Nuôi Cá Mú Lồng - Giải Pháp Làm Giàu Cho Người Dân Vùng Ven Biển
Mới đây tôi lại có dịp về lại xã Bình Thuận của huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Trong cái nắng hè khá gay gắt, anh Dương Ngọc Thơi - chủ tịch hội Nông dân và anh Nguyễn Hữu Thái- chủ tịch hội Nghề cá xã Bình Thuận đã nhiệt tình đưa chúng tôi tham quan các địa điểm nuôi cá mú lồng tại địa phương.
Anh Lê Quang Khanh (30 tuổi) ở thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận cho biết, gia đình anh thuộc diện di dời tái định cư. Đất sản xuất nông nghiệp không có, từ nhỏ anh đã theo nghề biển với cha nhưng đến năm 2000, sau khi được người quen giới thiệu, hướng dẫn cách nuôi cá mú lồng, anh đã mạnh dạn vay mượn 15 triệu đồng làm lồng nuôi cá mú ở cửa sông Đầm thuộc Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận.
Năm đầu chưa có kinh nghiệm anh mới chỉ thả nuôi 2 lồng với số lượng 300 con, khi cá đạt trọng lượng khoảng 0,7 kg/con trở lên thì xuất bán. Hiệu quả mang lại khá bất ngờ từ nguồn bán cá. Thấy việc nuôi cá mú đem lại hiệu quả, những năm tiếp theo anh đầu tư vốn làm thêm lồng để tăng số lượng cá lên 2.000 con. Sang năm 2005 anh có tiền cưới vợ và đầu tư nuôi cá mú lên 16 lồng. Năm 2007, 2008 anh thả nuôi 2.300 con trong 20 lồng, gồm 6 lồng nổi và 14 lồng chìm.
Anh Khanh cho biết, về thiết kế lồng nuôi, nhiều nơi nuôi cá mú bằng lồng lưới, lồng tre, nhưng để đảm bảo an toàn anh đã chọn loại lồng khung sắt, bọc lưới. Kích thước lồng 2,3m x 2,3m x 1,2m (cao). Chi phí mỗi lồng khoảng 1,3 triệu đồng. Lồng chìm được làm bằng khung sắt, bọc lưới tốt, có gắn 1 ống nhựa dài chừng 3 đến 4 mét, sao cho ống nhô lên khỏi mặt nước từ 0,8 mét trở lên để cho thức ăn vào lồng.
Còn lồng nổi xung quanh phải ganh các phi thùng, liên kết lại thành cái bè dài. Những năm qua, mỗi năm anh thu gần 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 150 triệu đồng/năm. Năm 2009 đàn cá của anh bị bão số 9 cuốn trôi hết một nửa nên chỉ đủ vốn. Hiện nay anh đang thả nuôi 6 ô lồng với số lượng 1.000 con đã được 3 đến 4 tháng tuổi và tiến hành thu hoạch 4 ô lồng khác để cung ứng cho các nhà hàng; 10 lồng còn lại sẽ thả nuôi trong tháng 7 tới, vì hiện tại chưa có con giống.
Hiện nay cá cân nặng từ 0,7-1,4 kg anh Khanh bán với giá 250.000/kg. Đây là cá loại trung nên có giá cao; cá cân nặng từ 1,5-2,3 kg lại bán giá thấp hơn 220.000 đồng/kg, còn cá cân nặng dưới 0,7 kg chỉ bán được 180.000/kg. Đó là giá bán dành cho cá mú còn sống chứ nếu bị chết sẽ giảm đi nửa số tiền.
Anh Khanh chia sẻ, nuôi cá mú lồng không khó, trước hết là phải có địa điểm nuôi thích hợp vì cá nuôi kéo dài trên 10 tháng mới xuất bán và quan trọng nhất là phải biết chăm sóc, cho ăn theo đúng chu kỳ, vừa lượng. Chọn cá giống nuôi: Cá giống có kích cỡ từ 7-10cm, lanh lẹ, khỏe mạnh, không bị sây sát, dị tật, màu sắc đặc trưng của giống cá muốn nuôi. Mỗi lồng thường thả 150 con cá giống/lồng. Anh thường mua được cá mú bông từ Kỳ Hà (Quảng Nam) và Sông Cầu (Phú Yên).
