Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Nước Ngọt Chưa Thể Chuyên Nghiệp

Nuôi Cá Nước Ngọt Chưa Thể Chuyên Nghiệp
Publish date: Saturday. June 1st, 2013

Nghề nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn chưa phát huy hết tiềm năng do thiếu đầu tư hạ tầng bài bản và người dân vẫn còn sản xuất theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ.

Tự phát

Những ngày này, tại đoạn sông Tam Kỳ tiếp giáp với hồ Phú Ninh, gia đình anh Đoàn Nhơn (thôn Trà Lang, xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) tất bật với việc chăm sóc cá điêu hồng đang được nuôi trong lồng bè. Sau 4 tháng thả nuôi, đến nay anh sắp sửa bước vào vụ thu hoạch. Anh Nhơn cho biết, hiện 12 lồng bè của gia đình có tổng cộng 75 nghìn con cá điêu hồng, mỗi con đạt trọng lượng khoảng 0,7kg, như vậy gia đình có thể thu hoạch được khoảng 52,5 tấn cá.

Vào thời điểm hiện tại, giá cá dao động từ 40 - 50 nghìn đồng/kg, ước tính sẽ bán được gần 2,5 tỷ đồng, trừ chi phí có thể lãi khoảng 800 triệu đồng. Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện thả nuôi nhưng hiện mô hình nuôi quy mô lớn như anh Nhơn có rất ít trên địa bàn tỉnh và nghề nuôi cá nước ngọt vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có đến 5.000ha mặt nước nuôi cá nước ngọt. Nếu tận dụng hết tiềm năng này nghề nuôi cá nước ngọt sẽ đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân. Hiện tại, để tận dụng diện tích mặt nước rộng lớn, Quảng Nam đã có nhiều cơ chế khuyến khích nuôi cá nước ngọt. Thực tế cho thấy, mô hình này đã được triển khai từ đồng bằng đến miền núi, tuy nhiên hiện nghề nuôi cá nước ngọt vẫn chưa đem lại kết quả như mong đợi.

Điều đáng nói là cách thức nuôi, tập quán sản xuất của nông dân vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, nhất là khu vực miền núi; hạ tầng các vùng nuôi ít đầu tư, nguồn nước thủy lợi hạn chế khiến nghề nuôi cá nước ngọt luôn gặp khó khăn. Nhiều cuộc hội thảo được tổ chức trong thời gian qua đều quan tâm đến việc thay đổi cách thức sản xuất của người dân theo hướng chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.

Bà Nguyễn Thị Đồng, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật - thông tin (Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam) cho biết: “Mỗi năm chúng tôi đều khảo sát thực tế để chọn áp dụng triển khai các mô hình nuôi cá nước ngọt có triển vọng cho các địa phương trên toàn tỉnh. Có mô hình thành công, có mô hình thất bại, có mô hình bị… nước lụt cuốn trôi do triển khai chậm. Do điều kiện sản xuất tại Quảng Nam chưa đủ mạnh nên việc nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng”.

Cần ưu tiên đầu tư hạ tầng

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật NN&PTNN TP.Tam Kỳ cho rằng, thời gian qua, nhờ áp dụng cơ chế khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị, nghề nuôi cá nước ngọt đã được phát triển đều khắp trên địa bàn thành phố. Một tín hiệu đáng mừng là đối tượng dễ nuôi - cá điêu hồng thay vì chỉ bán được số lượng ít ở các chợ hoặc cung ứng cho bữa cơm gia đình thì nay đã tiêu thụ được ở các siêu thị.

Tìm đầu ra cho cá nước ngọt là điều đáng quan tâm. Để có đầu ra ổn định thì sản phẩm phải đạt chất lượng, có thương hiệu. “Thời gian tới chúng tôi sẽ tìm cách giúp nông dân nuôi cá trái vụ, nuôi các sản phẩm đặc sản có giá trị, ví dụ như cá lăng nha. Cùng với đó, việc chuyển giao kỹ thuật tiên tiến cũng sẽ được quan tâm, nhất là nuôi theo quy trình bài bản như VietGAP” - ông Tuấn nói.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho rằng, song hành với việc quy hoạch vùng nuôi và phân bổ hợp lý nguồn nước, vấn đề cốt lõi của nuôi thủy sản nước ngọt là con giống chất lượng, xây dựng mô hình nuôi sát hợp với các điều kiện sát thực của từng địa phương trên toàn tỉnh, đồng thời tương ứng với nhu cầu thực tế của thị trường. Từ đó, việc chuyển giao kỹ thuật sẽ phù hợp với các đối tượng nuôi riêng biệt.

“Nuôi cá nước ngọt theo hướng công nghiệp cần nguồn vốn rất lớn, do vậy điều cần thiết là phải có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ vay vốn đối với người nuôi. Bên cạnh đó, việc tập trung nghiên cứu ứng dụng các quy trình công nghệ tiên tiến để giải quyết tốt các khâu nuôi vỗ cá bố mẹ, kỹ thuật cho đẻ nhân tạo, ương nuôi cá giống cũng hết sức quan trọng” - bà Tâm nói.

Theo nhiều phân tích, để nuôi cá nước ngọt an toàn, người nuôi cần xây dựng hệ thống thủy lợi (vùng, ao nuôi) có kênh cấp và kênh thoát riêng biệt để đảm bảo quá trình trao đổi nước giữa vùng nuôi và môi trường bên ngoài, hạn chế sự tích tụ chất thải và thúc đẩy nhanh quá trình tự làm sạch môi trường. Đối với từng vùng hay ao nuôi, người nuôi phải xây dựng được phương án xử lý nước thải, chất thải cụ thể và thực hiện việc xử lý triệt để chất thải, nước thải trong vùng nuôi trước khi thải ra môi trường xung quanh.


Related news

Bốc thuốc trị vi phạm công trình thủy lợi Bốc thuốc trị vi phạm công trình thủy lợi

Ngành thủy lợi đang phải hứng chịu sức tàn phá cả “phần cứng” lẫn “phần mềm”, nhưng khi phát hiện vi phạm, các chủ thể quản lý công trình chỉ được phép lập biên bản gửi cơ quan chức năng để xử phạt.

Tuesday. October 27th, 2015
Biogas giảm nhọc nhằn Biogas giảm nhọc nhằn

Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp Trung ương đã giúp lao động nữ lớn tuổi ở nông thôn giảm công việc nặng nhọc, giảm chi phí mua chất đốt trong sinh hoạt.

Tuesday. October 27th, 2015
Nhức nhối đất nông lâm trường Nhức nhối đất nông lâm trường

Ủy ban KH-CN và môi trường, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam và Liên minh Đất rừng vừa tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai tại các nông lâm trường quốc doanh”.

Tuesday. October 27th, 2015
Liên kết xử lý chất thải chăn nuôi Liên kết xử lý chất thải chăn nuôi

Cty CP Chăn nuôi Mitraco đóng trên địa bàn xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) hiện có 2.000 con lợn nái và trên 64 nghìn con lợn thịt.

Tuesday. October 27th, 2015
Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần từ 26/10 - 1/11 Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần từ 26/10 - 1/11

Tại các tỉnh phía Bắc, các loại dịch bệnh như rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, bệnh khô vằn tiếp tục phát sinh gây hại nhẹ trên diện tích lúa cực muộn.

Tuesday. October 27th, 2015