Gặt lúa nơi xứ người
Theo thống kê, toàn xã Gio Quang hiện có 490 máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có 315 máy cày (90 máy cày công suất lớn) chủ động khâu làm đất, 20 máy gặt đập liên hợp Kubota...; 100% diện tích sản xuất nông nghiệp ở Gio Quang đã được cơ giới hóa.
Anh Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Gio Quang cho biết, trước đây Gio Quang là vùng quê gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Trong 10 năm trở lại đây, người nông dân đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, ứng dụng các tiến bộ KHKT, nguồn giống… nên sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao hơn. Việc áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp không chỉ rút ngắn thời gian mùa vụ, mà còn giúp nông dân mở rộng diện tích sản xuất, tăng năng suất, sản lượng, tạo nông sản chất lượng cao, nâng tính cạnh tranh trên thị trường.
Điểm nổi bật nhất ở Gio Quang chính là người nông dân đã liên kết, hợp tác với nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh ở miền Trung và miền Bắc để đưa máy gặt đi gặt thuê, mang lại nguồn thu nhập cao. Những ngành nghề, dịch vụ “ăn theo” dịch vụ đi gặt thuê ở xứ người phát triển mạnh như: dịch vụ vận tải chuyên chở máy gặt đập liên hợp, các cơ sở cơ khí đến giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương...
Sau khi gặt cho gia đình và gặt thuê cho người dân địa phương, những người nông dân có máy gặt đập liên hợp lại lên đường đến các địa phương trong huyện Gio Linh, rồi vào các huyện ở Thừa Thiên- Huế, ra Hải Lăng, Triệu Phong và tiến ra miền Bắc để gặt thuê.
Anh Hoàng Đình Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển dịch vụ gặt thuê bên ngoài địa phương, xã Gio Quang bố trí lịch thời vụ hợp lý, để những người nông dân hoàn thành gặt ở địa phương và sắp xếp thời gian hợp lý để đi gặt thuê ở các nơi khác”.
Cụ thể, vụ đông xuân ở Gio Quang, sau khi gặt xong ở từ ngày 30/4- 10/5, người dân bắt đầu đưa máy gặt đi gặt ở miền Trung, sau đó tiếp tục ra Bắc từ ngày 10/5- 1/6. Khi hoàn thành việc gặt thuê ở nơi xa, đội quân này trở về nhà để bắt đầu khâu làm đất, gieo cấy vụ hè thu. Về vụ hè thu sẽ cho thu hoạch từ ngày 2/9- 15/9, sau đó, các máy lại tiếp tục lên đường làm dịch vụ ở miền Trung và miền Bắc. Hiện nay, toàn xã có 20 máy gặt đập liên hợp Kubota đi gặt thuê ở các tỉnh lân cận và chủ yếu là ra miền Bắc.
Người nông dân liên kết thành tổ, bình quân 5 máy/ 1 tổ, với số lượng người từ 4-5 người/ 1 máy. Trong vòng 20 ngày gặt thuê ở miền Bắc, sau khi trừ chi phí, thuê nhân công, mỗi máy lãi ròng từ 120 -150 triệu đồng. Tổng thu nhập của mỗi máy khi gặt ở Gio Quang, các xã lân cận ở huyện Gio Linh, một số địa phương miền Trung và đặc biệt ở miền Bắc bình quân lãi trên 400 triệu đồng/ năm. Do vậy chỉ trong thời gian ngắn, người dân đã có thể thu lại số tiền đầu tư mua máy gặt hiện đại có giá trị từ 500- 700 triệu đồng/ 1 máy. Đó thực sự là những nguồn thu đáng mơ ước của người nông dân. Tuy nhiên, không phải người nông dân nào cũng có thể làm được điều đó.
Nói như anh Lợi, những người “đi Bắc” là những người thực sự có… “máu mặt”. Yếu tố quyết định đầu tiên đó là phải có tiền để đầu tư mua máy gặt hiện đại có giá trị từ 500- 700 triệu đồng/ 1 chiếc để cạnh tranh được với các máy gặt ở miền Bắc, đáp ứng yêu cầu khắt khe trong khâu thu hoạch như lúa không được rơi vãi nhiều, tận dụng rơm rạ… và địa hình ruộng nước miền Bắc… Ngoài ra, đòi hỏi người nông dân phải có sức khỏe, có mối quan hệ tốt với người dân địa phương.
Hành trình gặt thuê ở miền Bắc của người nông dân Gio Quang bắt đầu từ năm 2008 và phát triển mạnh mẽ trong 3 năm trở lại đây. Đa số những người “đi Bắc” đều có nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, phương tiện đi lại hiện đại. Anh Phan Hữu Quốc, thôn Kỳ Lâm cho biết, cách đây 2 năm, gia đình anh mua máy gặt đập liên hợp.
