Home / Tin tức / Tin thủy sản

Nuôi thủy sản VietGAP, chi phí giảm mạnh, giá bán tăng 10 - 20%

Nuôi thủy sản VietGAP, chi phí giảm mạnh, giá bán tăng 10 - 20%
Author: Nguyễn Thị Ánh Nguyệt
Publish date: Monday. August 5th, 2024

Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm an toàn mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất.

Hà Tĩnh là địa phương với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên cho nuôi trồng thuỷ sản. Nghề nuôi trồng thủy sản của Hà Tĩnh những năm qua đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh hiện có hơn 7.000ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản cùng hệ thống sông được khai thác nuôi cá lồng. Cùng với việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về con giống, kỹ thuật thâm canh…, nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn áp dụng phương pháp nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP.

Giảm chi phí, tăng hiệu quả

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai tại HTX Nuôi trồng thuỷ sản Cẩm Dương (xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) có quy mô 5ha, năng suất đạt 28 tấn/ha/vụ, cỡ tôm khi thu hoạch đạt 45 con/kg, lợi nhuận đạt 550 triệu đồng/ha/vụ. Đây cũng là một trong số ít mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn Hà Tĩnh đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc HTX Nuôi trồng thuỷ sản Cẩm Dương cho biết: Hiện nay do biến đổi khí hậu, nguồn giống không đảm bảo, đặc biệt là việc lạm dụng các loại hoá chất nên việc nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro. Từ khi áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt tiêu chuẩn VietGAP, HTX đã giảm được 10 - 15% chi phí đầu vào, việc sử dụng các loại chế phẩm sinh học không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động, không ảnh hưởng tới môi trường ao nuôi, sản phẩm tôm khi bán ra thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng, giá cao hơn tôm nuôi thông thường từ 5 - 10%”.

Mô hình đạt chứng nhận VietGAP trên đối tượng cá chim vây vàng đầu tiên tại Hà Tĩnh. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Năm 2023, gia đình ông Nguyễn Văn Mai tại thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) được Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh lựa chọn tham gia mô hình nuôi cá chim vây vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ông Mai cho biết: “Trước đây gia đình nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh nhưng mức độ rủi ro cao, không mang lại hiệu quả kinh tế. Sau khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh khảo sát, gia đình tôi đã tiên phong thực hiện. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vừa đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, vừa tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng”.

Nhờ chăm sóc tốt, sau hơn 5 tháng nuôi, cá chim vây vàng đã đạt trọng lượng trung bình 0,57kg/con, tỷ lệ sống 65%, vượt kế hoạch đề ra. Với giá bán 140.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, ông Mai thu được lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Nhờ kiên trì thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi nên cơ sở nuôi trồng thủy sản của ông Nguyễn Văn Mai trở thành cơ sở đầu tiên được chứng nhận VietGAP trên đối tượng cá chim vây vàng thương phẩm tại Hà Tĩnh.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (thứ 4 từ phải sang) kiểm tra, đánh giá mô hình nuôi tôm đạt tiêu chuẩn VietGAP tại Hà Tĩnh. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Đa dạng đối tượng nuôi theo hướng VietGAP

Từ thành công của mô hình nuôi cá diêu hồng lồng bè theo quy trình VietGAP tại lòng hồ Ngàn Trươi (huyện Vũ Quang) và tại xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh), năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tiếp tục triển khai mô hình nuôi cá diêu hồng bằng lồng bè trên sông và hồ chứa theo hướng VietGAP tại xã Kỳ Hoa (thị xã Kỳ Anh) với 03 hộ dân tham gia, quy mô 300m3. Kết quả, sau 8 tháng triển khai thực hiện, đã có 01 mô hình đạt chứng nhận VietGAP và 02 mô hình nuôi theo hướng VietGAP. Sản phẩm bán ra thị trường được người tiêu dùng đón nhận và giá bán tăng 10 - 20% so với sản phẩm cá nuôi truyền thống.

Ông Nguyễn Khánh Tuấn (chủ mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP) cho biết: So với cách nuôi cá truyền thống, cá nuôi theo quy trình VietGAP được xuất bán với giá cao hơn sản phẩm cùng loại khác từ 10 - 20%; năng suất đạt hơn 59kg/m3, cao hơn năng suất bình quân 18%, vì vậy giá trị kinh tế tăng bình quân gần 23% so với hình thức nuôi thông thường. Bên cạnh đó, môi trường nuôi không bị ô nhiễm do quá trình nuôi chủ yếu sử dụng các loại chế phẩm sinh học, men tiêu hoá và các loại vitamin.

