Home / Tin tức / Tin thủy sản

Mừng, lo vùng tôm ở Lương Nghĩa (Hậu Giang)

Mừng, lo vùng tôm ở Lương Nghĩa (Hậu Giang)
Author: HỮU PHƯỚC
Publish date: Wednesday. July 27th, 2016

Lương Nghĩa là một trong những xã của huyện Long Mỹ thường phải chịu ảnh hưởng của phèn và xâm nhập mặn gay gắt vào những tháng mùa khô hàng năm, nên việc sản xuất lúa ở đây gặp không ít khó khăn. Do đó, bà con địa phương chỉ canh tác được 2 vụ lúa/năm là Đông xuân và Hè thu muộn (gieo sạ vào đầu tháng 6 khi có mưa xuống).

Trong đó, vụ lúa Hè thu muộn thường cho hiệu quả kinh tế thấp do năng suất không cao, khoảng 400-500 kg/công (1.300m2), đạt lợi nhuận cao nhất cũng ở mức 2 triệu đồng/công, thậm chí có hộ bị thua lỗ khi gặp thời tiết mưa dầm. Trước tình hình trên, không ít nông dân đã tìm cách chuyển đổi hình thức canh tác và mô hình nuôi 2 vụ tôm sú kết hợp với vụ lúa Đông xuân đang được xem là hướng đi phù hợp.

Mô hình triển vọng

Những ngày này, đến khu vực ven tuyến đê bao khép kín, cặp sông cái Ngan Dừa (giáp ranh huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), thuộc ấp 6, xã Lương Nghĩa thì dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân tất bật thu hoạch vụ tôm sú đầu tiên trong năm, với niềm vui trúng mùa, bán được giá cao. Chỉ tay về phía vuông tôm của gia đình vừa xổ được 3 đêm, bà Nguyễn Thị Nga cười tươi cho biết sau gần 10 năm vừa học hỏi kỹ thuật vừa nuôi tôm của những hộ dân ở phía bên kia sông thuộc huyện Hồng Dân thì chỉ có năm nay là trúng đậm.

“Tuy mới xổ được 3 đêm nhưng nhìn số lượng tôm bắt được, cộng với việc thấy tôm còn trong vuông khi pha đèn pin vào ban đêm, tôi đánh giá vụ này đạt khoảng 400kg tôm/ha, tăng khoảng 50 kg/ha so với cùng kỳ. Hiện thương lái mua tôm tại vuông có giá là 190.000 đồng/kg (loại 29 con/kg) và 160.000 đồng/kg (loại 46 con/kg), sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình kiếm được khoản lợi nhuận không dưới 60 triệu đồng/ha/vụ thu hoạch, cao gấp 3 lần so với làm lúa trước đây”, bà Nga thông tin thêm.

Với 2,6ha nuôi tôm, gia đình bà Nga chia ra làm nhiều vuông nhỏ để thuận tiện trong việc chăm sóc, cũng như thu hoạch. Hiện những vuông nào đã xổ xong, bà Nga tiếp tục thả thêm lứa tôm thứ hai để kịp thu hoạch vào tháng 10 và tranh thủ xử lý đất chuẩn bị xuống giống lúa Đông xuân, vụ lúa chính trong năm. Bà Nga bày tỏ: “Do đất nuôi tôm nên khi sạ lại thì bà con chỉ trồng được giống lúa lai (F1), rất nhẹ phân bón nhưng lúa lại trúng, với năng suất gần 1 tấn/công, giúp gia đình có thêm nguồn thu kha khá”.

Cách vuông tôm bà Nga không xa, hộ ông Đỗ Vũ Phong đã xổ 3ha tôm sú cách nay mấy ngày, với tổng sản lượng 1,2 tấn, bán giá 210.000 đồng/kg, đạt lợi nhuận 180 triệu đồng. “Năm nay nước mặn về sớm, bà con tranh thủ thả con giống sớm nên giờ bắt đầu thu hoạch và chuẩn bị thả lại vụ 2. Nhờ có kinh nghiệm nuôi nhiều năm, lại thêm điều kiện nguồn nước, thời tiết tốt nên hộ nào cũng trúng mùa tôm”, ông Phong chia sẻ.

Theo tính toán của bà con nuôi tôm ở ấp 6, xã Lương Nghĩa thì chi phí đầu tư rất thấp. Cụ thể, một héc-ta bà con thả khoảng 15 thiên (nghìn) con tôm giống, thời gian nuôi từ 2,5-3 tháng là cho thu hoạch. Trong suốt quá trình nuôi chỉ tốn tiền mua vôi bột về xử lý đất vào giai đoạn trước khi thả con giống và tiền mua xăng, dầu bơm nước mặn từ sông vào khi cần.

Do nuôi trong môi trường tự nhiên, thức ăn của tôm chủ yếu là tảo, không dùng bất cứ thức ăn công nghiệp nào, chỉ khi thấy lượng tảo trong vuông ít đi thì bà con dùng oxy-zeo thả vào vuông nuôi để tạo tảo làm thức ăn cho tôm. Từ đó, chi phí cho mỗi héc-ta thả nuôi khoảng 20 triệu đồng. Một ưu điểm khác của vùng tôm Lương Nghĩa là ngoài tỷ lệ tôm đạt mức tăng trọng khá đồng đều và lớn nhanh, đặc biệt là chất lượng thịt của tôm bảo đảm, ngọt và dai, người tiêu dùng rất ưa chuộng, nên không lo sợ đầu ra gặp khó.