Thức ăn của cá mú là các loại cá tạp đem băm nhỏ vừa đủ miệng cá táp. Lượng thức ăn thường chiếm từ 5-10% trọng lượng cá nuôi trong lồng. Mỗi ngày chỉ nên cho cá ăn một lần bằng đủ loại cá tạp cắt nhỏ nhưng phải lựa vào thời điểm nước thủy triều lên. Vì lúc đó dòng nước lớn sẽ cuốn trôi cặn bã trong lồng, cá như được tắm sạch sẽ nên ăn thức ăn nhiều hơn giúp chúng mau lớn.
Sau mỗi lần cho ăn khoảng vài giờ đồng hồ, anh lặn xuống dưới đáy lồng xem thức ăn còn hay hết để tăng số lượng thức ăn lên cho chúng. Nuôi loại cá này cũng ít bị dịch bệnh, nếu có thì chỉ bị những bệnh đơn giản như nấm, ghẻ lở, đường ruột; khi đó dùng thuốc điều trị sẽ khỏi. Vì vậy tỷ lệ sống đạt rất cao trên 85%. Muốn cho cá phát triển nhanh người nuôi phải chủ động đề phòng các loại bệnh gây cho cá, trong đó phần kỹ thuật là hết sức quan trọng, nhất là lồng nuôi, lưới bao phải bảo đảm an toàn, cá mồi sạch và nước không bị nhiễm bẩn.
Còn gia đình anh Nguyễn Long (50 tuổi) cũng ở cùng địa phương với anh Khanh cho biết: Năm đầu thấy anh Khanh nuôi cá mú lồng đem lại hiệu quả, anh đã làm theo và đã nuôi được 9 năm nay. Do bận rộn với nghề biển nên hiện nay ông chỉ nuôi 7 lồng với khoảng 1.100 con. Những lúc ông không có thời gian chăm sóc thì giao công việc này lại cho vợ con. Mấy năm gần đây năm nào ông cũng cho thu nhập trên 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lại 70-80 triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Hữu Thái- Phó chủ tịch hội Nông dân, kiêm chủ tịch hội Nghề cá xã Bình Thuận cho biết: Hiệu quả của mô hình góp phần đa dạng đối tượng nuôi thuỷ sản, khai thác những lợi thế sẵn có tại địa phương. Từ cách làm của anh Khanh, ông Long đem lại hiệu quả kinh tế cao nên hiện nay ở xã, mà tập trung chủ yếu là thôn Tuyết Diêm đã có 7 hộ gia đình phát triển nghề nuôi cá mú lồng.
Tuy không nhiều bằng các bằng các hộ nêu trên, mỗi hộ chỉ nuôi khoảng 2 đến 4 lồng với số lượng 400 đến 600 con nhưng đó cũng đã một tín hiệu đáng mừng để nhân dân địa phương có thể làm giàu từ các mô hình hải sản. Để nghề nuôi cá mú lồng phát triển hơn trong thời gian tới, hội và chính quyền xã sẽ phối hợp các ngành liên quan đề xuất kiến nghị về nguồn vốn vay và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông, ngư dân, nhất là các hộ ven biển có điều kiện phát triển mô hình này.
Theo các nhà chuyên môn, cá mú thích nghi với môi trường không quá khắc nghiệt, có thể phát triển tốt, ăn mạnh chóng lớn ở điều kiện độ pH dao động từ 7-8,1, nhiệt độ duy trì ở 29-31độC, độ mặn từ 25-35%o. Riêng trong mùa mưa khi độ pH, nhiệt độ, độ mặn giảm thì khả năng phát triển của cá sẽ chậm và nguy cơ bệnh tật càng cao. Cá mú thích hợp nuôi lồng thả dọc ven các sông gần cửa biển, có nước thuỷ triều lên xuống, có dòng chảy không quá mạnh, tàu thuyền ít qua lại. Cá mú thuộc loại cá nước mặn, sống ở biển nhiệt đới, á nhiệt đới. Tập trung nhiều loài ở vùng biển Thái Bình Dương. Nước ta có tới 30 loài cá mú, trong đó có 7 loài được ưa chuộng vì có giá trị cao. Cá mú hiện nay là một loại thực phẩm hảo hạng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Có thể nói nghề nuôi cá mú lồng ở Quảng Ngãi tuy mới phát triển, nhưng hiệu quả đã được khẳng định từ những việc làm cụ thể của anh Khanh, anh Long... Đây được xem là cách làm giàu mới của ngư dân ven biển Quảng Ngãi, nhất là những hộ gia đình tái định cư không có đất, hoặc thiếu đất canh tác nhờ tận dụng khai thác địa hình các cửa sông ven biển.
