Đồng Nai ứng dụng công nghệ cao phát triển nghề nuôi tôm
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản của Đồng Nai đạt gần 39,7 ngàn tấn, tăng hơn 4,9% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó, nuôi thủy sản nước lợ, nhất là nuôi tôm, là mô hình thuộc tốp đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao tại các địa phương.
Tuy nhiên, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, việc nuôi tôm gặp khó khăn hơn do giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí khác tăng cao, trong khi giá tôm thường ở mức thấp. Theo đó, nhiều hộ nuôi tôm đẩy mạnh chuyển đổi ứng dụng công nghệ cao (CNC) để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi thế cạnh tranh cho con tôm trong giai đoạn thị trường khó khăn.
Khó về thị trường tiêu thụ
Thời điểm hiện nay thuận lợi cho con tôm nước lợ được nuôi tại các địa phương trên địa bàn tỉnh sinh trưởng và phát triển. Thế nhưng, do nguồn cung dồi dào, trong khi cả thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều vào thấp điểm khiến giá tôm đang giảm sâu. Cụ thể, giá tôm thẻ loại 30 con/kg chỉ bán được 120-130 ngàn đồng/kg, loại nhỏ hơn bán dưới 100 ngàn đồng/kg, thấp hơn 5-10 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này thấp hơn từ 20-30 ngàn đồng/kg so với mức bán bình quân những năm trước.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thành Công (tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) Nguyễn Huy Bình so sánh: “Hiện đang là mùa thấp điểm tiêu thụ mặt hàng tôm thẻ. Năm ngoái, thị trường tiêu thụ đã chậm nhưng năm nay còn chậm hơn. Theo đó, nhiều ao tôm đến kỳ thu hoạch rất khó gọi thương lái, có gọi được thì họ cũng mua cầm chừng thành nhiều đợt chứ không mua hết trong 1-2 đợt như trước”.
Chia sẻ thêm về áp lực đối với người nuôi tôm, bà Nguyễn Kim Phụng (nông dân nuôi tôm tại xã Long Phước, huyện Long Thành) cho biết, từ sau đại dịch Covid-19, giá thức ăn cho tôm không ngừng leo thang. Hiện giá các loại thức ăn, các loại thuốc phòng, chữa bệnh cho tôm vẫn đứng ở mức cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo đó, giá thành nuôi tôm bị đội lên trong khi thị trường tiêu thụ lại bấp bênh hơn, khiến người nuôi tôm đối diện với nhiều khó khăn.
Ngoài ra, theo những hộ nuôi tôm nước lợ, hiện nay ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường nên việc nuôi tôm cũng khó khăn hơn, con tôm dễ bị dịch bệnh hơn. Theo đó, dù đang là mùa thuận lợi để nuôi tôm so với các tháng khác trong năm nhưng nhiều hộ nuôi tôm nước lợ trên địa bàn các huyện Nhơn Trạch, Long Thành chủ động kéo giãn vụ nuôi, giảm sản lượng nuôi để hạn chế rủi ro thua lỗ. Theo tính toán của người nuôi tôm nước lợ, dự đoán những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng tôm nước lợ của cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều vào cao điểm, kỳ vọng giá bán tốt mới là cơ hội để người nuôi tăng vụ, tăng sản lượng tôm nuôi cung cấp ra thị trường.
Tăng lợi thế cạnh tranh nhờ CNC
Trước những thách thức, khó khăn, nhiều hộ nuôi tôm nước lợ mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi tôm truyền thống sang ứng dụng CNC, nuôi tôm theo hướng công nghiệp nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thành Công Nguyễn Huy Bình chia sẻ, công nghệ trong nuôi tôm ngày càng được cải tiến, hệ thống ao nuôi được đầu tư bài bản hơn, giúp tăng số vụ nuôi/năm; sản lượng thu hoạch mỗi vụ cũng tăng hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống. Đặc biệt, dịch bệnh được kiểm soát tốt nên người nuôi không lo bị mất mùa như trước. Chính vì vậy, dù đang trong giai đoạn khó khăn nhưng năm ngoái ông Bình vẫn thuê thêm 13 hécta đất đầu tư 26 ao nuôi CNC.
Mô hình này ứng dụng khá đồng bộ từ chọn con giống chất lượng đến đầu tư hệ thống ao nuôi lót bạt, có hệ thống xử lý nguồn nước, xử lý chất thải trong ao nuôi, đảm bảo môi trường tốt cho con tôm sinh trưởng, đồng thời kiểm soát tốt về dịch bệnh. Khu vực nuôi tôm mới được đầu tư bài bản hơn, quy trình nuôi được quản lý chặt chẽ hơn. Đến nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thành Công có 8 thành viên, phát triển được khoảng 30 hécta nuôi tôm CNC tại ấp Bà Trường và ấp Vũng Gấm (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch).
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An Phạm Thanh Tuấn, vài năm trở lại đây, diện tích nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC tại địa phương tăng đều qua từng năm. Đến nay, toàn xã có gần 170 hécta nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC. Nhờ ứng dụng công nghệ, xử lý tốt môi trường nuôi nên hầu như không xảy ra tình trạng thiệt hại do dịch bệnh hoặc nuôi không đạt sản lượng. Địa phương cũng khuyến khích nhân rộng mô hình đang thuộc tốp đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Toàn xã hiện còn khoảng 800 hécta nuôi quảng canh, tiềm năng chuyển đổi diện tích này sang mô hình CNC còn lớn. Tuy nhiên, vì cần vốn đầu tư lớn, người nuôi cũng phải nắm vững về kỹ thuật nên cũng khó chuyển đổi ồ ạt.
“Vùng chuyên canh nuôi CNC đã có, điều địa phương quan tâm hiện nay là thu hút được doanh nghiệp về đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho người nuôi, đảm bảo được đầu ra thì mô hình kinh tế này mới thật sự phát triển bền vững” – ông Tuấn chia sẻ thêm.
Related news
Xuất khẩu cá tra từng nhiều lần phải đối mặt với truyền thông bôi nhọ từ các đối thủ. Vì vậy, cần có chiến lược truyền thông chủ động cho cá tra Việt Nam.
Giá lúa gạo, giá lúa tươi, giá gạo tại An Giang ngày 30-07-2024
Ngày 29/7, tại Trung tâm Văn hóa huyện Trần Đề (Sóc Trăng), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng phối hợp UBND huyện Trần Đề tổ chức Hội thảo.