Nuôi cá nheo thương phẩm ở Hưng Yên
Cá nheo là thủy sản nước ngọt sống ở tầng đáy, ăn tạp, thời gian sinh trưởng dài, chất lượng thịt ngon. Khác với các loài thủy sản nước ngọt thông thường vẫn được nuôi phổ biến như: Cá trắm, cá chép, rô phi… có thể thích ứng ở nhiều môi trường ao nuôi khác nhau, cá nheo ưa môi trường ao, hồ có độ sâu, bùn dày, nước sạch, thường xuyên lưu thông, có thủy sinh để che trú. Thời gian nuôi cá nheo thương phẩm kéo dài từ 9 tháng – 1 năm/lứa.
Cá nheo đang là thủy sản được “săn đón” trên thị trường. Giá bán buôn tại ao từ 70 – 80 nghìn đồng/kg, bán lẻ trên 100 nghìn đồng/kg. Nhiều nhà hàng thủy sản mỗi khi mua được cá nheo đều trưng lên danh sách đầu bảng để đáp ứng nhu cầu của khách. Nếu so sánh giá tiêu thụ thủy sản thông thường, với giá bán cá nheo hiện nay, mỗi ha diện tích mặt nước nuôi cá nheo có thể cho lãi cao hơn từ 40 – 50%.
Anh Nguyễn Văn Tiến, người nuôi thủy sản tại xã Hoàng Hanh (thành phố Hưng Yên) cho biết: “Mỗi lần thả cá giống, tôi đều lựa chọn hàng trăm con cá nheo giống để thả ghép với thủy sản trong ao. Tuy nhiên đến cuối năm thu hoạch, chỉ được vài chục con là đã mừng lắm, bởi thường thì tỷ lệ sống không cao. Nhưng bắt được con nào là khách quen sẵn sàng trả giá cao”.
Nắm bắt nhu cầu của người nuôi thủy sản trong nuôi cá nheo thương phẩm, đồng thời làm phong phú cơ cấu giống thủy sản, nâng cao chất lượng, giá trị cho thủy sản thương phẩm trên địa bàn tỉnh, từ tháng 3.2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình nuôi cá nheo thương phẩm quy mô 1 ha tại 4 huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Phù Cừ, Yên Mỹ. Qua đó hỗ trợ nông dân về con giống và các biện pháp kỹ thuật trong nuôi cá nheo.
Ông Nguyễn Quang Hùng, cán bộ kỹ thuật thủy sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Nuôi cá nheo thương phẩm đã được thực hiện thành công ở một số tỉnh, thành phố trong khu vực, đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Khi thực hiện mô hình, người nuôi cần bảo đảm môi trường ao nuôi phù hợp: Nước ao sạch, có thủy sinh ở mật độ vừa phải, giàu ô – xy.
Do cá nheo ưa môi trường sống tự nhiên, nước lưu thông, thức ăn phong phú nên khi nuôi thương phẩm trong ao cần định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước, bảo đảm thức ăn phong phú, giàu dinh dưỡng: Phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn phối trộn, thức ăn công nghiệp’’…
Được biết sau một thời gian nuôi thả, các ao nuôi trong mô hình đều cho kết quả tốt, cá sinh trưởng, phát triển ổn định, ít dịch bệnh, tỷ lệ sống đạt 80 – 90%. Ông Độ, người nuôi cá nheo trong mô hình tại xã Minh Tân (Phù Cừ) cho biết: “Gia đình tôi đã từng nuôi thâm canh nhiều loại cá khác nhau tuy nhiên chưa thực sự hài lòng về hiệu quả kinh tế.
Khi bắt tay vào nuôi cá nheo thương phẩm, tôi nhận thấy nếu đã nắm bắt được kỹ thuật cơ bản thì việc thực hiện không có gì khó khăn. Điều quan trọng là duy trì ổn định môi trường nước, bảo đảm nguồn thức ăn và thường xuyên theo dõi sự phát triển của đàn cá.
Diện tích nuôi cá nheo thương phẩm của gia đình tôi đang cho kết quả khả quan, mỗi con đã đạt trọng lượng từ 600 – 800 lạng. Năm sau gia đình tôi có kế hoạch mở rộng diện tích nuôi thả để nâng giá trị kinh tế của mô hình”.
Related news
Từng trắng tay vì làm trang trại VAC không hiệu quả, nhưng nhờ gắn bó với nghề nuôi cá lồng, anh Phạm Đình Chiểu ở xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư (Thái Bình) đã có thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Tôm vụ 1 năm nay nhiều hộ nuôi mất mùa, năng suất chung cả huyện Diễn Châu chỉ đạt khoảng 3,5 tấn/héc ta, trong khi đó, mô hình nuôi tôm an toàn sinh học theo mô hình ViệtGAP của Cựu chiến binh Ngô Xuân Đại ở Diễn Châu cho thu hoạch tới 10 tấn/héc ta.
Hiện nay, nhiều nông dân nuôi tôm sú tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đang vào giai đoạn thu hoạch với niềm vui trúng mùa, được giá. Tuy mô hình chuyển đổi này bước đầu mang lại cho bà con nơi đây những tín hiệu tích cực, nhưng cũng khiến ngành chức năng không khỏi lo lắng.