Nuôi heo trong vườn bưởi thu 1 tỷ đồng/năm tại Lâm Đồng
Trồng bưởi da xanh, kết hợp nuôi heo đen trong vườn, thu 1 tỷ đồng/năm.
Vườn bưởi da xanh thu 1 tỷ đồng/năm của anh Hoàng
Đó là mô hình phát triển kinh tế hộ xuất sắc của anh Lê Văn Hoàng, xã Ðinh Trang Thượng, huyện Di Linh, đem lại lợi nhuận cao.
Nói về thu nhập từ vườn trái cây và đàn heo đen, mỗi năm hơn 1 tỷ đồng, anh Lê Văn Hoàng tâm sự, năm 1998, rời quê hương Quảng Nam vào đây lập nghiệp.
Tích góp mua được 6 ha đất trồng cà phê, nhưng sau vài năm, thời “hoàng kim” cà phê không còn. Tôi đã tìm tòi, thử nghiệm trồng xen bơ, sầu riêng, vú sữa, 100 cây bưởi da xanh trên 3 sào đất vườn.
Sau hơn 3 năm chăm sóc, thấy bưởi đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, tôi phá cà phê, trồng bưởi, từ 100 cây giống, tôi đã nhân được 1.200 cây/ 4 ha.
Hiện, anh đã nắm vững kỹ thuật chăm sóc bưởi, đặc biệt, anh có thể “điều khiển” vườn bưởi ra trái quanh năm, do vậy mùa nào cũng có trái bán.
Giá bán trung bình 35.000 đồng/kg kg tại vườn, với diện tích trên, trong vòng 3 năm tới, bình quân một cây bưởi thu 1 tạ thì 1.200 cây thu về hơn 3 tỷ đồng.
Hiện, với 300 cây bưởi đang cho thu hoạch, mỗi năm gia đình anh bỏ túi 800 triệu đồng. Ngoài ra, bơ, sầu riêng, cà phê cũng cho thu nhập hơn 600 triệu đồng.
Đặc biệt, việc sử dụng phân bón là trăn trở của gia đình anh. Vì vậy, anh quyết định nuôi heo rừng lai thả vườn, dưới tán bưởi, vừa lấy phân bón vừa tăng thu nhập.
Theo Hoàng, việc nuôi heo rừng lai an toàn thực phẩm, có nhiều điểm tương đồng với chăn thả truyền thống, heo đen được thả tự do trong không gian rộng rãi. Vì vậy, ngoài thức ăn chính như bắp, chuối, cám bắp, gạo, heo tự kiếm thêm thức ăn để bổ sung dinh dưỡng.
Với 50 con heo rừng lai, lợi nhuận thu về hàng năm là 150 triệu đồng.
Hiện, Hoàng đang làm Tổ trưởng Tổ hợp tác trái cây VietGAP xã Đinh Trang Thượng, với 6 thành viên. “Tôi không ngại chia sẻ nguồn giống chất lượng, kinh nghiệm sản xuất để mọi người phát triển. Càng nhiều người trồng, sản lượng nhiều, sẽ có thị trường lớn hơn”, anh Hoàng tâm sự.
Ông Đặng Văn Khá - Phó Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh cho biết: “Mô hình trồng bưởi, nuôi heo rừng lai của anh Hoàng, cho hiệu quả kinh tế rất cao. Nhiều nông dân trong xã, huyện tới tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm.
Từ đó, mở rộng vùng sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu cho cây ăn quả địa phương. Thời gian tới, huyện khuyến khích anh Hoàng thành lập HTX trái cây theo hướng tập trung, bền vững”
Gia Lai: Những vườn cà phê 4C cho hiệu quả cao
Sau 9 năm tham gia tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, với Công ty Nestle, bà con xã Trà Đa (TP. Pleiku) đã thay đổi tập quán canh tác, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.
Vườn cà phê ông Ích đạt 4 – 6 tấn/ha
Ông Nguyễn Tiến Dũng-Bí thư Đảng ủy xã Trà Đa, kiêm Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, xã Trà Đa-cho biết: Sau khi tham gia tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê bền vững, ông nhận thấy, phải thay đổi tập quán canh tác, sản xuất theo chuỗi để đảm bảo chất lượng.
