Nuôi biển xa bờ bằng công nghệ hiện đại
Một số doanh nghiệp đang thả nuôi cá lồng, bè trên vùng biển Phú Quốc, Kiên Lương (Kiên Giang) mang lại hiệu quả cao, mở ra triển vọng phát triển nghề nuôi biển xa bờ quy mô lớn bằng công nghệ hiện đại.
Cty Trấn Phú nuôi thành công nghề nuôi biển xa bờ bằng công nghệ hiện đại của Na Uy, mở ra hướng phát triển mới cho ngư dân Kiên Giang (Ảnh: HV)
Tháp tùng cùng đoàn công tác của Sở NN-PTNT Kiên Giang do Phó Giám đốc Quảng Trọng Thao làm trưởng đoàn, ra thăm mô hình nuôi cá lồng bè trên biển của Cty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ XNK Trấn Phú (Cty Trấn Phú), chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước sự hiện đại của công nghệ. Phải mất gần 30 phút đi ca nô cao tốc, 6 chiếc lồng ương cá giống và 4 lồng nuôi cá thương phẩm bằng công nghệ hiện đại mới hiện ra trước mắt chúng tôi, đang dập dềnh trên sóng biển bạc đầu.
Ông Thái Tổ Trấn, Giám đốc Cty Trấn Phú cho biết, toàn bộ số lồng nuôi này được nhập khẩu từ Na Uy. Trong đó, lồng ương loại vuông có diện tích 5 x 5m, còn lồng nuôi cá thương phẩm loại tròn có đường kính 20m, chu vi 60m. Mỗi lồng tròn có thể nuôi được từ 25 - 30 tấn cá thương phẩm. Ưu điểm của loại lồng này là chịu được thời tiết khắc nghiệt trên biển, khung lồng bằng ống nhựa HDPE có tuổi thọ trên 35 năm, độ an toàn nuôi trên 20 năm. Lồng nuôi chịu được sóng, gió cấp 10, và có thể xả van nhận chìm để đảm bảo an toàn khi có bão lớn. Chi phí đầu tư toàn bộ khung, lưới và dây neo… khoảng 700 triệu đồng/lồng nuôi cá thương phẩm.
“Với loại lồng nhập khẩu từ Na Uy, người nuôi có thể đầu tư nuôi ngoài khơi xa, tránh được rủi ro do các nguồn ô nhiễm gần bờ. Giống cá được Cty Trấn Phú chọn đầu tư thả nuôi là chim trắng vây vàng và hồng Mỹ, với thời gian ương vèo từ 60 - 75 ngày, sau đó chuyển lồng nuôi tiếp 6 - 7 tháng là thu hoạch”, ông Trấn cho biết.
Đợt nuôi đầu tiên Cty Trấn Phú đang cho thu hoạch với kết quả khả quan, hiệu quả rất cao. Cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 600 gam/con, sản lượng từ 25 - 30 tấn/lồng, sau thời gian 6,5 - 7 tháng nuôi. Còn cá hồng Mỹ đạt 1,1 - 1,2 kg/con, sản lượng 30 - 35 tấn/lồng, thời gian nuôi từ 8 - 9 tháng. Theo ông Trấn, do đây mới là lứa nuôi đầu tiên nên chỉ tiêu thụ nội địa, thương lái ra tận vùng nuôi thu mua đưa về chợ đầu mối Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) và các vùng lân cận tiêu thụ. Giá cá chim trắng vây vàng bán sỉ là 110.000 - 120.000 đồng/kg, cá hồng Mỹ từ 90.000 - 100.000 đồng/kg.
Giám đốc Cty Trấn Phú tự hào cho biết: “Sau thành công của đợt nuôi đầu tiên này, chúng tôi đang có kế hoạch sẽ nhập khẩu thêm khoảng 20 - 25 lồng nuôi cá thương phẩm, với đường kính lớn hơn, 30m mỗi lồng, nhằm mở rộng quy mô nuôi”.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang đánh giá, với việc Cty Trấn Phú thử nghiệm thành công nghề nuôi biển xa bờ bằng công nghệ hiện đại của Na Uy sẽ mở ra hướng phát triển mới cho ngư dân, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Ngoài Phú Quốc, tại vùng biển Kiên Lương cũng có một số doanh nghiệp đang đầu tư nuôi biển xa bờ khá thành công. Cụ thể như cơ sở nuôi của Cty TNHH MTV Vĩnh Hằng Sương, ở xã đảo Sơn Hải, nằm kẹp giữa khe của hai hòn đảo, cách khá xa đất liền. Đây là đơn vị chuyên thả nuôi cá bống mú và cá bóp, với sản lượng thu hoạch hàng năm khá lớn.
Nuôi cá bóp lồng bè xa bờ của Cty Vĩnh Hằng Sương tại huyện Kiên Lương, đạt hiệu quả cao (Ảnh: HV)
Trưởng phòng Kinh tế huyện Kiên Lương Trần Bình Trọng, cho biết, toàn huyện có 1.100 lồng bè nuôi cá trên biển, trong đó khoảng 80% là nuôi các loại cá bống mú, như mú sao, mú cọp, mú chân châu... còn lại là thả nuôi cá bóp. Một số đơn vị đang đầu tư công nghệ hiện đại để nuôi xa bờ, vừa giảm được rủi ro về ô nhiễm môi trường, vừa đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh có sự phát triển đáng kể cả về diện tích cũng như sản lượng, năm sau đều cao hơn năm trước. Cụ thể, giai đoạn 2012 - 2017, diện tích NTTS tăng từ 163.761ha lên 240.630ha, sản lượng tăng từ 126.981 tấn lên 217.041 tấn. Trong đó, lồng bè nuôi cá trên biển tăng từ 1.688 lồng lên 2.848 lồng, với nhiều đơn vị đã đầu tư nuôi bằng công nghệ hiện đại. Tiêu biểu như mô hình của Cty Trấn Phú với việc áp dụng công nghệ lồng nuôi Na Uy, kiểm soát môi trường thông minh, cho năng suất rất cao...
Thời gian tới, tỉnh sẽ khuyến khích người dân, doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng công nghệ nuôi mới, hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới, phát triển nuôi xa bờ, chịu được sóng to, gió lớn, ít chịu tác động môi trường từ khu vực dân cư, cho năng suất cao, kiểm soát tốt yếu tố môi trường. Bện cạnh đó, kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống thủy sản, đặc biệt là giống tôm nước lợ, tôm càng xanh và các loại cá biển có giá trị kinh tế cao để phục vụ nghề nuôi biển. (Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang).
Related news
Qua Hội nghị nuôi trồng thủy sản châu Á - Thái Bình Dương dễ nhận thấy xu hướng của ngành nuôi trồng thủy sản hiện nay là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sinh học
Những công nghệ tiên tiến trong nuôi tôm: Mô hình CPF-Combine Model, Công nghệ kết nối vạn vật, Ương tôm trên bể nổi, Giải pháp chẩn đoán bệnh sớm
Những biến động về thời tiết trong giai đoạn này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm, đặc biệt dịch bệnh phân trắng