Trao chứng nhận VietGAP cho mô hình nuôi cá diêu hồng lồng bè tại thị xã Kỳ Anh. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa cho biết: Tận dụng điều kiện tự nhiên tại đập dâng Sông Trí, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng. Tuy nhiên hình thức nuôi tự phát, các đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống, giá trị kinh tế thấp, hình thức sản xuất vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng và đổi mới quy trình công nghệ nên năng suất, sản lượng, chất lượng chưa cao.

Nhằm nâng cao chất lượng nuôi trồng thủy sản, UBND xã Kỳ Hoa đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh chỉ đạo triển khai xây dựng 03 mô hình nuôi các đối tượng thuỷ đặc sản nước ngọt theo hướng thâm canh, năng suất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi cá.

Cụ thể, có 02 hộ nuôi cá theo hướng VietGAP và 01 hộ nuôi cá đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng trung bình đạt gần 6 tấn cá/100m3 lồng nuôi, kích cỡ cá thương phẩm đạt 0,8kg/con, lợi nhuận trung bình 102 triệu đồng/100m3 . Bên cạnh đó, môi trường nước tại đập dâng Sông Trí cũng được cải thiện theo hướng tích cực.

Nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP tạo ra sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc, qua đó tạo thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Năm 2024, với nhận thức đầy đủ về lợi ích của quy trình nuôi thủy sản VietGAP mang lại, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững, khá nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản trong tỉnh đã áp dụng nuôi theo VietGAP và đã được chứng nhận. Các cơ sở được chứng nhận nhìn chung có quy mô sản xuất khá lớn và mang tính hàng hóa tập trung với những đối tượng có giá trị kinh tế cao, điển hình như: Hợp tác xã Nuôi trồng Thủy sản Hạ Vàng (thôn Liên Tiến, xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh) với sản phẩm tôm thẻ chân trắng, quy mô sản xuất 1,03ha, sản lượng 90 tấn/năm; Cơ sở nuôi tôm của hộ ông Hoàng Kim Túy (thôn Phúc Trung, xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên) với sản phẩm tôm thẻ chân trắng, quy mô sản xuất 2,5ha, sản lượng 60 tấn/năm…

Nhờ chất lượng cao nên cá chim vây vàng nuôi theo VietGAP luôn có giá bán cao, tiêu thụ thuận lợi. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Theo Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh, năm 2023 - 2024, trên địa bàn tỉnh đã có 09 cơ sở nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP còn hiệu lực với diện tích 21ha, sản lượng 457 tấn/năm, trong đó chủ yếu là đối tượng nuôi chủ lực (tôm nuôi). Đây là những mô hình phù hợp trong điều kiện biển đổi khí hậu, đảm bảo an toàn thực phẩm, phù hợp với nông nghiệp đô thị, gắn với liên kết sản xuất.


Related news

Phòng các bệnh trên tôm nuôi và các giải pháp giảm chi phí sản xuất tôm Phòng các bệnh trên tôm nuôi và các giải pháp giảm chi phí sản xuất tôm

Ngày 29/7, tại Trung tâm Văn hóa huyện Trần Đề (Sóc Trăng), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng phối hợp UBND huyện Trần Đề tổ chức Hội thảo.

Wednesday. July 31st, 2024
Đồng Nai ứng dụng công nghệ cao phát triển nghề nuôi tôm Đồng Nai ứng dụng công nghệ cao phát triển nghề nuôi tôm

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản của Đồng Nai đạt gần 39,7 ngàn tấn, tăng hơn 4,9% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất.

Friday. August 2nd, 2024
Chuyển đổi lồng nuôi HDPE để thích ứng thiên tai Chuyển đổi lồng nuôi HDPE để thích ứng thiên tai

Hiện lồng bè nuôi trồng thủy trên địa bàn tỉnh Phú Yên chủ yếu bằng vật liệu gỗ, tre, không thích ứng với thiên tai.

Monday. August 5th, 2024