi tôm kết hợp với cá rô phi đơn tính đực, mô hình thả cá rô phi trong ao lắng
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và phát triển bền vững, người nuôi cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong quá trình nuôi trồng thủy sản, nhằm mở rộng đầu ra cho thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Related news
Nhiều nông dân của tỉnh Trà Vinh hiện không còn đủ điều kiện vay vốn ngân hàng để tái vụ, trong khi con tôm tiếp tục chết và thời tiết tiếp tục bất lợi.
Có thể nói Nghị định 67 đã thực sự “chắp cánh” cho ước mơ chinh phục vùng biển xa của ngư dân Quảng Bình. Vươn khơi trên những con tàu công suất lớn, ngư dân Quảng Bình không chỉ yên tâm đối mặt với gió to sóng lớn mà còn hoàn thành tốt sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trước tình hình tôm nuôi công nghiệp bị rủi ro cao, nhiều hộ phải treo đầm hoặc chuyển sang hình thức nuôi mới. Song, vẫn có một số hộ nuôi tôm công nghiệp áp dụng dèo tôm giống trong bể xi-măng, chờ cho phát triển mới cho ra đầm nuôi điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Thảo, ấp Tân Điền A, xã Tạ An Khương, tỉnh Cà Mau.