Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Dông Cát

Nuôi Dông Cát
Publish date: Wednesday. June 27th, 2012

Gần một năm nay, dựa vào cái nắng khá gay gắt ở vùng đất Tây Ninh này, anh Trần Văn Quân (34 tuổi, ngụ ấp 1, xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) đã cải thiện được kinh tế gia đình bằng nghề nuôi dông - một loài bò sát chỉ có ở các tỉnh miền Trung đầy cát và nắng gió.

Quê ở Hà Tây (cũ), anh Quân theo gia đình vào Tây Ninh lập nghiệp hơn mười năm nay. Những năm trước, anh Quân là nhân viên khách sạn ở thành phố Hồ Chí Minh. Một lần cùng bạn bè ra Bình Thuận chơi, Quân thấy ở đó có nhiều người nuôi con dông cát, kinh tế có phần khá giả. Nhớ đến nắng ở Tây Ninh cũng gay gắt chẳng khác gì nắng ở Bình Thuận, Quân liền nghĩ đến chuyện thử nuôi dông.

Sau khi nghiên cứu kỹ cách làm chuồng, thức ăn, đặc tính, khả năng tiêu thụ trên thị trường, Quân trở về Tây Ninh đầu tư kinh phí vào nghề nuôi dông. Anh mua gần 120 m3 cát đổ vào phần đất vườn rộng 800 m2 trước sân nhà tạo thành ba ngọn đồi nhỏ, bên trong trồng một vài cây trứng cá để tạo bóng mát, đồng thời tạo thêm thức ăn tự nhiên (vì dông rất khoái ăn loại trái này). Sau đó anh mua tole, xi măng xây chuồng và bắt đầu mua 100 kg dông giống về nuôi.

Quân dẫn chúng tôi ra nơi nuôi dông và chỉ cho xem: Trên những đồi cát có đến mấy chục hang chi chít trên sườn đồi, nhỏ bằng nắm tay. Đứng im quan sát, thỉnh thoảng, chúng tôi thấy từ những miệng hang ấy nhô ra một vài chú dông. Chúng nằm im trước miệng hang, ngóc đầu quan sát xung quanh thật kỹ. Nếu không có động tĩnh gì thì chúng bò ra ngoài tìm thức ăn. Trên các sườn đồi, Quân cho nhiều rau muống, giá sống, bí đỏ bào nhuyễn, chuối, đu đủ… để các chú dông tha hồ nhấm nháp. Tuy nhiên, chỉ cần có một tiếng động nhỏ là lập tức chúng nhanh nhẹn chạy vào hang ẩn nấp.

Quân kể: “Trước khi thả chúng vào nuôi, tôi đã lấy cây tầm vông xăm vào cát để làm hang cho chúng. Những ngày đầu chưa quen chuồng, chúng còn chạy lung tung. Sau đó, chúng đào hang sâu thêm vào ở cố định và bắt đầu sinh sản. Bây giờ, cho dù có đi tìm thức ăn khắp nơi, chúng vẫn về đúng “nhà” của mình”.

Theo lời anh Quân, nuôi dông cần độ ẩm, nên vào mùa khô phải tưới nước lên cát để tạo độ ẩm cho chúng, nhưng tuyệt đối không làm nước ứ đọng lại trong hang của chúng. Vì vậy, khi làm chuồng phài chú ý làm nền có độ dốc để thoát nước. Trong mỗi hang, chúng đều đào nhiều ngách nên rất khó đào hang để bắt. Muốn thu hoạch dông, phải đặt bẫy lưới, rồi rải thức ăn để dụ chúng vào.

Trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến đầu năm sau, dông “ngủ đông”, không ra khỏi hang. Dông sinh sản từ tháng 4 đến tháng 6 hằng năm. Thịt dông được chế biến nhiều món ăn rất ngon như: nướng y, chiên giòn, bằm xào lăn xúc bánh đa, nấu cháo, nấu cà ri…

Sau gần một năm chăn nuôi loài bò sát này, anh Quân nhận thấy nuôi dông ở Tây Ninh phát triển còn tốt hơn ở Bình Thuận. Lý do là ở Tây Ninh có nguồn thức ăn phong phú hơn các tỉnh miền Trung. Ngoài những thức ăn do người nuôi đem vào, còn có thể trồng một số loại rau, hoa màu bên trong hàng rào để tạo thức ăn tươi sống cho dông. “Điều này ở các tỉnh trung du không có được. Ở ngoài đó toàn là cát, mà trên cát chỉ có cây xương rồng sống được, nên con dông ngoài đó không có nhiều thức ăn như ở đây”, anh Quân nhận xét.

