Nông Thôn Khởi Sắc, Nông Dân Thoát Nghèo

185 xã đã đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM), hàng chục nghìn công trình xây dựng cơ sở hạ tầng được hình thành… Đó là những kết quả nổi bật sau 3 năm cả nước triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Kết quả này sẽ là tiền đề để cả nước bứt phá trong thời gian tới, nhằm đạt được mục tiêu là 20% số xã NTM vào năm 2015.
Những kết quả tiêu biểu trên sẽ được công bố tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM diễn ra vào ngày hôm nay (16.5) tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Gần 485 nghìn tỷ đồng đầu tư cho chương trình
Theo số liệu tổng hợp, trong 3 năm qua tổng nguồn lực đầu tư vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM đã lên tới gần được 485 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước các cấp bố trí gần 162 nghìn tỷ đồng chiếm 33,4%; vốn tín dụng 231 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,7%. Các doanh nghiệp hỗ trợ hơn 29,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,0%; dân đóng góp hơn 62,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,0%.
Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, nhiều địa phương cũng có cách làm sáng tạo, đó là hỗ trợ xi măng cho các xã xây dựng giao thông nông thôn, chiếm khoảng 50% kinh phí xây dựng. Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư hiến đất, giải phóng mặt bằng, góp tiền, công lao động và vật liệu khác nên đã thúc đẩy tiến độ phát triển giao thông nhanh hơn trước. Sau 3 năm thực hiện chương trình, cả nước đã và đang triển khai xây dựng trên 5.000 công trình với khoảng 70.000km đường giao thông nông thôn. Đã có 11,6% số xã đạt tiêu chí giao thông.
Riêng về chợ nông thôn, trong giai đoạn 2010-2013, các địa phương đã huy động động được 2.783 tỷ đồng, chủ yếu là vốn xã hội hoá (chiếm khoảng 79%) để đầu tư cải tạo, xây mới chợ nông thôn. Đến nay, có 2.693 xã (30%) đạt chuẩn tiêu chí này.
Đã có nhiều mô hình, cách làm hay như hỗ trợ xi măng ở Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Giang… Áp dụng cơ chế PPP tức nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho công trình đầu mối, doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền đầu tư được thu phí ở Hà Nam, Vĩnh Phúc…
27 tỉnh đã có xã NTM
Thực tế, Chương trình xây dựng NTM đã được triển khai từ năm 2009 khi Ban Bí thư T.Ư đã lựa chọn 11 xã đại diện cho 11 vùng khác nhau cả nước để thí điểm xây dựng mô hình NTM. Đến ngày 14.6.2011, sau khi có Quyết định 491 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, các địa phương cả nước đã cùng vào cuộc và chỉ sau thời gian ngắn, đã có 185 xã (chiếm 2.05%) tại 27 tỉnh, thành đạt đủ 19 tiêu chí NTM.
Theo dự kiến, tại Hội nghị Sơ kết 3 năm Chương trình xây dựng NTM, sẽ có 27 xã tiêu biểu thuộc 27 tỉnh được tặng thưởng bằng công trình hạ tầng cho địa phương; 49 cá nhân tiêu biểu cũng được tặng thưởng trong dịp này.
Sau 3 năm, bình quân mỗi xã tăng 3,3 tiêu chí, bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi thay, ngày càng văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp. Trên 9.000 mô hình chuyển đổi hình thức sản xuất từ tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa theo lợi thế địa phương gắn với thị trường đã được thực hiện.
Các hoạt động nêu trên đã góp phần tăng thu nhập của cư dân nông thôn năm 2013 gấp 1,8 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn đến hết năm 2013 là 12,6% giảm bình quân 2%/năm so với năm 2008. Đến nay đã có 30,1% số xã đạt tiêu chí thu nhập.
Tuy vậy, theo đánh giá nguồn lực cho xây dựng NTM chưa tương xứng với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Dự kiến đến 2015 chỉ đạt khoảng 12% xã NTM (thấp hơn so với mục tiêu là 20%), nếu không bổ sung mạnh mẽ thêm nguồn lực. Đặc biệt, có tới 34 địa phương dù đã có cố gắng, song hiện cũng rất khó khăn trong việc xây dựng NTM.
Mặc dù còn những khó khăn, hạn chế đó, song mục tiêu quan trọng được Ban chỉ đạo T.Ư đề ra là tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu tới năm 2015 có 20% số xã và tới năm 2020 có 50% xã đạt tiêu chí NTM; các xã chưa đạt chuẩn phải tăng từ 2 -3 tiêu chí/năm. Đến năm 2015 phấn đấu có huyện đạt NTM.
Related news

Mô hình chăn nuôi thỏ Newzealand quy mô nông hộ có nhiều ưu điểm như: tận dụng được tối đa nguồn thức ăn sẵn có là các loại rau, cỏ dại tại địa phương; ít dịch bệnh, quay vòng vốn nhanh. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho chăn nuôi thỏ không quá tốn kém, phù hợp với quy mô chăn nuôi của đại đa số nông hộ.

Từ đầu năm đến nay, XK chè chưa có tháng nào thực sự “khởi sắc” khi lượng XK thường xuyên giảm, còn giá trị XK có tăng cũng chỉ “nhích” nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, so với 2013, cả năm 2014 lượng chè XK sẽ sụt giảm tới 10%, trong khi giá trị XK tăng khoảng 6%.

Hiện nay, thịt và trứng chim cút được rất nhiều người ưa chuộng nên đầu ra luôn ổn định. Các hộ nuôi chim cút tại xã Hoằng Anh ít nhất trên 3.000 con, nhiều trên 10.000 con. Bình quân, 1.000 con chim cút mái đang thời kỳ đẻ trứng, mỗi ngày cho thu khoảng 800 quả trứng cút. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về của các hộ nuôi chim cút đạt từ 60 triệu đồng đến 150 triệu đồng/năm.

Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh huyện Thọ Xuân (Agribank Thọ Xuân) đã thông qua các tổ chức hội nông dân (HND), hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) từ huyện đến xã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hội viên được tiếp cận với các nguồn vốn vay để đầu tư phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thay đổi diện mạo nông thôn.

Công ty Cổ phần Thủy sản Hiệp Ước, một trong những doanh nghiệp sản xuất tôm giống hàng đầu của Việt Nam; Công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh, chế biến xuất-nhập khẩu Quốc Việt trở thành doanh nghiệp đầu tiên ở châu Á có vùng sản xuất tôm đạt chất lượng của Hội đồng quản lý Nuôi trồng Thủy sản Bền vững( ASC), Hiệp hội Tôm Vĩnh Thanh, Nghiệp đoàn Nghề cá Lý Sơn, và nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, thực phẩm khác...