Nông dân vui mừng vì giá phân bón giảm nhiệt
Theo khảo sát của chúng tôi, tại nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh Dak Lak đã áp dụng giá bán mới, giảm từ 10 - 30% so với cùng kỳ năm 2014. Theo đó, giá phân bón URE Phú Mỹ hiện còn 400.000 đồng/bao loại 50 kg (giảm 90.000 đồng/bao); nhiều sản phẩm phân bón của Công ty CP Phân bón Bình Điền như đạm Sunfat hiện còn 210.000 đồng/bao, phân URE và phân Kaly có giá 395.000 đồng/bao, NPK giá 510.000 đồng/bao (giảm so với năm ngoái 80.000 đồng/bao); NPK Việt - Nhật dao động từ 480.000 - 490.000 đồng/bao (giảm 50.000 đồng/bao); phân bón NPK Đất Xanh hiện khoảng 560.000 đồng/bao (giảm 55.000 đồng/bao)…
Bà Lê Thị Nhất, chủ Đại lý phân bón Năm Nhất ở tổ dân phố 3, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) cho biết, nguyên nhân giá phân bón giảm mạnh là do năm nay nguồn cung từ các nhà sản xuất trong nước khá dồi dào, sự cạnh tranh về giá cả và chất lượng của các sản phẩm phân bón ngoại nhập ngày càng tăng cao nên đa phần các loại phân bón đều giảm giá để thu hút người mua… Đây là tín hiệu vui cho người tiêu dùng trong cả nước nói chung và bà con nông dân trên địa bàn tỉnh nói riêng.
Bà Nhất cho biết thêm, hiện nay, việc kinh doanh mặt hàng phân bón cũng thuận lợi hơn hẳn. Còn nhớ thời điểm đầu mùa mưa năm trước, người dân đến đại lý chủ yếu để tham khảo giá là chính, việc mua phân bón cũng dè chừng, thậm chí có khá nhiều hộ mua thiếu nợ do chi phí đầu tư quá cao không thể trả hết một lần. Nhưng năm nay giá phân bón giảm, người nông dân sẵn sàng mua một lúc đủ số lượng phân bón cho tổng diện tích vườn cây nhà mình, có hộ mua hàng chục tấn, và số lượng người mua thiếu nợ cũng ít hơn hẳn so với những năm trước.
Còn đối với người nông dân, giá phân bón giảm đã khuyến khích và tạo điều kiện để bà con yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Bà Lâm Thị Hồng ở tổ dân phố 2, phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ) cho biết, gia đình bà có 5 ha cà phê, mỗi đợt bón phân bà phải đầu tư khoảng 5 tấn phân NPK, chưa kể các loại phân bón lót, bón lá để tăng sức đề kháng cho cây trồng thêm khoảng 2 tấn nữa. Với giá phân bón NPK Đầu Trâu năm ngoái, bà phải đầu tư 59 triệu đồng/đợt bón cộng với các loại phân bón khác là 8 triệu đồng.
Còn với giá phân bón hiện nay, bà đã giảm được 10 triệu đồng chi phí đầu tư phân bón. Chị Trần Thị Hà ở thôn 1, xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) cho biết, gia đình chị có 3 ha lúa vụ mùa và 2 sào hoa màu khác hiện nay cũng đang bước vào giai đoạn bón thúc. Cách đây 2 tháng, chị lo lắng nếu giá phân bón tăng cao thì không biết vay mượn đâu ra tiền để đầu tư cho cây trồng. Nhưng hiện nay, nhờ giá phân giảm, chị đã mua đủ số lượng cần bón đợt 1 cho tổng diện tích lúa và hoa màu của mình.
Mặc dù giá phân bón hiện đang “giảm nhiệt”, người nông dân vẫn chưa thể trút hết “nỗi lo”, bởi giá phân bón có thể lại tăng lên trong thời gian tới. Mặt khác, vấn đề chất lượng phân bón cũng là điều khiến bà con bận tâm, nhất là các loại phân bón lạ được nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, không ít hãng phân bón trong nước vốn có thương hiệu, sản phẩm đã quen thuộc và được nhiều người tiêu dùng an tâm về chất lượng thì giá bán lại cao hơn khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn.
Ông Vũ Đức Thành ở thôn 1, xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) cho rằng: Người tiêu dùng rất khó nhận biết chất lượng các loại phân bón mà chỉ biết tin tưởng vào các thương hiệu lớn có uy tín hoặc chủ đại lý kinh doanh mặt hàng này tư vấn. Các nhà máy sản xuất và nhà nhập khẩu phân bón thường buôn đứt bán đoạn sản phẩm cho các cửa hàng kinh doanh nên hầu như năm nào bước vào cao điểm các vụ sản xuất, phần lớn các cửa hàng bán lẻ đều đẩy giá bán lên ít nhiều. Điều này sẽ gây thiệt thòi cho nhiều nông dân, nếu các cơ quan chức năng không tăng cường hơn nữa việc siết chặt quản lý.
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, để góp phần ổn định giá các mặt hàng phục vụ sản xuất, hằng năm, Sở NN-PTNT đã thường xuyên phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền; có kế hoạch, thanh tra, kiểm tra ngăn ngừa các hành vi vi phạm về quản lý giá, bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân.
Tuy nhiên, ông Thích cũng khuyến cáo: Khi mua các loại phân bón, thuốc BVTV phục vụ nông nghiệp, bà con nông dân nên cảnh giác với các sản phẩm không bảo đảm chất lượng được nhập trôi nổi, bán với giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bà con nên chọn mua sản phẩm ở các cửa hàng, đại lý phân phối uy tín để tránh mua nhầm hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Related news
Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn ra ở hầu hết các vùng trọng điểm nuôi tôm, trong đó các tỉnh khu vực ĐBSCL thiệt hại nặng nề nhất. Dịch bệnh hoại tử gan tuỵ cấp xuất hiện trên cả 2 đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Theo báo cáo của Tổng Cục thuỷ sản, diện tích tôm bệnh chiếm gần 30% diện tích tôm nuôi, chủ yếu là bệnh đốm trắng, đầu vàng và gan tuỵ cấp.
Trong 5 tháng đầu năm 2014, vượt qua khó khăn, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đang dần hồi phục. Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 7 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2013. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị toàn thể của VASEP tổ chức ngày 12/6 tại TP Hồ Chí Minh.
Vài năm trước, diện tích nuôi cá mú, cá chẻm trên địa bàn TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) phát triển rất lớn, nhưng do gặp dịch bệnh, năng suất thấp, rớt giá, lãi không cao nên nhiều hộ đã chuyển sang nuôi ốc hương hay trồng rong. Tuy nhiên năm nay việc nuôi cá mú, cá chẻm lại rất thuận lợi, giá bán cao nên người nuôi rất phấn khởi.
Để nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu thủy sản xuất khẩu, phòng ngừa trường hợp các thị trường nhập khẩu sẽ tẩy chay các mặt hàng tôm Việt Nam, gây hậu quả lớn cho nền kinh tế, ngày 11 tháng 6 năm 2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa đã có ý kiến chỉ đạo thực hiện công tác ngăn chặn tình trạng bơm chích tạp chất, thu mua, vận chuyển nguyên liệu thủy sản chứa tạp chất.
Tính đến ngày 5/6, tại các xã Ðông Minh, Ðông Hải (Tiền Hải - Thái Bình) đã có 157 hộ nuôi tôm phát hiện thấy có hiện tượng tôm chết trong ao với tổng diện tích 18,232ha, số lượng 4,165 triệu con. Tuy tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp.