Nơi Mang Đến Cho Nông Dân Những Cây Trồng Ưu Việt Nhất
Trong những ngày tháng 8, có dịp về thăm Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự thay đổi không ngờ: Được đầu tư nhà trưng bày sản phẩm, nhà nuôi cấy và các thiết bị nuôi cấy mô; đội ngũ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Các vườn cây, ruộng lúa khảo nghiệm, phục tráng được chăm sóc cẩn thận đang bừng lên sức sống mạnh mẽ như khẳng định sự không ngừng phát triển của Trung tâm.
Được biết, Trung tâm KHKT giống cây trồng Đạo Đức là đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp – PTNT, có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, khảo sát, thực nghiệm, lai tạo các loại giống cây trồng; phổ biến, chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Thực hiện những nhiệm vụ đó, nhiều năm qua, đặc biệt trong 8 tháng đầu năm, Trung tâm đã đạt những kết quả rất đáng khích lệ, được bà con nông dân tin tưởng vào các loại giống cây trồng do Trung tâm cung cấp. Trong vụ mùa năm 2014, Trung tâm đã sản xuất nhân giống lúa PC6, ĐS1, ĐS3, Khẩu mang; khảo nghiệm cơ bản và duy trì các loại giống với các nội dung thực hiện như: Thí nghiệm mật độ, phân bón, thời vụ giống J01 và ĐS1; duy trì giống HT1, KD18, BG1; khảo nghiệm sản xuất giống AIQ1102; phục tráng các giống lúa cạn như Khẩu nua đeng, Khẩu nua trạng, Khẩu nua cồ.
Qua triển khai tổ chức thực hiện, chỉ đạo sản xuất, theo dõi và đánh giá tình sinh trưởng của cây lúa từ đầu vụ mùa 2014 đến thời điểm hiện nay cho thấy toàn bộ diện tích lúa sản xuất nhân giống và phục tráng tại Trung tâm bắt đầu vào giai đoạn phân hóa đòng, cây sinh trưởng, phát triển khá.
Đối với cây ngô, Trung tâm tiến hành khảo nghiệm 9 giống ngô lai mới năng suất, chất lượng cao với tổng diện tích 2.000 m2, đến nay đã tiến hành làm cỏ, bón thúc lần 1.
Trong năm nay, Trung tâm xác định và lấy mẫu giống ngô thuần địa phương tại xã Vĩ Thượng huyện Quang Bình tiến hành trồng tại Trung tâm, tạo vật liệu khởi đầu để tiến hành phục tráng giống trong vụ tiếp theo với diện tích là 600 m2, các giống ngô đã đạt 3-4 lá, cây sinh trưởng tốt.
Thực hiện Đề án số 19/ĐA - UBND, về phát triển cây đậu tương hàng hoá tập trung tỉnh Hà Giang 2011 – 2015, vụ Hè - thu năm 2014, Trung tâm đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Xín Mần đưa 1.200 kg giống đậu tương DT84 (cấp giống nguyên chủng) tương đương với 20 ha để sản xuất giống tại chỗ, duy trì 2 giống đậu tương DVN14, DT 2008 với tổng diện tích thực hiện 500 m2. Đến thời điểm hiện tại đã tiến hành bón thúc, kết hợp chăm sóc lần 1 cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Trong các chương trình phát triển cây có múi, Trung tâm đang tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và Dự án xây dựng vườn cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tính đến thời điểm tháng 8 năm 2014, tổng diện tích thực hiện 87,2/77 ha đạt 113,25% kế hoạch, hiện nay các hộ gia đình đang tiến hành dọn dẹp vệ sinh vườn, cắt tỉa quả, chăm sóc theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Trồng mới 30/30ha cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 100% kế hoạch tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên, mỗi huyện trồng 10 ha.
Qua kiểm tra đánh giá toàn bộ diện tích được trồng mới cây đều sinh trưởng phát triển tốt.Tiếp tục chăm sóc, duy trì vườn cây S0, S1, chăm sóc vườn cây bố mẹ, vườn cam cara, vườn cây khảo nghiệm của Viện cây ăn quả thuộc Dự án phát triển cam sạch bệnh tại Hùng An (Bắc Quang).
Tính đến thời điểm giữa tháng 8, Trung tâm đã sản xuất được gần 13 vạn cây giống cam sành ghép, cung cấp cho các huyện được hơn 3 vạn cây đạt tiêu chuẩn.
Ngoài ra, Trung tâm đang phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả Hà Nội, Công ty TNHH Vạn Đạt (Hải Dương), Công ty Đất Việt, Trung tâm chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông... tiến hành theo dõi, đánh giá sinh trưởng phát triển của các giống cam quýt; khảo nghiệm một số giống cam quýt nhập nội; thử nghiệm phân bón mới cho cây trồng...; các chương trình phối hợp trên đều nhận được sự vào cuộc của nông dân, mang lại hiệu quả cao.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu đất rộng gần 18 ha của Trung tâm, Giám đốc Nguyễn Văn Vinh cho biết: “Hiện nay Trung tâm có 2 cơ sở, tại xã Đạo Đức (Vị Xuyên) và xã Hùng An (Bắc Quang). Cả trung tâm có 37 người (trong biên chế và hợp đồng). Trong đó, trình độ thạc sỹ 1, đại học 16, cao đẳng 2, trung cấp 5 và công nhân từ bậc 3 đến bậc 5.
Với đội ngũ cán bộ này, chúng tôi có đủ khả năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài nhiệm vụ chính, Trung tâm thường xuyên phối hợp với xã Đạo Đức kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn cho bà con chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng do vậy tình hình dịch bệnh trên cây lúa, cây ngô trên địa bàn xã luôn được khống chế kịp thời”.
Hy vọng rằng, sự từng bước lớn mạnh của Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức sẽ tỷ lệ thuận với sự phát triển nông, lâm nghiệp tỉnh ta, tạo đà mạnh mẽ cho người dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập từ những cây giống có năng suất, chất lượng cao mà tập thể cán bộ, công nhân của Trung tâm đang ngày đêm nghiên cứu và lao động trên vườn ruộng với mong muốn mang đến cho người nông dân những loại giống cây trồng ưu việt nhất.
Related news
Sau mấy năm nuôi tôm thất bát, anh Phạm Văn Nghĩa (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) chuyển qua nuôi ốc hương sạch cho hiệu quả kinh tế cao.
Từ vốn đầu tư ban đầu là 250 triệu đồng để bắt đầu mô hình nuôi tôm năm 2011 đến nay anh Vũ Văn Của(Thái Thụy) đã lãi ròng trên 4,5 tỷ đồng/năm.
Nhờ trồng cam, nhiều hộ gia đình ở Bản Nghĩa Hưng (xã Mường Cơi, Phù Yên, Sơn La) đã thoát nghèo, kinh tế phát triển, thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.
Mô hình nuôi cá bống tượng trong ao đất để bán giống kết hợp nuôi cá hô, mỗi năm ông Ngô Hữu Phước (Vĩnh Long) thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Mô hình nuôi cá chình với nguồn vốn 6 tỷ đồng của ông Lê Quảng Cao ở thị trấn Sịa (Quảng Điền) sắp cho thu hoạch, dự kiến vụ đầu tiên lãi 1 tỷ đồng.