Ước muốn lúc bấy giờ là gặt thuê ở địa phương chứ không nghĩ lại có thể đi gặt ở miền Bắc. Niềm vui đến khá bất ngờ khi có người từ miền Bắc vào đặt vấn đề đưa máy ra miền Bắc gặt. Anh gật đầu đồng ý ngay. Sau khi gặt hơn 4 mẫu ruộng của gia đình, anh thuê xe ô tô chở máy gặt đi gặt ở xã Gio Mai, Gio Mỹ…, rồi vào tận Phú Bài, Phong Điền (Thừa Thiên- Huế), ra cánh đồng Hải Lăng, Triệu Phong và đưa máy ra miền Bắc.
Anh chia sẻ: “Trên đường ra Bắc, tôi luôn suy nghĩ tại sao một nền nông nghiệp có từ lâu đời như ở miền Bắc mà phải thuê máy móc tận miền Trung. Khi bắt tay vào gặt cho từng gia đình, tôi nhận thấy, ruộng đất ở miền Bắc nhiều, nhưng lại chia nhỏ lẻ cho từng hộ gia đình bình quân 5 sào/ 1 hộ gia đình, vì thế họ không chú trọng đầu tư mua sắm máy móc hiện đại. Mặt khác, các máy gặt ở miền Bắc cũng thuộc loại nhỏ nên không đáp ứng yêu cầu về thời gian thu hoạch, không phù hợp với địa hình ruộng nước chiêm trũng...
Ngay trong vụ đầu tiên năm 2013, tôi đã gặt được 150 mẫu ruộng ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hưng Yên, Thái Bình… sau khi trừ chi phí, lãi ròng hơn 140 triệu đồng. Sau lần đi Bắc thành công ấy, tôi có nhiều đợt đi tiếp theo, mang lại nguồn thu nhập cao, nhờ đó đã cải thiện cuộc sống gia đình”.
Vừa tranh thủ sửa máy gặt, anh Trần Duy Tình, thôn Quang Thượng cho biết, anh vừa mua máy gặt đập liên hợp Kubota được 1 vụ vừa qua. Ngay khi gặt hơn 4 mẫu ruộng của gia đình, anh tiến hành đi gặt dịch vụ ở nhiều cánh đồng trong toàn huyện.
“Sức hấp dẫn từ những chuyến gặt ở miền Bắc thật khó làm cho người nông dân từ chối, bởi gặt ruộng xứ Bắc có thu nhập cao hơn miền Trung, với giá 200.000 đồng/ 1 sào, chỉ trong 20 ngày là đã có nguồn thu chiếm hơn 50%/1 vụ gặt. Vì thế, khi nhận được lời mời đi gặt ở Hưng Yên, Bắc Ninh, tôi gọi thêm 4 nhân công lên đường ngay. Ngay trong vụ đầu tiên tôi đã gặt được 140 mẫu ruộng, sau khi trừ chi phí thuê nhân công, cước phí xe vận tải, lãi ròng hơn 120 triệu đồng. Hiện nay, tôi đã chuẩn bị xong mọi công đoạn từ hoàn thiện máy móc, hợp đồng gặt thuê… để chuẩn bị “Bắc tiến”. Tin rằng, tôi sẽ có thêm một vụ mùa gặt hái thành công ở xứ người”.
Related news
Theo Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh thì từ năm 2010, đơn vị đã thực hiện một số mô hình trình diễn trồng cây mắc ca để khảo nghiệm loại cây trồng mới được xem là mang lại hiệu quả kinh tế cao này.
Năm 2013, từ nguồn kinh phí của khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất cà phê bền vững được cấp giấy chứng nhận tại Tây Nguyên theo quy tắc 4C (bộ quy tắc chung của cộng đồng cà phê quốc tế).
Nước tưới có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng của cây cà phê, song vai trò trọng yếu này đang bị đe dọa khi người trồng cà phê phải đối mặt với nhiều thách thức do diện tích cà phê tăng nhanh, nhưng nguồn nước tưới chưa được quan tâm đầu tư.
Để hạn chế những thiệt hại do hạn hán có thể xảy ra đối với cây trồng vụ đông xuân 2013 - 2014, ngành chức năng và bà con nông dân huyện Krông Nô đã, đang chủ động triển khai xây dựng, nạo vét kênh mương thủy lợi, khơi thông dòng chảy... để đảm bảo nước tưới cho toàn bộ mùa vụ.
Trong những năm qua, hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất trên địa bàn huyện Đắk Glong đã đạt được nhiều kết quả.