Dông có nhiều giống khác nhau. Hiện anh Quân đang nuôi giống dông lửa (hay còn gọi là dông thềm) - một loài dông có thể hình lớn nhất. Quân cho biết: “Sau gần một năm nuôi dưỡng, tôi đã thu hoạch được một số con có trọng lượng đến 700 gr/con. Giống dông lửa này nếu nuôi đúng mức, một số con vượt trội có thể nặng đến 800 - 900 gr/con. Tuy nhiên, dông được thị trường ưa chuộng nhất là cỡ 350 gr/con. Giá bán hiện nay khoảng 680.000 đồng/kg”.

Món ngon từ dông

Đến nay đàn dông của anh Quân ước đã lên đến 1.500 con. Anh đã bán giống cho hai trang trại ở tỉnh Bình Dương và bán thịt cho nhiều người, bước đầu thu hồi vốn. Hiện tại, một số bà con trong xóm đã đặt mua dông giống ở trang trại của anh về nuôi, nhưng anh chưa vội bán. “Số lượng dông đang có so với diện tích hiện nay còn rất thưa, nên tôi muốn để cho chúng sinh sản thêm”, anh Quân chia sẻ. Hiện anh còn dự định mở thêm một chuồng dông khác, chỉ chờ đến mùa dông sinh sản là tách ra thêm thành một chuồng mới.

Chị Nguyễn Thị Tú Trinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bến Củi cho biết: “Anh Quân là người đầu tiên nuôi dông ở xã này. Qua thực tế cho thấy, loài động vật này phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Tây Ninh và có thể nhân rộng mô hình này để làm kinh tế gia đình”.

Related news

Nông sản thời hội nhập làm gì khi nước tới chân Nông sản thời hội nhập làm gì khi nước tới chân

Lạ quá, Việt Nam bắt đầu nhập khẩu nông sản! Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2015, một đất nước nổi tiếng nhiều cây trái nhiệt đới đã nhập khẩu 360 triệu USD trái cây từ 13 quốc gia, trong đó chủ yếu là Thái Lan và Trung Quốc.

Tuesday. October 13th, 2015
Giá cao su Tocom tiếp tục giảm nhẹ Giá cao su Tocom tiếp tục giảm nhẹ

Giá cao su tại Tokyo giảm do yên tăng giá so với USD sau quyết sách tháng 10 của Ngân hàng trung ương Nhật Bản.

Tuesday. October 13th, 2015
Thị trường nông sản tiếp tục dò đáy Thị trường nông sản tiếp tục dò đáy

Theo ngân hàng Macquarie, thị trường nông sản vẫn tiếp tục suy giảm, cụ thể triển vọng giá phân bón, cao su và đỗ tương đều thấp.

Tuesday. October 13th, 2015
Vụ kiện thịt gà Mỹ của Việt Nam mặt trái của TPP Vụ kiện thịt gà Mỹ của Việt Nam mặt trái của TPP

Chuyên gia nghiên cứu Mỹ nhận định vụ kiện bán phá giá thịt gà Mỹ, mà Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết sẽ tiến hành vào tháng tới, chứng minh tác động của sự tranh gay gắt trong thương mại toàn cầu khi Việt Nam gia nhập ‘sân chơi’ TPP.

Tuesday. October 13th, 2015
Những quan điểm khác nhau về thực phẩm biến đổi gene Những quan điểm khác nhau về thực phẩm biến đổi gene

GMO và GMF (thực phẩm biến đổi gene) là viết tắt của cụm từ Genetically Modified Organisms và Genetically Modified Foods.

Tuesday. October 13th, 2015