Nuôi Lợn Nái Móng Cái Hiệu Quả Cho Người Nghèo Cấm Sơn
Những năm vừa qua, huyện Lục Ngạn – Bắc Giang đã làm tốt việc hỗ trợ con giống vật nuôi mới giúp cho hộ nghèo có điều kiện chăn nuôi để tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống. Trong đó, mô hình hỗ trợ đồng bào dân tộc Nùng ở xã Cấm Sơn chăn nuôi lợn nái sinh sản không chỉ giúp người dân vùng cao chủ động được nguồn con giống chăn nuôi, mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo để tiến đến xoá đói giảm nghèo bền vững…
Vào những ngày giữa tháng 6, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình chăn nuôi lợn nái móng cái sinh sản của gia đình thanh niên trẻ Vi Văn Tuân (dân tộc Nùng) ở thôn Chằm Khon, xã Cấm Sơn (Lục Ngạn). Tiếp đón chúng tôi trong căn nhà cấp 4 mới được xây dựng chắc chắn, có tivi, quạt điện… Tuân phấn khởi cho biết: Tháng 2 vừa qua, gia đình em vừa xuất bán lứa lợn 10 con được trên 6 tạ hơi, với giá 28 nghìn đồng/kg, thu về tổng cộng 17 triệu đồng. Toàn bộ số lợn đó đều do con lợn nái móng cái của nhà đẻ ra, không phải mua giống tốn kém như trước…
Thông qua dự án giảm nghèo của Ngân hàng thế giới - WB, đầu năm 2006, gia đình Tuân được hỗ trợ mua 1 con lợn nái móng cái. Sau 5 tháng tập trung chăn nuôi, lợn đã được phối giống để sinh sản. Từ đó đến nay, con lợn nái móng cái nhà Tuân cứ đẻ đều đặn mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa được từ 10 – 15 con lợn con. Hai năm đầu mới chăn nuôi, Tuân bán hết lợn con cho các hộ dân trong xã để lấy tiền chi tiêu. Từ năm 2009 đến nay, lợn mẹ đẻ được bao nhiêu con, Tuân giữ lại lợn con nuôi tất. Hiện trong chuồng lợn nhà em vẫn còn 9 con lợn con mới đẻ được 1 tháng nhưng mỗi con đã nặng khoảng 10 kg. Theo giá thị trường hiện nay, lợn con được giá 70 nghìn đồng/kg, tính ra đàn lợn này cũng trị giá kha khá…
Nhà Tuân nuôi lợn cơ bản tự chủ động được nguồn thức ăn cho chúng, bởi việc em tận dụng nương rẫy trồng sắn cao sản và ngô lai giống mới, còn vườn nhà thì trồng khoai lang nên không tốn kém.
Gần đó, gia đình anh Luân Văn Phương (dân tộc Nùng) cũng đang nuôi một con lợn nái sinh sản. Mặc dù mới chăn nuôi từ cuối năm 2009 đến nay, nhưng con lợn mẹ đã sinh sản được 3 lứa, mỗi lứa từ 13 – 16 con lợn con. Lợn mẹ đẻ được bao nhiêu con, anh Phương cũng giữ lại để nuôi hết. Vừa qua, gia đình anh Phương cũng xuất bán được lứa lợn thịt 11 con với giá 50 nghìn đồng/kg được hơn 26 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Tuyến, cán bộ khuyến nông phụ trách mảng chăn nuôi xã Cấm Sơn cho biết, từ năm 2005 đến nay, thông qua các chương trình dự án như: Dự án giảm nghèo WB, Chương trình 135 của Chính Phủ, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và Đề án hỗ trợ 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo lớn hơn 50% của huyện Lục Ngạn, đồng bào dân tộc Nùng ở xã vùng cao Cấm Sơn đã được hỗ trợ mua tổng cộng 443 con lợn nái móng cái và 4 con lợn đực giống lai F1 (Landrat) về chăn nuôi ở tất cả 6 thôn bản trong xã. Giống lợn nái móng cái có đặc điểm là khả năng sinh sản tốt, chịu được điều kiện sống kham khổ, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của người dân vùng cao. Với số lượng lợn nái móng cái này, xã Cấm Sơn hiện nay đã tự chủ động được khoảng 50% số lợn con giống để chăn nuôi ở địa phương.
Như vậy, qua thực tế đến thăm các mô hình chăn nuôi nái sinh sản của nông dân ở Cấm Sơn cho thấy, đây là con giống phù hợp với điều kiện chăn nuôi của người dân vùng cao, có thể cho hiệu quả kinh tế cao, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có việc làm, nâng cao thu nhập để giảm nghèo bền vững
Related news
Hội chợ triển lãm quốc tế thủy sản việt nam (vietfish) là hội chợ chuyên ngành thủy sản nổi tiếng trên thế giới và lớn nhất tại việt nam, do hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (vasep) tổ chức thường niên. Hằng năm, hội chợ thu hút hơn 200 đơn vị triển lãm trong, ngoài nước tham gia và gần 30.000 lượt khách tham quan.
Ngân hàng Yes Bank (YB) của Ấn Độ vừa công bố dự báo mang tên Ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi Ấn Độ, hiện tại và triển vọng.
Với chi phí đầu tư xây dựng hiện tại một trang trại lợn mới xây dựng ở Nga sẽ có lợi nhuận trên đầu tư đạt mức 25% mỗi năm.
Một kg bông, thân, rễ atisô khô được bán tại chợ TP Đà Lạt (Lâm Đồng) có giá cả trăm nghìn đồng nhưng có lúc cháy hàng.
Hiện nay, các chủ vườn tại Hưng Yên băn khoăn rằng, nhãn vụ này khó chớp được cơ hội đến tay người tiêu dùng tại Mỹ.