Nuôi Cá Trong Ruộng Lúa, Mô Hình Làm Kinh Tế Cho Nông Dân Ít Vốn
Nuôi cá trong ruộng lúa là một hình thức canh tác xen kẽ làm tăng thu nhập trên cùng một thửa ruộng. Mô hình này đã được một số địa phương thực hiện theo tập quán cũ, tuy nhiên, chỉ khi các hộ dân áp dụng đúng kỹ thuật nuôi trồng, hình thức nuôi cá-lúa mới thực sự phát huy hiệu quả.
Về khu đồng trũng của thôn Cung Kiệm, xã Nhân Hòa (huyện Quế Võ - Bắc Ninh), hàng loạt ô thửa nuôi trồng thủy sản được xây dựng khang trang, với những ao cá thâm canh hứa hẹn hiệu quả. Bên cạnh đó là những ruộng lúa nước sau vụ gặt vẫn ngập nước để nuôi cá.
Anh Nguyễn Văn Bạo, một người nuôi trồng thủy sản lâu năm ở đây cho biết: Nhìn ruộng gặt xong vậy thôi nhưng bên dưới là hàng tạ cá gia đình tôi thả từ năm ngoái”. Nói rồi, anh đi lấy một chút thức ăn công nghiệp rắc xuống ruộng, ngay lập tức hàng chục con cá to quẫy nhảy lên đớp mồi. Được biết, vài năm trước người dân nơi đây cũng đã nuôi xen canh cá-lúa, nhưng hiệu quả rất thấp.
Anh Đàm Văn Dũng, một hộ nuôi cá ngay bên cạnh chia sẻ, đã có năm anh thả hàng trăm con trắm cỏ vào ruộng lúa, nhưng không theo mật độ hay quy trình chăm sóc nào, đến khi cá có trọng lượng trên 1kg thì chết hàng loạt vì bệnh dịch. Vì vậy, sau khi được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh chọn là mô hình điểm để thử nghiệm nuôi cá-lúa có kỹ thuật, anh Dũng đã rất phấn khởi. Anh thực hiện đúng theo hướng dẫn của các cán bộ Trung tâm về chuẩn bị ruộng, đào rãnh quanh khu vực trồng lúa, cách cho cá ăn và chăm sóc đàn cá.
Trên diện tích 2000m2, anh gieo sạ giống lúa BC15, sau khoảng 30 ngày, bắt đầu thả cá rô phi, mật độ 3 con/m2, xen kẽ cá chép, cá trắm. Tháng 4 vừa qua, anh đã thu hoạch được 8 tạ cá, cao hơn 3 - 4 tạ so với trước kia. Năng suất lúa cũng cao hơn mà lại không mất nhiều công chăm sóc và chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Từ những điều ghi nhận được, anh Dũng đã chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ nuôi trồng khác ở khu vực này và đến nay kết quả chung của các hộ nuôi trồng đều khá tốt.
Theo Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, nuôi cá-lúa là phương thức hỗ trợ nhau cùng phát triển: Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và thải phân làm tốt lúa. Bón phân cho lúa sẽ góp phần bổ sung thức ăn cho cá, đồng thời, khi thu hoạch, cá ăn thóc rơi vãi và rơm rạ mục. Vì vậy, so với ao nuôi cá thâm canh, mỗi ngày anh Dũng chỉ cần bổ sung cám công nghiệp cho cá ăn một lần vào buổi sáng.
Cá nuôi từ ruộng lúa do sử dụng thức ăn tự nhiên nên chất lượng thơm ngon, bán được giá. Tính đến nay, anh Dũng thu hoạch được trên 30 triệu đồng từ việc bán cá mà vẫn còn một số lượng khá cá trong ruộng. “Năm nay, tôi lại tiếp tục thực hiện mô hình cá-lúa xen kẽ này. Hơn nữa, chúng tôi ở đây đều có ao nuôi cá thâm canh nên có thể kết hợp mua cá giống với mức ưu đãi. Đây là mô hình hiệu quả, tốn ít vốn, phù hợp với khả năng của các hộ nông dân vùng trũng”- Anh Dũng khẳng định.
Điểm đặc biệt lưu ý khi nuôi cá - lúa là chân ruộng phải có khả năng điều tiết nước tốt để phù hợp với từng giai đoạn thời gian sinh trưởng của cá. Do đó, các hộ nông dân tùy điều kiện, cần phải đào rãnh trong khu vực trồng lúa. Khi cần phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa, phải di chuyển cá sang các rãnh nước này, tránh cho cá bị nhiễm độc.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, mô hình cá - lúa tương đối dễ áp dụng trên địa bàn tỉnh, dự kiến đến năm 2015, diện tích nuôi cá - lúa của tỉnh có thể mở rộng đạt 500ha. Mô hình được triển khai rộng rãi sẽ tạo điều kiện để các hộ ít vốn tận dụng được diện tích nuôi trồng, tăng thu nhập và hạn chế được thuốc hóa học làm giảm ô nhiễm môi trường.
Related news
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, rót chén trà xanh mời khách ông Quý nhớ lại, trước kia ông cũng như bao gia đình khác trong xã thu nhập chính chủ yếu trông vào hai vụ lúa nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Trước khi đến với mô hình nuôi ba ba, ông từng áp dụng nhiều mô hình chăn nuôi khác nhưng hiệu quả kinh tế không cao, cái nghèo vẫn luôn đeo bám ông và gia đình.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ba huyện ven biển tham mưu UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban có liên quan và UBND các xã nuôi tôm biển khẩn trương tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất và thả giống tuân thủ theo lịch thời vụ đã ban hành.
Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 423ha mặt nước nuôi cá tra thâm canh, trong đó đang thả nuôi là 278,5ha, giảm 9,7% (30ha) so năm 2012. Giá cá tra nguyên liệu hiện từ 21.000 - 23.500 đ/kg nhưng giá thành sản xuất lên khoảng 23.000 - 24.000 đ/kg nên người nuôi tiếp tục theo lỗ.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, năm 2014, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ nâng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 800.000 ha mặt nước, tăng 5.000 ha so năm 2013. Nhờ vậy, sản lượng thủy sản ở khu vực này sẽ đạt 2,4 triệu tấn, tăng hơn 400.000 tấn.
Có dịp đến thăm mô hình chăn nuôi bò thịt của ông Đinh Văn Khoa ở xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội), chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước một cơ ngơi chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, tiềm lực lớn.