Mùa Trái Chín
Dường như được thiên nhiên ưu ái, mảnh đất Đồng Nai có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành vùng chuyên canh cây ăn trái với nhiều loại trái cây thơm ngon mang đặc trưng Nam bộ, như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mít, xoài, dâu…
Muốn dâu được đẹp cần phải bó gọn thành từng chùm và đặt nhẹ nhàng để dâu không bị rụng trái và thâm vỏ. (Ảnh chụp tại xã An Phước, huyện Long Thành).
Mùa trái cây chín bắt đầu từ tháng 4 tới hết tháng 6 âm lịch. Thời điểm này đang vào mùa rộ nên không khí thu hoạch, mua bán nhộn nhịp chẳng khác gì khung cảnh của những ngày gần tết.
* Nhộn nhịp bán - mua
Vào mùa này, đi dọc quốc lộ 1 về Long Khánh, qua Xuân Lộc sẽ bắt gặp nhiều sạp trái cây được bày bán dọc hai bên đường với đủ các loại trái chín, màu sắc khác nhau. Long Khánh được mệnh danh như một “vương quốc” trái cây ở Đồng Nai. Mỗi ngày, những nhà vườn ở đây đón không biết bao nhiêu thương lái từ các nơi tới thăm mua. Những chiếc giỏ chở sau xe chất đầy trái cây từ sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… chạy kìn kìn từ vườn ra chợ, vựa.
Vào mùa trái chín, không chỉ thương lái mà còn cả những người dân ở tỉnh khác, như : TP.Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Vũng Tàu... cũng tìm tới tận vườn để mua cũng như tham quan vườn. Xã An Phước (huyện Long Thành) thì nổi tiếng có đặc sản trái dâu với quả to, màu vàng nhạt lại có vị rất riêng, thơm, ngọt nhẹ và chua dôn dốt, khác với vị chua gắt của dâu ở miền Tây.
Ông chủ vườn Nguyễn Văn Đức (xã An Phước) kể: “Giống dâu thường dễ trồng, dễ chăm sóc, năng suất cao lại phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên dần dà bà con chuyển sang trồng dâu”.
Mùa dâu An Phước bắt đầu từ tháng 3 cho tới hết tháng 6, thời điểm dâu chín rộ nhất là khoảng gần Tết Đoan ngọ (mùng 5-5 âm lịch). So với năm ngoái, năng suất dâu năm nay cao hơn. Với diện tích 5 sào, năm nay gia đình tôi cũng thu hoạch được 5 tấn/vụ, sau khi trừ chi phí cũng lời được khoảng 50 triệu đồng/vụ”.
* Nỗi lo rớt giá
Sầu riêng và chôm chôm độ này đang vào mùa thu hoạch nhiều. Anh Hà Văn Lợi ( xã Bình Lộc, TX.Long Khánh) có 1,5 hécta đất chôm chôm và sầu riêng.
Năm nay chôm chôm trúng mùa nên anh ước tính thu khoảng 30 tấn/hécta. Anh Lợi cho biết: “Có lẽ do điều kiện khí hậu thuận lợi nên trái cây ở Đồng Nai đẹp và chất lượng hơn một số vùng khác.
Chôm chôm cơm dày, thịt tróc và mọng nước”. Hiện giá chôm chôm thương lái tới mua tại vườn là 3,5-4 ngàn đồng/kg, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái; sầu riêng các loại có giá từ 28-30 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 10-15 ngàn đồng/kg so với thời điểm đầu mùa.
Điều mà nhiều người dân đang lo lắng hiện nay không chỉ giá giảm mà lượng hàng tiêu thụ ra các tỉnh phía Bắc cũng ít dần bởi đang rộ mùa vải. Trước đây, mỗi ngày lượng trái cây xuất đi các tỉnh khác là khoảng 50-60 ngàn tấn, nhưng bây giờ chỉ xuất được khoảng 30 ngàn tấn/ngày. Bên cạnh đó, trong khi giống cây ăn trái chất lượng ngày một tốt, kỹ thuật trồng được cải tiến mang tới sản lượng cao hơn thì xuất khẩu vẫn khó khăn.
“Ngày nay, măng cụt được bà con trồng xen canh với dâu. Đầu mùa giá măng cụt khoảng 40 ngàn đồng/kg, nhưng hiện giờ chỉ còn 20 ngàn đồng/kg, giảm một nửa so với thời điểm đầu mùa. Để được giá cao hơn, chủ những vườn dâu lớn ở xã An Phước thường phải chở xuống tận Vũng Tàu và hệ thống siêu thị trên TP.Hồ Chí Minh” - anh Lê Văn Bề (ấp 2, xã An Phước) cho biết.
Trăn trở cùng với người dân về thị trường đầu ra cho trái cây, ông Lê Xuân Hoàng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vườn Xanh (huyện Thống Nhất) nói: “Năm nay hầu hết giá các loại trái cây đều giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nông sản nông dân làm ra không có hệ thống tiêu thụ ổn định nên thường bị thương lái mua với giá rẻ, trong khi trên thị trường tiêu thụ giá sản phẩm bán cho người tiêu dùng cao gấp 6-8 lần so với giá mua tại vườn”.
Ông Võ Đức Hòa, cán bộ thương mại dịch vụ xã Bình Lộc, TX.Long Khánh cho biết: “Ở địa phương cũng đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp, thương mại, dịch vụ xã Bình Lộc với 12 xã viên.
Hiện nay, toàn bộ hợp tác xã đã trồng được gần 16 hécta chôm chôm đạt chuẩn VietGAP đang chuẩn bị được thu hoạch. Bên cạnh đó, các nhà vườn cũng đang chú trọng trong việc phát triển du lịch vườn, du khách tới ngoài việc tham quan vườn thì có thể ăn trái cây tại vườn thoải mái.
Đây cũng là một trong những biện pháp để giới thiệu trái cây của Đồng Nai nói chung và TX. Long Khánh nói riêng đến với mọi người trong và ngoài khu vực”.
Related news
Năm 2012 là năm khó khăn cho nghề nuôi tôm sú ở Cà Mau. Không chỉ dịch bệnh tràn lan mà giá cả bấp bênh, môi trường nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng… Trước những yếu tố bất lợi đó, những chủ trương, giải pháp mới đã kịp thời tháo gỡ khó khăn. Cùng với nhiều sáng kiến của người dân đã đưa nghề nuôi tôm bước sang giai đoạn mới.
Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang thu hoạch lúa vụ 2 nhưng nhà nông không vui bởi giá lúa giảm. Bên cạnh đó, do dịch bệnh xảy ra nhiều, chi phí cao nên nông dân Cà Mau đang đứng trước nguy cơ thua lỗ. Trong khi đó, giá lúa ở các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL đang có chiều hướng tăng và ổn định.
Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới, ý thức của các ngành, các cấp và nhân dân huyện Trần Văn Thời từng bước được nâng lên. Đến nay, có 11/11 xã phê duyệt xong đồ án quy hoạch, có 3 xã đạt trên 5 tiêu chí, 2 xã đạt 4 tiêu chí, số còn lại đều đạt 3 tiêu chí.
Sáng ngày 23/6, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại (Mitraco) Hà Tĩnh đã tổ chức khánh thành Trung tâm lợn giống chất lượng cao Phú Lộc - Can Lộc. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đến dự.
Từ đơn vị xã khó khăn sau chia tách, Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi ngày nay đã và đang hoàn thành nhiều tiêu chí kinh tế, xã hội quan trọng, đời sống nhân dân dần ổn định.