Nông Dân Vẫn Đơn Thương Độc Mã
Những lý do làm cho nông dân nghèo, giá nông sản thấp và sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp yếu có thể kể: không có ai giúp nông dân đi bán hàng, không có nhiều công ty nông nghiệp kinh doanh chuyên nghiệp và không có ai bày cho nông dân biết chuyện làm ăn…
Vì sao nông sản ế ẩm?
Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2014, tiến sĩ Đặng Kim Sơn, viện trưởng viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, ngành nông nghiệp làm rất tốt công tác chính sách xây dựng chiến lược. Vấn đề của ngành nông nghiệp là, dựa trên chiến lược nông nghiệp tốt, sản lượng liên tục tăng tạo nên thừa cung trong điều kiện sức cạnh tranh yếu.
Ông Sơn cho rằng, khâu lưu thông ngày càng mắc kẹt giữa bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và bộ Công thương, khi không đơn vị nào lo tập trung chuyện này. Vì vậy, tiến sĩ Sơn kiến nghị hoặc tổ chức mới, hoặc có chương trình đẩy nhanh nghiên cứu thị trường.
Ông Sơn cũng cho rằng cần có một loạt tổ chức hỗ trợ cho người dân, hỗ trợ cho doanh nghiệp kết nối thị trường như bán hàng ở đâu, tiêu chuẩn ra làm sao, Nhà nước có chính sách như thế nào, hàng rào kỹ thuật là như thế nào, mạng lưới tiêu thụ ở các thị trường mới là như thế nào. “Chúng ta có rất nhiều tổ chức hỗ trợ sản xuất nhưng hoàn toàn thiếu tổ chức hỗ trợ sau sản xuất nông sản”.
Mỹ làm chủ giá sản phẩm toàn cầu của những mặt hàng họ có thế mạnh vì họ có một hiệp hội mạnh có khả năng thống nhất giá cả của toàn bộ sản phẩm do Mỹ làm ra.
Lại nhớ đến những hội chợ nông sản quốc tế ở Pháp, ở Đức diễn ra hàng năm, nhà nông luôn đi kèm với đơn vị xúc tiến thương mại. Những người nhanh nhạy về thị trường, hiểu biết về chính sách, am tường về thương mại đa phương mới có khả năng thúc đẩy việc buôn bán nông sản với mức giá phù hợp.
Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Vissan cho rằng, vai trò của đơn vị xúc tiến thương mại và hiệp hội nghề nghiệp của các nước chính là lực đẩy của việc phát triển nông nghiệp: “Vì sao người Mỹ làm chủ giá sản phẩm toàn cầu của những mặt hàng họ có thế mạnh? Bởi vì họ có một hiệp hội mạnh có khả năng thống nhất giá cả của toàn bộ sản phẩm do Mỹ làm ra, chẳng hạn ngũ cốc.
Ai kinh doanh các loại ngũ cốc cũng phải chờ giá của hiệp hội này đưa ra, và như vậy họ kiểm soát toàn bộ thị trường. Hay như anh xúc tiến nông nghiệp của Úc, họ nhận nhiệm vụ đi bán bò cho nông dân Úc và lãnh lương từ tiền thuế của nông dân đóng.
Vậy là họ phải tổ chức việc sang tận Việt Nam, mời những người mua hàng lớn, đón tiếp tận tình và lo toàn bộ giấy tờ, thủ tục để chúng tôi có thể mua được thịt bò Úc một cách dễ dàng nhất…” Hiện nay, chúng ta thiếu hoàn toàn những người làm việc này.
Thiếu doanh nhân nông nghiệp
Ông Trần Thanh Hải, phó cục trưởng cục Xuất nhập khẩu bộ Công thương, chia sẻ: “Nền nông nghiệp Việt Nam chưa tạo ra đủ giá trị gia tăng như tiềm năng vốn có của nó. Và đây chính là một điểm yếu dẫn đến việc phát triển không bền vững của nền kinh tế trong hội nhập khu vực và toàn cầu”.
Cụ thể, giá trị của nông nghiệp đang chiếm 18,4% tổng GDP của quốc gia, sử dụng đến 47% lực lượng lao động của cả nước và đóng góp 15% tổng giá trị xuất khẩu. Nếu gỡ bỏ xuất khẩu sản phẩm của Samsung và bán dầu thô, quặng thô, thì giá trị xuất khẩu nông nghiệp còn lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp chỉ chiếm 1,6% tổng số doanh nghiệp cả nước.
Điều này nói lên điều gì? Chỉ có doanh nghiệp nông nghiệp mới có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp như thương hiệu, sản phẩm sau thu hoạch… chứ nông dân thì chỉ thuần tuý sản xuất. Như vậy chỉ có 1,6% doanh nghiệp nông nghiệp thì chưa thể làm được gì nhiều cho việc gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.
Chưa kể, là chúng ta có những sản phẩm chiếm tỷ trọng số một, số hai thế giới như gạo, càphê hay hạt tiêu, nhưng chúng ta hoàn toàn không nắm được phần quyết định nào trong cuộc chơi của những sản phẩm này mà hoàn toàn phụ thuộc vào giá thế giới, vốn có khi quyết định bởi những người không mấy liên quan. Điều này cũng làm cho giá trị nông nghiệp Việt Nam khó mà phát triển được.
Hiện nay, chúng ta đang thấy có những dịch chuyển thú vị trong nông nghiệp. Đó là sự đầu tư cho nghiên cứu phát triển để có thể làm ra được những sản phẩm nhiều chất xám hơn. Đơn cử trường hợp của công ty thuỷ sản Vĩnh Hoàng. Công ty này vốn nằm trong nhóm dẫn đầu về xuất khẩu cá da trơn. Nhưng trước đây giá cá có thể đạt từ 4 – 5 USD/kg thì nay rớt xuống chỉ còn 2 USD/kg. Điều này đẩy doanh nghiệp vào thế vô cùng khó khăn. Và họ đã quyết định dùng rất nhiều tiền để đầu tư cho việc nghiên cứu chiết xuất ra collagen từ cá để tạo ra một sản phẩm mới mang giá trị gia tăng cao hơn.
Related news
Vốn nổi tiếng là vựa xoài của tỉnh Dak Lak nhưng năm nay, xoài Ea Súp mất mùa, mất giá khiến loại trái cây này vắng bóng trên thị trường, nhiều gia đình thất thu.
Vài năm trở lại đây, từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân xã Phương Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) đã chuyển sang trồng dưa Hoàng kim mang lại giá trị kinh tế cao.
Sau một thời gian dài tăng giá tới mức gần 40.000 đồng/kg bán tại vườn, thời gian gần đây giá chanh đã bắt đầu giảm.
Vài năm trở lại đây, nông dân Kbang (Gia Lai) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: chanh dây ở xã Nghĩa An, cam sành ở xã Sơn Lang và cây vải thiều ở xã Đông. Riêng cây vải thiều được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế hiện đang được bà con mở rộng diện tích khá nhiều.
Vụ xuân năm nay, huyện Tân Yên (Bắc Giang) trồng gần 1.700 ha lạc tập trung chủ yếu ở các xã: Phúc Hòa, Việt Lập, Quế Nham...