Anh Phạm Hùng Vững, một trong những người nuôi ốc hương đầu tiên ở Phú Quốc, cho biết: Nghề nuôi ốc hương xuất phát từ Nha Trang. Môi trường biển Phú Quốc còn rất tốt, có nhiều bãi biển rất sạch chưa được khai thác, nên chúng tôi đã ra Nha Trang học hỏi kinh nghiệm rồi về áp dụng nuôi tại đảo.
Tại khu vực bãi Dài (xã Gành Dầu, Phú Quốc), người nuôi dùng lưới đăng quầng làm “ao” nuôi. Chỉ cần trên 5 tấc nước (tính theo thời điểm mực nước thấp nhất) là có thể nuôi được ốc hương. Ốc hương sống bên trong cát nên lưới được cắm sâu vào đất khoảng 3 tấc để không cho ốc “đi” ra bên ngoài. Thức ăn cho ốc hương chủ yếu là cá phân (loại cá tạp, còn nhỏ không chế biến được). Thức ăn vừa đưa xuống khỏi mặt nước, lập tức ốc hương từ dưới cát chui lên “đánh chén”.
Cầm trên tay chiếc vợt có chừng khoảng hơn một kg ốc hương, anh Vững khoe: “Một kg giống có tới 10.000 con. Sau 4 tháng nuôi nó đạt khoảng 40-50 con/kg. Giá xuất ốc hương khỏi đảo lúc cao điểm có thể lên đến 140.000-150.000 đồng/kg. Loại ốc này trong quá trình vận chuyển đi nơi khác phải được bảo quản trong môi trường nước có bơm khí ô-xy; vận chuyển đến TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... phải bằng đường hàng không, nên giá ốc hương bán ra thị trường thường rất cao. Ngay tại vùng nuôi ốc hương ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang), giá bán món ốc hương nướng hoặc luộc cho thực khách lên đến khoảng 220.000-300.000 đồng/kg”.
Anh Huỳnh Văn Gìn cũng cắm lưới ở bãi Dài nuôi 38kg ốc hương giống. Anh Gìn cho biết: Nghề nuôi này còn khá mới mẻ ở Phú Quốc. Môi trường nuôi rất tốt, ốc rất mau lớn, không bị dịch bệnh. Tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi tại Nha Trang là 15-20%, người nuôi vẫn lời đậm. Tuy tôi chưa đánh giá được tỷ lệ này ở Phú Quốc, nhưng qua mấy năm nuôi ốc hương đều có lời”. Anh Gìn thả nuôi 4kg giống ốc hương, sau 4 tháng thu hoạch khoảng 5 tấn ốc hương thương phẩm. Tính bình quân mỗi tấn ốc bán với giá thấp nhất khoảng 100 triệu đồng, anh Gìn thu được 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, vẫn cầm chắc trong tay khoản lợi nhuận trên 300 triệu đồng.
Tuy nghề nuôi ốc hương “một vốn bốn lời”, nhưng dân nuôi ốc ở đảo Phú Quốc cho rằng đây là nghề mạo hiểm. Mạo hiểm không phải do rủi ro trong quá trình nuôi mà vấn đề về thị trường. Bởi vì, thị trường tiêu thụ ốc hương trong nước chủ yếu qua các đầu mối để vào nhà hàng ở các thành phố lớn, khu du lịch. Người nuôi không thể tiêu thụ ốc hương đại trà trên thị trường vì giá quá cao. Nếu thu hoạch đồng loạt, khó mà tiêu thụ được. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu thì đòi hỏi mỗi hợp đồng cung ứng khoảng 10 tấn ốc hương được bảo quản sống đến tay người tiêu dùng. Người nuôi ở Phú Quốc chỉ có thể đáp ứng các đơn hàng này vào thời điểm mùa thu hoạch ốc hương.
Theo nhận định của nhiều người dân trên đảo, ngoài hàm lượng chất dinh dưỡng cao, yếu tố khiến con ốc hương trở nên “sốt” giá trên thị trường là do điều kiện nuôi còn nhỏ lẻ nên sản lượng ít. Dù giá bán lẻ ốc hương có cao nhưng vẫn sẽ có người mua thưởng thức, dù chỉ một lần cho biết. Đây cũng là một lợi thế của con ốc hương trên thị trường nội địa mà người nuôi chúng đang tận dụng như một cơ hội để vươn lên làm giàu.