Nuôi Bò Sữa, Nông Dân Mộc Châu Thu Nhập Khủng
Trong khi nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn cả nước đang gặp khó khăn thì người dân ở thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) lại đang làm giàu từ nghề nuôi bò sữa.
Nhiều hộ đã trở thành "tỷ phú chân đất" với thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Trong hai ngày 22, 23-3, phóng viên Hànộimới có mặt tại thị trấn Mộc Châu đã tận mắt mục sở thị và không khỏi ngỡ ngàng với những "đại gia nông dân".
Những "tỷ phú chân đất"
Có tới thăm trang trại chăn nuôi bò sữa của các hộ nông dân ở thị trấn Mộc Châu, mới thấy người nông dân nơi đây nhiệt tình và coi con bò sữa như một tài sản quý báu thế nào. Với độ cao 1.050m so với mực nước biển, Mộc Châu không chỉ nổi tiếng về khí hậu mát mẻ mà còn có nhiều sản vật đặc sắc, trong đó có sữa bò. Nghề chăn nuôi bò sữa đã tạo nên diện mạo nông thôn mới trù phú tại vùng cao nguyên này. Mộc Châu có truyền thống hơn nửa thế kỷ phát triển chăn nuôi bò sữa.
Vì vậy, số lượng đàn bò sữa ở Mộc Châu tăng lên hằng năm và năng suất sữa ngày càng đạt chất lượng cao với năng suất trung bình 23,5kg/con/ngày. Bên cạnh đó, quy mô các hộ chăn nuôi tăng đều, hiện đạt bình quân 20-25 con/hộ, hộ nuôi nhiều nhất có 180 con.
100% hộ chăn nuôi đã mua sắm, trang bị đủ máy cắt cỏ, máy vắt sữa và máy tắm bò; 90% hộ đã trang bị máy thái băm thức ăn, có 85 hộ đã đầu tư mua máy cơ giới canh tác nông nghiệp, nhiều hộ đã mua sắm ô tô bán tải để phục vụ sản xuất.
Trong khuôn viên trang trại 7,2ha, ông Nguyễn Văn Quất, tiểu khu 84, thị trấn Mộc Châu, giọng đầy tự hào: "Ngày mới đặt chân lên đất Mộc Châu với hai bàn tay trắng, mới đó đã hơn 30 năm, nay tôi có cơ ngơi trị giá hơn 20 tỷ đồng. Với quy mô 180 con bò sữa, trong đó 100 con cho khai thác, mỗi tháng trừ chi phí, gia đình ông thu lãi hàng chục triệu đồng".
Anh Nguyễn Văn Chiến, tiểu khu số 70, cho biết: "Gia đình tôi mới bắt đầu nuôi bò từ năm 2008, hiện đang có 15 con, trong đó 7 con cho khai thác sữa. Trong những năm tới, khi cả 15 con cho khai thác sữa, số tiền thu về kha khá".
Hiện nay, những hộ có thâm niên chăn nuôi bò sữa, thu nhập hằng tháng vào loại "khủng", từ vài chục đến cả trăm triệu đồng, không hiếm ở Mộc Châu. Đơn cử như gia đình anh Hà Văn Tới, gia đình anh Nguyễn Viết Thái...
Tiếp sức cho nông dân
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu Trần Công Chiến cho biết, trong 55 năm hình thành và phát triển, ngoài việc tạo điều kiện làm việc và nâng cao đời sống của người lao động, công ty đã dành nhiều chương trình hỗ trợ cho chăn nuôi qua công tác thú y, trợ giá các loại thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ giá sữa qua thưởng các loại, bảo hiểm vật nuôi…
Mộc Châu là đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai bảo hiểm đàn bò sữa thành công vào năm 2004. Đóng bảo hiểm, nếu bò chết thì người nuôi được bồi thường 12 triệu đồng, bò bị ngã phải thải loại được đền bù 10 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm giá sữa với một phần vốn đối ứng của công ty được triển khai rộng rãi giúp người dân yên tâm chăn nuôi. Quỹ bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm giá sữa hiện lên tới gần 20 tỷ đồng. Vì vậy, cho đến nay tổng số lượng bò sữa của công ty đã đạt gần 12.000 con, cho sản lượng sữa năm 2012 đạt 40.000 tấn.
Tới đây, công ty chuẩn bị khánh thành nhà máy chế biến thức ăn cho bò đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến cung cấp 120 tấn/ngày thức ăn hỗn hợp. Công ty phấn đấu đến năm 2020 sẽ tăng đàn bò sữa tại Mộc Châu lên 35.000 đến 40.000 con, góp phần phát triển chăn nuôi bò sữa của cả nước.
Related news
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Với không ít yếu kém từ khâu sản xuất, chế biến tới tiêu thụ, nhiều chuyên gia đánh giá, nếu không kịp thời khắc phục, chỉ vài năm tới khi kinh tế hội nhập sâu, đường ngoại ồ ạt tràn vào, ngành mía đường Việt Nam có thể sẽ bị đánh bật khỏi “cuộc chơi” và “dâng” toàn bộ thị trường cho các DN nước ngoài.
Được coi là cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, song Việt Nam luôn chịu cảnh “được mùa mất giá”. Tình hình này sẽ giảm bớt nếu hiệp hội ngành hàng các nước bắt tay nhau.
Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại nông sản lạ như su hào tím, cà rốt nhiều màu, khoai tây tím, bắp cải tí hon… Không chỉ là sản phẩm dùng để trưng bày, làm cảnh, nhiều mặt hàng được cho là có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe.
Trong năm 2015, dự báo kim ngạch XK vào thị trường Australia tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt đối với ngành hàng nông, thủy sản.