Nuôi tôm ở Kim Sơn cần có giải pháp lâu dài
Đồng chí Trần Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Sơn cho biết: Năm 2015, diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ trên địa bàn huyện là hơn 3.025 ha, trong đó diện tích nuôi tôm vụ 1 là 2.115 ha. Diện tích nuôi tôm sú là 1.926 ha, nuôi tôm thẻ là gần 189 ha. Thời gian qua, một số diện tích nuôi tôm bị chết chủ yếu là do thời tiết nắng nóng kéo dài, tôm bị sốc nhiệt.
Để giúp bà con nông dân nuôi thuỷ sản đạt năng suất, hiệu quả cao, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với Chi cục Thủy sản kiểm soát chặt chẽ chất lượng các vật tư trong nuôi trồng thủy sản.
Tăng cường quản lý, kiểm tra điều kiện vùng nuôi trồng, môi trường, dịch bệnh… Đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân nuôi tôm nếu tôm đủ lớn khẩn trương thu hoạch nhằm giảm thiệt hại.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các hộ có diện tích tôm bị chết thường thả với mật độ dày, không có máy móc, thiết bị kỹ thuật hỗ trợ trong quá trình nuôi thả, ao thiếu ôxy nên tôm bị chết.
Vì hiện tượng tôm chết có thể ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng thu hoạch cuối vụ nên nhiều hộ đã tìm đến giải pháp tạm thời, tránh việc mất trắng một vụ tôm.
Gia đình ông Bùi Việt Thắng ở khu vực đầm 2, xã Kim Đông cho biết: Trước đây, gia đình ông có 1 ha đầm vừa nuôi tôm sú và nuôi cua theo hình thức quảng canh. Mỗi năm gia đình ông thu từ nuôi tôm sú và cua bình quân gần 100 triệu đồng. Năm nay, ông thả 10 vạn giống từ đầu tháng 2 nhưng thời tiết nắng nhiều, mưa ít nên tôm chậm lớn.
Với thời tiết khắc nghiệt đó, thấy tôm có hiện tượng chết rải rác ở một số hộ nên gia đình ông phải thu hoạch vội, mặc dù tôm mới được 50 đến 60 con/kg. Tôm còn bé giá bán không cao nhưng thay vì mất trắng vụ tôm này, người dân có thể thu về một khoản tiền để trang trải chi phí hay làm vốn để vụ sau tiếp tục nuôi trồng.
Ông Lê Văn Bường, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Kim Đông cho biết: Nuôi trồng thủy sản không tránh khỏi những rủi ro do thời tiết, thiên tai gây ra. Ngay khi có hiện tượng tôm chết, HTX đã vận động bà con thu hoạch tôm sớm nhằm giảm thiểu tổn thất.
Về việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản khá dễ dàng do tại Kim Đông đã có chợ đầu mối, mặt khác, nhu cầu của thị trường khá lớn.
Theo ông Bường, giá các loại tôm sú, tôm thẻ nhiều năm nay có những biến động bất thường. Năm nay, giá tôm sú loại 30 con/kg có giá là 250 nghìn đồng, tôm thẻ có giá khoảng 150 - 200 nghìn đồng tùy loại.
Thiên tai, nắng nóng là những điều kiện thời tiết khách quan, khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trong những vụ tôm tiếp theo, những hộ dân ở vùng nuôi trồng thủy sản của Kim Sơn sẽ làm gì để hạn chế những rủi ro của thời tiết, để luôn yên tâm sẽ có những vụ thu hoạch thắng lợi. Liệu việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất có là giải pháp lâu dài?
Cũng là hộ nuôi tôm nhưng gia đình ông Đặng Thanh Doãn ở khối 11, thị trấn Bình Minh lại chọn giống tôm thẻ chân trắng. Diện tích nuôi trồng của gia đình ông không có dấu hiệu tôm chết như một số hộ tại Kim Đông, Kim Trung... Trên diện tích 1,2 ha đầm nuôi, nửa đầu năm 2015, gia đình ông thu được 3,2 tấn, giá trị đạt khoảng 300 triệu đồng.
Theo ông Doãn, tôm thẻ chân trắng có có tốc độ sinh trưởng nhanh, chúng lớn nhanh hơn tôm sú, chính vì thế trong thời gian nắng nóng, tôm thẻ của gia đình ông đã trưởng thành, đủ sức chống chịu so với lứa tôm sú còn đang bé tại một số hộ.
Mặt khác, các hộ có diện tích tôm bị chết thường thả với mật độ dày, không có máy móc, thiết bị kỹ thuật hỗ trợ trong quá trình nuôi thả, ao thiếu ôxy nên tôm bị chết. Ngoài giữ được độ trong tiêu chuẩn của nước ao nuôi tôm, độ mặn, độ pH, lượng khí..., việc sử dụng các máy quạt nước để tạo ôxy cho tôm nhằm đảm bảo một môi trường sống tốt để tôm sinh trưởng và phát triển sẽ giúp tăng sức đề kháng, nhất là vào mùa hè khi thời tiết nắng nóng.
Hiệu quả từ việc áp dụng máy móc, khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất đã được minh chứng bằng thực tế. Với điều kiện hội nhập và mở cửa trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật như hiện nay, việc tìm mua các thiết bị trên không phải là chuyện khó đối với người nuôi trồng.
Thế nhưng, điều cần thay đổi trước tiên đó là tư tưởng sản xuất phải được thực hiện theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả...
Related news
Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) vừa có văn bản số 1853 /QLCL-CL1 về lệnh tạm thời đình chỉ NK thủy sản và sản phẩm thủy sản từ Việt Nam vào Brazil.
Mặc dù diện tích xuống giống giảm, nhưng do thời tiết tương đối thuận lợi, lúa được giá phần nào khuyến kích nông dân đầu tư, chăm sóc nên năng suất
Việt Nam vừa thỏa thuận ký hợp đồng cung cấp cho phía Philippines 200.000 tấn gạo 25% tấm với giá tương đương 475 USD/tấn; cung cấp cho phía Indonesia 200.000 tấn gạo (trong đó 50.000 tấn gạo 5% tấm với giá 443,5 USD/tấn (FOB) và 150.000 tấn gạo 15% tấm với giá 442,1 USD/tấn).
Tính đến nay, tổng diện tích mía tại khu vực phía Đông tỉnh đạt 24.000 ha, tăng gấp 10 lần so với thời điểm sau cuộc khủng hoảng mía đường năm 1999-2000, mía trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng của các địa phương trong khu vực. Những năm qua, Nhà máy Đường An Khê trở thành đơn vị đầu tư, thu mua phần lớn nguyên liệu mía khu vực phía Đông.
Năm nay, Hương Trà (Thừa Thiên Huế) thả nuôi 306 ha thuỷ sản các loại như: cá kình, tôm sú, tôm rảo, cua…, tập trung chủ yếu ở 2 xã Hải Dương và Hương Phong.