Nông Sản Xuất Sang Trung Quốc Giảm Mạnh
Theo tin từ Bộ Công thương, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng trở lại sau khi đã tăng chậm trong tháng 5 và tháng 6, nhưng một số mặt hàng xuất khẩu chính (nông sản) của VN qua thị trường này đang gặp khá nhiều khó khăn.
Ngày 9.8, trên trang mạng Oryza.com chuyên về gạo, Trung Quốc (TQ) đã đưa ra tuyên bố chính thức cấm nhập khẩu (NK) tiểu ngạch gạo từ VN nhằm tăng cường kiểm tra thu thuế các doanh nghiệp NK của TQ. Sắn và sản phẩm từ sắn cũng đang gặp khó với thị trường TQ. Theo Bộ Công thương, từ tháng 1 - 7, kim ngạch xuất khẩu (XK) mặt hàng này sang TQ đạt khoảng 572,3 triệu USD, giảm 3,12% so với cùng kỳ năm 2013.
Nhiều mặt hàng gặp khó
Mỗi tháng nhập siêu từ TQ trên 2 tỉ USD
Tính đến hết tháng 7.2014, tổng kim ngạch NK hàng hóa của VN từ TQ ước đạt khoảng 23,18 tỉ USD, tăng 14,83% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, VN tiếp tục nhập siêu từ TQ, lên đến 14,56 tỉ USD. Trung bình mỗi tháng kim ngạch nhập siêu là 2,08 tỉ USD/tháng. Có 5 mặt hàng NK từ TQ đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD trở lên gồm linh kiện điện tử; máy móc thiết bị; linh kiện điện thoại; vải các loại; sắt thép các loại.
(Nguồn: Bộ Công thương)
Hiện tại, khoảng 85% lượng sắn và sản phẩm từ sắn của VN đang được XK qua biên giới phía bắc. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, nhu cầu NK sắn của TQ giảm khá nhiều, do ngành công nghiệp sản xuất ethanol tại nước này gặp khó khăn, nhiều nhà máy đã phải tạm thời đóng cửa. Vì thế, đầu ra của sắn và sản phẩm sắn VN cũng gặp khó theo.
“Ngành sắn VN cũng đã có những nỗ lực đưa sản phẩm sang các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Đài Loan..., nhưng những thị trường này lại đòi hỏi khá nghiêm ngặt các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, việc XK sắn và sản phẩm từ sắn sang các thị trường khác ngoài TQ cũng đang gặp phải khó khăn không nhỏ, bởi sự cạnh tranh về giá cả của sắn và sản phẩm từ sắn có xuất xứ từ Thái Lan (nước XK sắn lớn nhất thế giới)”, nguồn tin từ Bộ Công thương cho biết.
Cao su cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi kim ngạch XK mặt hàng này đã giảm liên tục qua các tháng. Tính đến hết tháng 7.2014, XK cao su đã giảm 46,72% so với cùng kỳ năm trước, xuống 289,15 triệu USD.
Theo Bộ Công thương, từ nửa cuối tháng 6 hình thức giao dịch tiểu ngạch đã bị đình chỉ tạm thời do một lệnh cấm của phía TQ được ban bố. Nếu tính riêng thì trong tháng 5, 6 và 7 kim ngạch XK nhóm hàng nông sản sang TQ đã giảm sút khá rõ rệt. Đáng lo ngại là hiện một số nông sản của VN phụ thuộc quá nhiều vào thị trường này. Đơn cử TQ chiếm 40% thị phần XK lúa gạo của VN; cao su, thanh long, bột sắn cũng chiếm tới 80 - 90% tổng lượng XK.
Phòng ngừa rủi ro
Bộ Công thương cho rằng trong thời gian tới, thị trường TQ vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì VN chủ yếu xuất hàng hóa sang nước này bằng đường tiểu ngạch. Phía TQ đang muốn tăng cường giám sát hoạt động thương mại tiểu ngạch về nông sản. Rất có thể tới đây, một số cửa khẩu của TQ sẽ đóng cửa một thời gian, ngừng giao thương nông sản để chấn chỉnh các quy định thì sẽ ảnh hưởng đến tốc độ XK các mặt hàng này của VN.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit) cho biết: “Có một số doanh nghiệp (hội viên của Vinafruit) cũng đang tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc thị trường TQ, bằng cách xuất thêm nhiều loại trái cây tươi mới. Nếu như trước đây chỉ XK thanh long, nhưng nay có thêm bưởi, hiệu quả mang lại cao và giảm được rủi ro. Gần đây, tin vui đến từ nhiều thị trường khó tính bắt đầu mở cửa, như thanh long xuất sang New Zealand, xoài sang Hàn Quốc, chôm chôm và vải sang Mỹ...”.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mặc dù vậy vẫn cần phải đẩy mạnh XK một số mặt hàng sang TQ vì đó là một thị trường lớn. Nhưng để cân bằng, các doanh nghiệp nội nên tìm kiếm, xúc tiến ở thị trường khác để tránh rủi ro.
Related news
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi từ mô hình nuôi con năng suất thấp sang mô hình cho hiệu quả kinh tế cao hơn, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội đã triển khai thành công mô hình thí điểm nuôi cá chép lai cho năng suất cao.
Ngay đầu vụ nuôi năm 2014, tình hình dịch bệnh trên các hồ tôm ở Phú Yên nói chung và huyện Đông Hòa nói riêng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế của các hộ nuôi. Riêng ông Lê Thanh Hải ở thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa), nhờ áp dụng công nghệ sinh học Semi Biofloc vào nuôi tôm nên mang lại kết quả cao, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Nuôi ong lấy mật là nghề không còn xa lạ đối với người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nhiều hộ dân trong tỉnh chủ yếu nuôi với hình thức nhỏ lẻ, sản phẩm để phục vụ nhu cầu gia đình là chính. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, một số hộ dân đã biết tận dụng diện tích vườn đồi, rừng và trang trại để phát triển nghề nuôi ong và đem lại nguồn thu nhập cao.
Đại Từ được coi là “vựa chè” của tỉnh Thái Nguyên với tổng diện tích chè cho thu hoạch hơn 6.000 ha, chiếm 1/3 diện tích của tỉnh Thái Nguyên, và là huyện có diện tích chè đứng thứ hai so với cả nước, chỉ sau huyện Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng.
Trái dừa xiêm sau khi hái xuống được gọt sạch và xử lý bằng tia laser với nắp khui cắm vào vỏ quả dừa, khi uống chỉ việc bật nắp như bật lon nước ngọt.