Nuôi Tằm Vôi Hướng Đi Mới Của Nhiều Nông Dân
Trồng dâu, nuôi tằm lâu nay vốn là nghề quen tay đối với nhiều nông dân ở Nghĩa Hành. Thế nhưng những năm gần đây, thay vì nuôi tằm kén như truyền thống, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi tằm vôi – một hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Được một người quen ở Đà Lạt “mách nước” và hướng dẫn kỹ thuật, ông Võ Đức Tuấn ở thôn Kim Thành, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) đã mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi tằm kén sang tằm vôi (còn gọi là nuôi tằm chết). Và ông cũng là người “tiên phong” nuôi tằm vôi ở Nghĩa Hành.
Ông Tuấn bắt đầu nuôi tằm vôi từ năm 2009. Lúc mới nuôi do chưa có kinh nghiệm nên không đạt. Qua nhiều lần rút kinh nghiệm, đến nay ông đã thành công với hướng đi mới này. Ông Tuấn chia sẻ: “Vì nguồn lá dâu ít và phòng nuôi nhỏ nên một tháng tôi chỉ nuôi 2 đến 4 lứa tằm vôi. Mỗi lứa tôi nuôi được 2 hộp (20 ngàn con/hộp). Nguồn giống được lấy tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), với giá 180.000 đồng/hộp”.
Nuôi tằm vôi phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Những tháng mát trời thì tằm đạt năng suất cao hơn. Trung bình một hộp tằm nuôi sẽ cho ra khoảng 45kg tằm vôi. Với giá bán 70.000 đồng/kg như hiện nay sau khi trừ các chi phí, ông Tuấn thu lãi khoảng 2 triệu đồng/hộp.
Thấy nuôi tằm vôi có lãi lại ổn định đầu ra nên nhiều nông dân nuôi tằm kén đã chuyển sang nuôi tằm vôi. Lão nông Phạm Hiến ở thôn An Chỉ Tây, xã Hành Phước là một trong những hộ nuôi tằm kén lớn nhất Nghĩa Hành. Thế nhưng, sau khi được ông Tuấn hướng dẫn kỹ thuật và được Công ty thu mua hỗ trợ máy lạnh, vật tư, ông Hiến đã chuyển sang nuôi tằm vôi được 2 năm nay.
Dựa vào lợi thế có nhiều lá dâu và phòng nuôi rộng nên mỗi tháng ông Hiến nuôi 3 lứa tằm vôi (3 hộp/lứa). Những tháng trời mát tằm nuôi đạt trên 50kg/hộp. “Chỉ cần mỗi lứa tằm vôi nuôi đạt khoảng 45 kg/hộp thì không có nghề nào làm ăn hiệu quả lại nhanh có lời như nghề nuôi tằm vôi”, ông Hiến khẳng định.
Không riêng gì ông Tuấn, ông Hiến mà nhiều hộ nuôi tằm vôi ở Nghĩa Hành đều cho rằng, nuôi tằm vôi vừa ít tốn công và lá dâu vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn tằm kén. Tuy nhiên, nuôi tằm kén là nuôi tằm sống, còn nuôi tằm vôi là nuôi tằm chết. Sau khi tằm được 16 ngày tuổi thì người nuôi phải rắc vôi lên mình con tằm. Giai đoạn này tằm lột xác, lớp da mới còn ướt và sần sùi nên vôi sẽ dễ dính vào thân tằm. Sau 5 - 6 ngày rắc vôi tằm sẽ chết. Tằm vôi này sẽ được trộn vào đất cao lanh để bảo quản. Sau đó bán cho các công ty ở TP. Hồ Chí Minh để các công ty này chế biến và sản xuất ra các loại mỹ phẩm.
Mặc dù nuôi tằm vôi đem lại hiệu quả kinh tế cao và ít tốn công hơn nuôi tằm kén. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể nuôi tằm vôi đạt hiệu quả cao. Vì muốn nuôi tằm vôi đạt thì cần phải tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật. Những tháng nắng nóng thì sau khi tằm vô vôi được 3 ngày sẽ được đưa vào phòng lạnh để tằm chết trắng đẹp... Nếu không tuân thủ theo các quy trình kỹ thuật thì nuôi tằm vôi sẽ không đạt hiệu quả.
Related news
Ba nhà cung ứng phân bón cho Cty Anh Trang, ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đều khẳng định phân của họ cung cấp là phân chính hãng.
Hiện nay, tại khu vực biên giới Tịnh Biên (An Giang) mỗi ngày có hàng ngàn tấn lúa từ phía Campuchia nhập vào An Giang bằng đường tiểu ngạch để tiêu thụ.
Anh Lê Quang Anh, một nông dân trồng Atisô ở Thái Phiên cho biết, atisô chỉ được giá vào tháng 6, tháng 7 (mùa nghịch). Còn lại, giá cao nhất dịp trước Tết cũng chỉ đạt 50.000 đ/kg. Hiện giá atisô đang xuống và sẽ còn xuống nữa. Do vậy nhà vườn chỉ thu hoạch atisô khô cung cấp thị trường dược liệu. Hiện giá bông atisô khô bán được 300.000 đ/kg. Để có 1 kg bông atisô khô phải cần 7 kg atisô tươi.
Tại cuộc họp giao ban Bộ NN- PTNT ngày 4/3, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi bày tỏ lo ngại trong 6 tháng đầu năm 2014, ngành chăn nuôi khó có thể phục hồi do sức mua của thị trường quá yếu…
Theo ngư dân hành nghề vây rút chì, hàng chục năm nay đây là chuyến biển đầu tiên trong mùa biển mới ngư dân trúng đậm cá Nục nên ngư dân rất phấn khởi và hy vọng tiếp tục được mùa vào những chuyến biển tiếp theo.