Vì vậy, ông vận động thánh lập tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C. Hiện, sau 9 năm liên kết với Công ty Nestle, đã có 76 hộ tham gia, diện tích hơn 112 ha (chiếm gần 50% diện tích cà phê toàn xã).
Ông Nguyễn Công Ích, cho biết, ông có 3,3 ha cà phê trồng cách đây 25 năm. Nhờ áp dụng khoa học vào sản xuất, năng suất cà phê bình quân đạt 4-5 tấn/ha, cao hơn 20-30% so canh tác cũ.
“Trước kia, sản xuất theo kinh nghiệm, cứ thấy kiến, rệp là xịt thuốc toàn bộ lô cà phê. Việc bón phân, tưới không đúng quy trình kỹ thuật, dùng thuốc BVTV tràn lan, vừa tốn công, tiền lại xấu đến sức khỏe, môi trường.
Từ khi được tập huấn, gần chục năm nay, vườn cà phê của tôi gần như không phải dùng thuốc BVTV, cây vẫn tốt, năng suất cao”-ông Ích chia sẻ.
Tham gia hợp tác, tất cả thành viên đều phải tuân thủ nghiêm ngặt bộ tiêu chuẩn 4C, từ quy trình trồng, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch. Nhờ đó, cà phê đạt chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, cho biết: “Hàng năm, Công ty Nestle đều tổ chức 2-4 lớp tập huấn cho tổ hợp tác về kỹ thuật cắt cành, làm chồi, vệ sinh vườn, quy trình tưới nước, bón phân, thu hoạch, bảo quản… Người dân có sổ nhật ký nông hộ do Công ty Nestle cấp để ghi chép quá trình sản xuất”.
Trước đây, người dân quen thu hái khi tỷ lệ chín chưa đạt, nên năng suất, chất lượng thấp. Khoảng 1.200 quả cà phê xanh, mới đạt trọng lượng 1 kg, trong khi 1.000 quả cà phê chín đã đạt 1 kg.
Nay nhờ áp dụng đúng quy trình thu hái, nên năng suất cao hơn trước 20%, chất lượng cà phê nhân cao hơn, đạt yêu cầu thị trường.
Hiện, xã tiếp tục vận động nông dân liên kết sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập”.
Hơ Moong đối mặt với hạn hán
Hơn 20ha cà phê thiếu nước tưới, khoảng 1,2ha lúa khô cháy, hơn 70 giếng nước cạn kiệt… là thực trạng hạn hán tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, Kon Tum.
Nắng nóng kéo dài, nguồn nước bị cạn kiệt. Nhiều diện tích cây trồng đang đối mặt với tình trạng thiếu nước, đã có hơn 20ha cà phê bị hạn, 1,2ha lúa mất trắng.
Ông Mai Nhữ Nam – Chủ tịch UBND xã Hơ Moong cho biết: Đã mấy tháng nay, chưa có một trận mưa nào. Nguồn nước tưới đã cạn kiệt, hạn hán rất gay gắt.
Khả năng sẽ có 5 - 7ha lúa bị khô hạn, 15 – 25ha cây ăn quả và cà phê thiếu nước tưới. Hiện, Hơ Moong đã và đang triển khai nhiều giải pháp chống hạn.
Cử cán bộ thường xuyên khảo sát, nắm bắt cụ thể tình hình hạn hán, vận động nhân dân nạo vét, khơi thông dòng chảy, tiết kiệm tối đa nguồn nước tưới.
Riêng với cây cà phê - cây trồng chủ lực của người dân, vận động bà con thương lượng nhau tưới luân phiên, kể cả phải tưới đêm.
Đồng thời, mượn tạm nguồn kinh phí gần 17 triệu đồng, để hỗ trợ gia đình đặc biệt khó khăn như: có người gặp tai nạn, rủi ro; người neo đơn hoặc hộ quá nghèo để mua dầu, sửa máy bơm.
Mức hỗ trợ 300 - 500.000 đồng/ hộ từ 1ha cây trồng trở lên, 200 - 300.000 đồng/ hộ dưới 1ha.
