Hiệu quả từ những mô hình xen canh
Nhằm tăng giá trị kinh tế trong sản xuất cây cà phê, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi hình thức canh tác, đa dạng hóa cây trồng. Trong đó, phương thức trồng xen canh được nhiều nông dân áp dụng thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng xen canh bơ Hass, Pinkerton của gia đình ông Xuất cho thu thập cao gấp nhiều lần so với trồng thuần cà phê
Cây trồng phụ, thu nhập chính
Bên cạnh việc tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật và sử dụng các giống mới chất lượng nhằm nâng cao năng suất, nông dân tại các vùng chuyên canh cà phê trong tỉnh đã và đang tiến hành tái canh và ghép cải tạo số diện tích cà phê già cỗi. Cùng với đó thì câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích trong bối cảnh giá cà phê đang xuống thấp như hiện nay luôn là mối trăn trở với hàng ngàn hộ nông dân. Và, lời giải xen canh được nông dân lựa chọn bởi ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế cao còn mang lại lợi ích môi trường bền vững.
Chúng tôi đến thăm mô hình xen canh cà phê của gia đình ông Trần Văn Xuất (Tổ dân phố Chi Lăng 3, thị trấn Nam Ban) trong tiếng nói cười rộn rã, mỗi người mỗi việc, từ dọn cỏ, cắt tỉa cành tạo tán cà phê, sầu riêng, thu hoạch bơ… Ông bảo không vui sao được khi gia đình lại sắp có thêm một mùa bội thu các loại cây ăn trái trồng xen canh trong vườn cà phê đang có giá khá cao.
Trên diện tích 3 ha cà phê đã tiến hành tái canh, ghép cải tạo, ông Xuất trồng xen 600 gốc bơ Hass, Pinkerton, Booth và 300 cây sầu riêng. Niên vụ năm 2018, do cây bơ, sầu riêng còn nhỏ, mới bước đầu cho thu bói, nên gia đình ông chỉ thu được 200 - 300 triệu đồng, cùng với năng suất cà phê ổn định ở mức 4 tấn/ha. Đặc biệt, nhờ áp dụng canh tác cà phê theo quy trình sản xuất sạch cùng với chất lượng cà phê được nâng cao (tăng độ đường nhờ có cây ăn trái che bóng) nên sản phẩm cà phê nhân của gia đình ông luôn được đối tác trả thêm từ 10.000 - 12.000 đ/kg so với giá thị trường. Năm nay, với 600 cây bơ bước vào giai đoạn kinh doanh, ông Xuất dự kiến thu về khoảng 30 tấn trái, nếu bán với giá 50.000 đồng/kg thì thu về trên 1,5 tỷ đồng.
Không chỉ riêng gia đình ông Xuất mà hiện nay mô hình trồng xen canh bơ, sầu riêng trong vườn cà phê cũng đang được rất nhiều hộ dân tại thị trấn Nam Ban thực hiện. “Năng suất cà phê được cải thiện mà chất lượng cũng được nâng lên trong khi công chăm sóc lại được tiết kiệm, nhất là việc tưới nước trong mùa khô. Mặc dù chỉ là cây che bóng nhưng trong tương lai bơ, sầu riêng sẽ lại là cây cho thu nhập chính nên gia đình đang ra sức chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ để đảm bảo yếu tố hài hòa, bền vững cho tất cả các loại cây trồng không bị chết và cho nhiều quả”, ông Xuất cho biết thêm.
Hướng phát triển kinh tế bền vững
Tại huyện Di Linh, mô hình trồng xen cây ăn trái cũng đang được rất nhiều hộ nông dân thực hiện, chủ yếu là giống bơ 034. Ông Đặng Văn Khá, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh cho biết: Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện hiện có gần 2.100 ha bơ trồng thuần lẫn xen canh cà phê với sản lượng hiện khoảng 15.000 tấn/năm. Con số này ở sầu riêng là 2.082 ha, sản lượng ước đạt 11.000 tấn.
Theo ông Khá, trong bối cảnh cây cà phê đang giảm giá mạnh, hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân thấp thì giải pháp trồng xen canh nhiều loại cây trồng, trong đó tập trung vào cây ăn quả như bơ, sầu riêng không chỉ giúp người nông dân vượt qua thời kỳ khó khăn mà còn dễ dàng “bỏ túi” từ vài trăm đến cả tỷ đồng lợi nhuận/ha.
Thực tế sản xuất cho thấy, cà phê là cây ưa bóng và cần chắn gió, chính vì vậy khi người Pháp thành lập các đồn điền cà phê tại Tây Nguyên họ bao giờ cũng trồng cây che gió, che bóng. Còn bây giờ trên Tây Nguyên bạt ngàn những rẫy cà phê, nhưng việc trồng cây che bóng, che gió cho cà phê chưa được người dân quan tâm, đã đẩy những rẫy cà phê nhanh chóng bị suy kiệt, tốn nước tưới trong mùa khô.
“Việc đưa cây bơ, sầu riêng vào trồng xen bên cạnh bài toán kinh tế thì yếu tố bền vững từ môi trường cũng sẽ được giải quyết và hướng tới đa canh trên địa bàn huyện cũng đã có lời giải”, ông Khá cho hay.
Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, diện tích trồng xen cây ăn quả trên diện tích cà phê toàn tỉnh đạt 15.425 ha. Trong đó, diện tích trồng xen cây sầu riêng đạt 6.499 ha, cây bơ có diện tích 4.232 ha, cây hồng ăn quả 1.614 ha, chuối 940 ha, mít 802 ha, măng cụt 564 ha, chôm chôm 554 ha và các loại cây ăn quả khác 230 ha.
Theo đánh giá của ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, việc trồng xen cây lâu năm trong vườn cà phê ở tỉnh hiện nay đều có chức năng là lấy quả, thêm thu nhập, sau đó mới đến chức năng che bóng và chắn gió.
Với hiệu quả kinh tế gấp từ 2 - 3 lần so với cà phê trồng thuần trên cùng đơn vị diện tích, sản xuất cà phê xen cây ăn trái là hướng đi mang tính bền vững, phù hợp để khuyến cáo bà con nông dân phát triển sản xuất. Tuy nhiên, việc khuyến cáo trồng xen mô hình này tùy thuộc vào điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu từng nơi, tránh phát triển diện tích cây ăn trái ồ ạt, phá vỡ quy hoạch.
Related news
Đó là giống Vịt biển 15 được nuôi tại hộ anh Trương Văn Thơm, thôn Thượng Hòa, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Theo số liệu thống kê của Hội Nuôi ong Việt Nam, nước ta có hơn 1,5 triệu đàn ong, gồm các giống ong Ý và ong nội, trong đó ong nội là 350.000 đàn
Với 500 cây bưởi da xanh, hàng năm mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình hộ nông dân Trần Văn Yên (Thôn Trung Hậu, xã Ninh Loan - Đức Trọng)