Nuôi Ếch Cần Một Giải Pháp Phát Triển Bền Vững
Những năm gần đây, nhờ phát triển mô hình nuôi ếch kết hợp thả cá nên nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) từng bước cải thiện kinh tế, ổn định thu nhập gia đình. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn khá mới, người dân tự phát mở rộng diện tích thả nuôi, nên trong quá trình sản xuất còn gặp khó khăn và rủi ro cao.
Theo đánh giá của bà con trong nghề, nuôi ếch cho thu nhập kinh tế cao. Hơn thế, đây là loài vật nuôi dễ chăm sóc, thị trường tiêu thụ rộng, thả nuôi không tốn nhiều diện tích nên nhiều nông dân ở huyện Tháp Mười dần dần chuyển đổi diện tích từ trồng lúa sang nuôi ếch. Theo thống kê của Trạm Thủy sản huyện Tháp Mười, hiện tại cả huyện có trên 300 hộ chăn nuôi ếch. Tập trung chủ yếu ở các xã Mỹ An, Đốc Binh Kiều, Thanh Mỹ... nhiều khả năng diện tích thả nuôi sẽ tăng đột biến trong thời gian tới.
Thời gian gần đây, ngoài việc chăn nuôi ếch trong vèo nhiều bà con ở huyện Tháp Mười còn kết hợp thêm thả cá dưới ao. Các loại cá được thả chủ yếu là cá trê lai, cá tra, cá sặc rằn. Bước đầu nhận thấy, mô hình chăn nuôi kết hợp này mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi người chăn nuôi không những tiết kiệm được công chăm sóc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tận dụng được nguồn phụ phẩm trong nuôi ếch để làm thức ăn cho cá. Theo tính toán của người nuôi, bình quân sau 3 - 4 lần thu hoạch ếch sẽ thu hoạch cá một lần.
Ông Lý Văn Kế ngụ xã Mỹ An, huyện Tháp Mười chia sẻ: “Hai năm nay, nhờ áp dụng mô hình chăn nuôi kết hợp này nên dù vào những thời điểm giá ếch rớt thê thảm nhưng có cá bù lại nên 2.500m2 nuôi ếch của tôi vẫn có lãi. Năm vừa rồi sau khi thu hoạch, trừ các khoản chi phí, gia đình tôi lãi trên 100 triệu đồng. Tôi nhận thấy đây là hướng kết hợp mới mà người chăn nuôi ếch cần tham khảo để giúp bà con tránh được tình trạng thua lỗ do giá ếch bấp bênh”.
Nghề nuôi ếch mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông hộ nhưng cũng có không ít hộ nuôi ếch phải ngừng sản xuất do thua lỗ. Hiện tại, giá ếch thịt thương lái thu mua tại huyện Tháp Mười dao động từ 32 -35 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, nếu trừ các khoản chi phí sản xuất người chăn nuôi sẽ không có lãi bao nhiêu. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, do không có vốn nên nhiều nông hộ phải xoay sở bằng cách vay “nóng”, hoặc nhờ các đại lý đầu tư bao tiêu thức ăn.
Chính những điểm này làm cho người nuôi ếch găp nhiều bất lợi khi ếch rớt giá. Không những thế, do không quan tâm đến khâu liên kết tiêu thụ, ổn định đầu ra mà người nuôi cho sản xuất ồ ạt làm nguồn cung vượt cầu. Thêm vào đó là tình trạng thương lái thừa cơ hội ép giá nên không ít bà con phải treo ao vì không còn vốn để sản xuất.
Là một trong những địa phương tập trung diện tích nuôi ếch nhiều nhất của huyện, xã Mỹ An có những định hướng phát triển cho nghề nuôi ếch ở địa phương trong thời gian tới. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Mỹ An cho biết: Những năm gần đây, phong trào nuôi ếch phát triển mạnh ở xã Mỹ An. Tuy nhiên, đây là mô hình tự phát của người dân và UBND xã cũng không khuyến khích mở rộng sản xuất, bởi hiện tại nguồn ếch thịt vẫn chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, hơn nữa nếu phát triển diện tích nuôi ếch lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh.
Trong năm 2014, xã dự kiến sẽ thành lập các tổ hợp tác để định hướng người nuôi sản xuất ổn định. Bên cạnh đó, nhiệm vụ chính của các tổ hợp tác này là sẽ liên kết tiêu thụ với các đầu mối lớn cũng như hợp tác với các công ty thức ăn để người chăn nuôi có thể lấy thức ăn giá gốc, giảm thiểu được chi phí sản xuất.
Bà Võ Thị Hồng - Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tháp Mười cho biết: “Phong trào nuôi ếch trên địa bàn huyện phát triển tự phát, manh mún, nhỏ lẻ nên rất khó quản lý, nhất là quản lý chất lượng ếch giống. Các hộ thường nuôi theo phong trào, chưa nắm rõ kỹ thuật nuôi, thiếu nguồn ếch bố mẹ có chất lượng nên trong quá trình nuôi gặp nhiều khó khăn. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa, chưa thật sự ổn định, giá cả biến động thất thường làm tăng rủi ro cho các hộ nuôi. Ngoài ra, các nghiên cứu chuyên sâu về các loại bệnh trên ếch nuôi cũng như các loại thuốc đặc trị riêng cho ếch chưa nhiều cũng khiến nghề nuôi ếch gặp khó”.
Related news
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ký ban hành văn bản về việc xuất dự trữ quốc gia hạt giống cây trồng để hỗ trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai năm 2015 và đảm bảo công tác giống cây trồng phục vụ sản xuất cho các địa phương.
Sáng nay (24/11), tại Hà Nội, Câu lạc bộ Phóng viên Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay tổ chức buổi Tọa đàm về nông dân và kinh tế hợp tác.
Chi phí để làm rau VietGap cao, trong khi giá bán không tăng; người tiêu dùng chưa phân biệt được rau VietGap, rau an toàn với các loại rau khác khiến cho việc mở rộng diện tích rau đạt tiêu chuẩn chất lượng trên cả nước gặp nhiều khó khăn.
Ngày 24/11, Ngân hàng HSBC tại Việt Nam công bố báo cáo “Những làn gió thương mại”, trong đó nhận định Việt Nam sẽ trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2050.
Ba năm trở lại đây, chính quyền xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên) đã đưa mô hình trồng rau sạch giúp người dân xóa đói giảm nghèo, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ từ 200.000-300.000 đồng/ngày.