Ngoài nước tưới, nước sinh hoạt đến hết tháng 3, toàn xã có hơn 70 giếng cạn kiệt; 70% số dân bị thiếu nước
Đắk Lắk: Tạo chuỗi thức ăn trong chăn nuôi từ ruồi lính đen
Hiện, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng phương pháp nuôi ruồi lính đen, để tạo nguồn thức ăn và xử lý chất thải trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường.
Mô hình ruồi lính đen của anh Hiếu
Tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ sinh học, Phạm Trung Hiếu, xã Ea Riêng, huyện M'Đrắk, chọn về nhà khởi nghiệp bằng chăn nuôi.
Khi nuôi lươn thương phẩm, Hiếu nghĩ phải tìm thức ăn tươi bổ sung, tăng đề kháng. Mày mò nuôi trùn quế nhưng thất bại, do không duy trì đủ nguồn thức ăn, Hiếu tìm đến phương pháp nuôi ruồi lính đen, để lấy ấu trùng (còn gọi là sâu canxi).
Năm 2018, Hiếu đặt mua đợt trứng ruồi lính đen đầu tiên ở Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) để nuôi thử nghiệm và nhân giống. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, ấu trùng chết nhiều, phải mua lần 2 tại Bình Định.
Sau 4 tháng vừa nhân giống, vừa tích lũy kinh nghiệm, Hiếu đã có 6m2 nuôi ấu trùng, 3m2 nuôi ruồi sinh sản. Không chỉ cung cấp cho lươn, gà, cá trê, anh còn cung cấp ấu trùng ruồi lính đen, cho một số cơ sở nuôi gà chọi, gà cảnh, gà thịt trong vùng và trứng ruồi cho các địa phương trong tỉnh.
Nuôi ruồi lính đen không tốn nhiều công sức, có thể kết hợp nuôi heo, gà, chim cút... để lấy phân thải của vật nuôi làm thức ăn cho ấu trùng ruồi.
Hiện, anh đang sử dụng cặn làm bún, rau củ quả hư hỏng cùng phân gà, bã đậu nên tiết kiệm chi phí. Ấu trùng ruồi lính đen sinh trưởng nhanh, 1 m2 cho 7 – 8 kg ấu trùng, trong vòng nửa tháng, gấp 4 lần so nuôi trùn quế.
Trên thực tế, ruồi lính đen đã được ứng dụng tại nhiều địa phương trên cả nước. Về bản chất, ruồi lính đen thường gặp trong tự nhiên. Khi trưởng thành, chỉ sinh sản, không gây hại cho sinh vật khác.
Trong vòng đời, ruồi lính đen cần thức ăn giai đoạn ấu trùng ( khoảng 15 ngày). Ấu trùng rất phàm ăn, có thể ăn hầu hết chất thải hữu cơ, phụ phẩm chăn nuôi, làm giảm 90% rác thải, không phát sinh nước thải, mùi hôi, giảm thiểu các loại mầm bệnh. Nhờ vậy, ruồi lính đen đang được nhiều quốc gia sử dụng để xử lý rác thải hữu cơ.
Việc kết hợp nuôi ruồi lính đen trong chăn nuôi, đã tạo chuỗi thức ăn khép kín, có ý nghĩa trong việc ứng dụng các sinh vật tự nhiên vào chăn nuôi an toàn sinh học. Gà, vịt, heo... ăn ấu trùng ruồi lính đen, sau đó, phân của chúng lại trở thành thức ăn cho ấu trùng ruồi.
Nếu ứng dụng rộng rãi, nông dân vừa tiết kiệm chi phí thức ăn cho vật nuôi, vừa xử lý ô nhiễm môi trường do phân thải gia súc, gia cầm, thậm chí cả rác sinh hoạt hằng ngày.
Related news
Mô hình trồng xen canh bơ Hass, Pinkerton của gia đình ông Xuất cho thu thập cao gấp nhiều lần so với trồng thuần cà phê
Làm tăng thêm giá trị của loại cây trồng truyền thống này bằng một sản phẩm độc đáo và mới lạ: trà Cascara làm từ vỏ quả cà phê.
Ðặc biệt là giống xoài Ðài Loan, xoài Tây… to, mọng đang trở thành lựa chọn mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nhiều nông hộ.