Được biết, từ tháng 5/2008 Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai mô hình nuôi cá mú tại hộ ông Nguyễn Minh Việt, xã Tịnh Hoà, huyện Sơn Tịnh với quy mô 6 lồng, mỗi lồng 11,2 m2. Lượng cá thả nuôi là 1.206 con, mật độ 18 con/m2. Nguồn giống được thu gom từ địa phương. Kết quả sau gần 7 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống đạt trên 70%, trọng lượng cá đạt bình quân 800 g/con. Tổng sản lượng thu được ước khoảng 675 kg, với giá bán 190.000 đ/kg, tổng thu của mô hình là trên 128 triệu đồng, trừ chi phí, lãi trên 54 triệu đồng.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi huyện Bình Sơn (2000-2010) tổ chức ngày 23/6/2010, đa số đại biểu đã đánh giá cao hiệu quả của mô hình nuôi cá mú trong lồng.
Related news
Ông Nguyễn Thuận (tổ dân phố Hậu Phước, phường Ninh Hà) cho biết: “Nuôi tôm trái vụ nếu gặp thời tiết thuận lợi thì có lãi, nhưng gặp mưa bão thì mất trắng. Cũng vì sự bấp bênh ấy mà người dân không dám thả nuôi nhiều”. Năm 2013, 2 vụ nuôi chính, gia đình ông Thuận thua lỗ hơn 100 triệu đồng. Sau đó, gia đình ông tiếp tục thả nuôi vụ phụ vào mùa đông với 15 vạn con tôm thẻ chân trắng, 6.000 con cua, 3.000 con cá dìa.
Cá bông lau là loài da trơn, thân mình thon dài, đuôi đỏ, chỉ đánh bắt trong môi trường tự nhiên nên cá được nhiều người ưa chuộng bởi thịt trắng, sạch, béo, mùi thơm đặc trưng và giàu dinh dưỡng. Loài cá này không dễ đánh bắt, ngày nay lại càng hiếm hơn khiến giá bán rất cao, từ 150.000 - 250.000 đồng/kg, có khi bắt được cá lớn bán được cả triệu đồng. Theo kinh nghiệm riêng, người đánh bắt xác định những vùng nước có ổ cá để giăng lưới, rồi nằm tài đợi cả đêm cũng như dân chạy xe ôm chờ khách.
Ngày 10-2, các chủ thu mua tôm hùm giống tại đường Hàm Tử, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn cho biết, giá tôm hùm bông giống cao nhất là 370 nghìn đồng/con đối với tôm hùm bông từ đầu vụ thì nay đã giảm còn 170 nghìn đồng/con. Còn đối với tôm hùm xanh, dao động ở mức 70 nghìn đồng/con.
Vài năm trở lại đây, cùng với việc đầu tư mạnh trong việc đóng mới tàu cá công suất lớn để vươn khơi đánh bắt xa bờ, ngư dân trong tỉnh còn hiện đại hóa các thiết bị hỗ trợ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngành kinh tế biển tiếp tục phát triển mạnh đứng vào tốp đầu cả nước.
Năm 2014, sản xuất thủy sản của tỉnh Nam Định tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, sức cạnh tranh cao phù hợp với hệ sinh thái, khai thác tối đa lợi thế của địa phương; nâng cao năng lực khai thác xa bờ. Tổng sản lượng thủy sản cả năm đạt 110,4 nghìn tấn, tăng 9,5% so với năm 2013; trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 65.900ha, sản lượng khai thác đạt 44.500ha.