Địa phương lo lắng

Mặc dù mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm sú nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu của người dân xã Lương Nghĩa đã khẳng định hiệu quả bước đầu, nhưng chính quyền địa phương đang lo lắng trước thực trạng bà con nằm trong đê bao khép kín bất chấp việc khuyến cáo của cơ quan chuyên môn mà tự ý “xé rào” cho nước mặn vào để thả nuôi tôm. Qua thống kê, hiện toàn xã Lương Nghĩa có gần 50ha nuôi tôm sú, với 34 hộ tham gia, trong đó có đến 12 hộ, với 22ha nằm trong đê bao đã tự ý cho nước mặn vào để nuôi tôm.

Việc làm đó rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến hơn 2.000ha đất sản xuất lúa trong khu vực đê bao khép kín của xã do nước mặn xâm nhập tràn lan, khó kiểm soát. Ông Huỳnh Hoàng Đệ, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa, thừa nhận: Quan điểm của địa phương là chỉ tạo điều kiện cho mô hình này phát triển ở vùng ngoài đê bao. Còn đối với những hộ nằm trong đê bao đã tự ý cho nước mặn vào ruộng để nuôi tôm, địa phương đã đến nhắc nhở và buộc phải làm bờ bao xung quanh vuông nuôi cho chắc chắn, đồng thời thường xuyên giám sát việc thả nuôi để không làm ảnh hưởng đất lúa xung quanh.

Ông Đệ cho rằng: “Về lâu dài địa phương sẽ đề xuất giải pháp căn cơ hơn. Song trước mắt đề nghị ngành chức năng của huyện Long Mỹ, trong mùa khô 2017 tới cần xuống nắp cống và đắp các đập thời vụ ngăn mặn sớm hơn để nước mặn không vào được kênh nội đồng thì bà con trong đê sẽ không lấy được nước mặn nuôi tôm giống vụ này”. Còn Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ Lê Hồng Việt khẳng định: Hiện nay, huyện chưa có quy hoạch vùng nuôi tôm ở xã Lương Nghĩa, nông dân chỉ nuôi tự phát.

Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả vùng đất ngoài bờ bao nói trên, tới đây ngành nông nghiệp huyện sẽ xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về việc phát triển vùng nuôi tôm cụ thể đối với khu vực này. “Ngành sẽ triển khai kế hoạch tập huấn về các biện pháp kỹ thuật để bà con thả nuôi đạt hiệu quả hơn. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương tuyệt đối không để hộ dân trong đê bao tiếp tục lấy nước mặn thả nuôi tôm, nhằm tránh gây ảnh hưởng đến vùng sản xuất lúa ở địa phương”, ông Việt nhấn mạnh.

Nhìn những vuông tôm rộng lớn bên ngoài tuyến đê bao khép kín chạy dài thuộc địa bàn ấp 6, xã Lương Nghĩa đang mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân thì ít ai biết rằng, trước đây, khu vực này là cánh đồng lúa thất bát, hay ruộng bỏ hoang với những đám cỏ dại mọc um tùm vì phèn, xâm nhập mặn. Vì vậy, có được mô hình chuyển đổi nuôi 2 vụ tôm sú và trồng 1 vụ lúa đang cho hiệu quả kinh tế tích cực là điều rất cần thiết.

Thiết nghĩ, ngành chức năng cần sớm có nghiên cứu quy hoạch những vùng nuôi cụ thể và mang tính định hướng của ngành, tránh trường hợp bà con nuôi tự phát, chạy theo phong trào sẽ thiếu tính bền vững, không khéo còn ảnh hưởng đến những hộ xung quanh. Trước hết có thể xem xét nhân rộng đối với gần 100ha đất ven đê còn lại tại xã Lương Nghĩa nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu…


Related news

Muối ế trắng đồng, kho dự trữ hoang phế Muối ế trắng đồng, kho dự trữ hoang phế

Trong đợt nắng hạn vừa qua, diêm dân tỉnh Bạc Liêu trúng mùa muối nhưng giá rớt thê thảm, chưa đến 400 đồng/kg. Trong khi muối ế chất đầy ruộng, diêm dân phải che đậy tạm bằng vải bạt rách nát thì kho dự trữ muối của nhà nước lại xây dựng dở dang…

Tuesday. July 26th, 2016
Bố giỏi nuôi cá lồng, con xông xênh du học Bố giỏi nuôi cá lồng, con xông xênh du học

Từng trắng tay vì làm trang trại VAC không hiệu quả, nhưng nhờ gắn bó với nghề nuôi cá lồng, anh Phạm Đình Chiểu ở xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư (Thái Bình) đã có thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Wednesday. July 27th, 2016
Người Cựu binh nuôi tôm sạch đạt trên 2 tỷ đồng/vụ Người Cựu binh nuôi tôm sạch đạt trên 2 tỷ đồng/vụ

Tôm vụ 1 năm nay nhiều hộ nuôi mất mùa, năng suất chung cả huyện Diễn Châu chỉ đạt khoảng 3,5 tấn/héc ta, trong khi đó, mô hình nuôi tôm an toàn sinh học theo mô hình ViệtGAP của Cựu chiến binh Ngô Xuân Đại ở Diễn Châu cho thu hoạch tới 10 tấn/héc ta.

Wednesday. July 27th, 2016