Nuôi Cua Đồng Thu Nhập Cao

Ông Trần Văn Hách ở thôn 11, xã Hương Lạc (Lạng Giang) là người mạnh dạn đưa cua đồng về nuôi, mang lại thu nhập cao.
Năm nay, ông Hách đã 60 tuổi nhưng khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Ba năm trước, ngoài làm ruộng, gia đình ông còn chăn nuôi lợn nhưng thu nhập không ổn định. Đi thăm quan nhiều mô hình kinh tế trang trại ở một số tỉnh để tìm hướng làm giàu, ông thấy trang trại nuôi cua đồng của một hộ dân ở tỉnh Thái Nguyên là cách làm giàu mới và phù hợp với điều kiện của gia đình mình. Nghĩ là làm, ông nhiều lần khăn gói đến trang trại này để học hỏi kinh nghiệm nuôi cua.
Năm 2008, trên diện tích hơn 1 sào ruộng trũng cấy lúa một vụ không ăn chắc ngay cạnh nhà, ông đầu tư 10 triệu đồng cải tạo thành ao nuôi cua. Năm đầu, gia đình ông thả 40 kg cua giống nhưng do ảnh hưởng bởi bão lụt, cua bị chết nhiều, thu nhập không cao. Cuối năm 2009, ông vừa bắt cua ngoài đồng vừa mua 70 kg cua giống ở chợ về thả. Để nước ao mát về mùa hè, ấm áp mùa đông, ông còn thả bèo, trên bờ trồng rau, cỏ tận dụng làm thức ăn cho cua. Sau gần 7 tháng nuôi thả, đến nay, gia đình ông đã đánh tỉa cua để bán với sản lượng gần 1,2 tạ.
Với giá bán 80-100 nghìn đồng/kg cua, trừ chi phí gia đình ông ước thu lãi hơn 10 triệu đồng. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, trên diện tích này, gia đình ông thu thêm 4 tạ cua, ước thu 30 triệu đồng. Hiện nay, thị trường tiêu thụ cua thật thuận lợi, thu hoạch đến đâu, thương lái vào tận ao thu mua đến đó. Ông Hách cho biết: "Nuôi cua không khó, chi phí thấp, chỉ cần đầu tư cho con giống một lần. Thức ăn chính của cua chủ yếu là cơm, bột ngô, cám, ngoài ra có thể cho ăn thêm các loại rau cỏ thái nhỏ, ốc bươu vàng… Mỗi ngày cho cua ăn 1-2 lần, bảo đảm khẩu phần ăn buổi sáng 20-40%, chiều 60-80% lượng thức ăn để hạn chế chúng ăn thịt lẫn nhau, nhất là cua mới lột vỏ. Ngoài ra, để hạn chế dịch bệnh, định kỳ 10-15 ngày thay 1/3 lượng nước ao một lần và rắc vôi bột khử trùng"
Related news

Cây ăn trái được xác định là một trong những mặt hàng nông sản thế mạnh của vùng ĐBSCL, tuy nhiên việc phát triển vườn cây ăn trái chưa được như mong muốn bởi giá cả lên xuống thất thường, đầu ra thiếu ổn định. Xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái quy mô lớn, chất lượng cao để phục vụ tiêu thụ nội địa và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đang là vấn đề cấp bách đặt ra.

Ngày 8-7-2015, UBND tỉnh Bến Tre ban hành Chỉ thị số 01 về việc nghiêm cấm nhân, nuôi, phát tán đuông dừa trên địa bàn tỉnh. Đuông dừa được xác định là một trong những sinh vật gây hại trực tiếp đối với cây dừa, thuộc họ vòi voi, bộ cánh cứng, phân bố rộng trên các vùng trồng dừa của Bến Tre và cả nước. Đây là loại côn trùng gây hại nguy hiểm nhất cho cây dừa, rất khó phát hiện.

Với mã số được cấp (PUC) là DE.09.02.01.001, Tổ hợp tác sản xuất nhãn tiêu da bò xã Tân Hạnh (Long Hồ) là đơn vị đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long vinh dự được Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Vĩnh Long hỗ trợ xây dựng mô hình khắc phục bệnh chổi rồng và đủ điều kiện để cấp mã số vùng trồng theo các chỉ tiêu đảm bảo yêu cầu vệ sinh thực phẩm và tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Thời điểm này, nông dân Bắc Hà (Lào Cai) đang vào cuối vụ thu hoạch quả lê.

Nằm trong Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên, Tổ hợp tác trang trại Sơn Ngọc (thôn Ngọc Sơn Tây, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa) thường xuyên tìm những loại cây trồng mới, ứng dụng kỹ thuật mới để cho ra sản phẩm chất lượng. Mãng cầu đang là sản phẩm nổi bật của tổ hợp tác này.