Nuôi Cá Tai Tượng An Toàn Sinh Học
Những năm trước đây, nông dân chủ yếu sử dụng phương pháp truyền thống để nuôi cá tai tượng như cho ăn rau xanh, ít sử dụng thức ăn công nghiệp… nên thời gian nuôi kéo dài đến 2-3 tháng mới thu hoạch, chất thải trong nuôi cá rất nhiều mà không có biện pháp xử lý.
Bên cạnh đó, một số nông dân nuôi cá không tuân thủ nguyên tắc sử dụng kháng sinh đã ảnh hưởng rất lớn đến nghề nuôi thủy sản nói chung, trong đó có cá tai tượng.
Từ những thực tế đó, giữa năm 2011, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện dự án “Nuôi cá tai tượng an toàn sinh học” tại ấp Phú Thạnh B và ấp Phú Khương B, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo với quy mô 8 hộ tham gia với tổng diện tích thực hiện 2.400m2.
Các biện pháp kỹ thuật đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con nông dân áp dụng. Cá tai tượng được thả nuôi với mật độ vừa phải với 7 con/m2 và ghép cá sặc rằn 3 con/m2. Đặc biệt, khâu cải tạo, vét bùn, bón vôi, phơi ao phải thực hiện trên 10 ngày mới tiến hành lấy nước vào ao rồi phải xử lý nước bằng hóa chất và dùng chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nước. Đây là khâu mà lâu nay nông dân nuôi cá tai tượng chưa áp dụng trước đây nên khi thực hiện mô hình đã giúp tỷ lệ cá sống cao hơn so với trước.
Trong quá trình nuôi, nông dân định kỳ sử dụng hóa chất và chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước. Bên cạnh đó, sử dụng thức ăn công nghiệp chiếm 50-70% khẩu phần thức ăn, còn lại vẫn là rau muống, rau lang cắt nhuyễn, bèo cám, ngò gai.
Đặc biệt là 6 tháng đầu sau khi thả giống, định kỳ 1-2 tuần đo các yếu tố môi trường 1 lần để có biện pháp xử lý kịp thời các yếu tố thủy lý hóa như: pH, ôxy, NH3 và định kỳ tùy theo màu nước xử lý nước bằng vôi, muối hoặc BKC.
Theo các hộ nuôi, khi thực hiện mô hình nuôi cá tai tượng an toàn sinh học cho thấy cá phát triển tốt hơn so với trước đây tự nuôi, vì thế lợi nhuận cũng cao hơn. Cụ thể, qua 18 tháng nuôi cá đạt cỡ trung bình 600-750 g/con, cá biệt có 1 hộ cá đạt trung bình 860 g/con; tỷ lệ cá sống trung bình 80%. Sau khi trừ chi phí, tính ra nông dân thực hiện mô hình có lợi nhuận từ 20-40 triệu đồng/công (1.000m2) tùy theo giá cá tại mỗi thời điểm.
Qua mô hình cho thấy, tỷ lệ sống cá nuôi đã được nâng lên, rút ngắn thời gian nuôi, hướng dẫn nông dân nuôi cá biết cách ghi chép sổ nhật ký đầy đủ trong quá trình nuôi và hạch toán chính xác kết quả nuôi, sử dụng các loại hóa chất cho phép.
Thay đổi tập quán sản xuất của nông dân vì nuôi theo an toàn sinh học sẽ giảm việc sử dụng thuốc kháng sinh phòng trị bệnh cho cá nuôi, đặc biệt hướng dẫn nông dân sử dụng các loại chế phẩm sinh học định kỳ nhằm đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường theo hướng ổn định bền vững.
Related news
Cá tai tượng (danh pháp hai phần: Osphronemus goramy) là một loài cá xương nước ngọt thuộc họ Cá tai tượng (Osphronemidae), sống ở vùng nước lặng, nhiều cây thuỷ sinh, phân bố ở vùng đồng bằng Nam Bộ Việt Nam.
Cá tai tượng ăn tạp thiên về thực vật. Tuy nhiên lúc nhỏ cá cần nhiều thức ăn tinh và thức ăn nguồn gốc động vật. Khi trưởng thành cá dần chuyển sang ăn mạnh thức ăn thực vật. Vì vậy, cần cho ăn phù hợp nhu cầu của cá.
Tiền Giang là tỉnh trọng điểm về sản xuất cá giống và nuôi cá tai tượng thịt ở ĐBSCL.
Thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) là địa phương phát triển về nuôi thủy sản nước ngọt, với diện tích ương nuôi cá giống khoảng 350 ha, có nhiều đối tượng được bà con quan tâm nuôi như tai tượng, trê lai, diêu hồng, rô phi, cá sặc rằn, cá tra...