Nông Dân U Minh Phấn Khởi Vì Trúng Mùa Khoai Môn

Thời gian qua, nhiều hộ dân trên tuyến bờ bao thuộc Ấp 12, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã tận dụng diện tích bờ bao lâm phần để trồng khoai môn.
Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên hầu hết diện tích khoai môn của người dân đều phát triển tốt. Hiện nay bà con đang bước vào vụ thu hoạch, đạt sản lượng khá cao nên người dân hết sức phấn khởi.
Những ngày này, ai có dịp đi ngang qua tuyến bờ bao thuộc Ấp 12, xã Khánh Tiến thì sẽ dễ dàng bắt gặp không khí vui tươi, phấn khởi của người dân khi bước vào vụ thu hoạch khoai môn.
Gia đình bà Nguyễn Thị Út được xem là một trong những hộ trồng khoai môn đầu tiên ở nơi đây nên bà hiểu rất rõ từng đặc tính của cây khoai môn.
Đang lom khom phân loại khoai để cân cho thương lái, bà Út vui mừng chia sẻ: “Khoai môn là một trong những loại cây trồng rất phù hợp với vùng đất nơi đây, chỉ cần chọn giống tốt, bón phân… phù hợp là môn cho củ đạt hiệu quả.
Tuy nhiên hơn 7 năm trồng môn chưa năm nào gia đình tôi trúng mùa như năm nay, mấy bữa rày thu hoạch cũng được hơn chục tấn. Nếu thu hoạch hết bờ bao ngang 05 mét, dài 1.000 mét chắc cũng được từ 50 – 70 tấn khoai, cũng được từ 50 – 70 triệu đồng nên gia đình phấn khởi lắm”.
Không chỉ có gia đình bà Út mà còn có hơn 20 hộ dân ở đây tham gia trồng loại khoai này. Với gia đình bà Phạm Thúy Hằng thì việc trồng khoai môn có phần hơi khác so với những hộ còn lại. Thay vì chỉ trồng duy nhất một loại khoai môn tàu, gia đình bà Hằng còn trồng loại khoai môn sáp, bởi theo bà Hằng thì ngoài việc bán được với giá cao, khoai môn sáp còn ít bệnh và cho năng suất cao hơn, đồng thời cũng được người tiêu dùng chọn lựa nhiều hơn.
Bà Hằng vui mừng cho biết: “Những ngày qua gia đình tôi đang bắt đầu thu dở khoai mẫu cho các thương lái ở huyện và một vài thương lái ở Cà Mau nên chỉ mới dở được khoảng 100 mét, thu hoạch được gần 5 tấn khoai.
Sau khi lấy mẫu bán thử, các thương lái đã đồng ý mua liếp khoai của gia đình nên đây tới cuối tháng 9 âm lịch, gia đình tôi sẽ thu hoạch toàn bộ diện tích khoai của mình. Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên khoai cho năng suất cao hơn năm trước, nếu đạt như diện tích đã thu hoạch vừa qua thì sẽ được từ 60 tấn trở lên nên thấy cũng mừng”.
Tuy nhiên, hiện giá khoai môn còn ở mức thấp, các thương lái đến tận nơi thu mua chỉ từ 10 – 12 ngàn đồng/kg thay vì từ 12 – 15 ngàn đồng/kg như năm trước. Có lẽ do trúng mùa, sản lượng nhiều nên các thương lái có phần ép giá.
Ông Nguyễn Văn Toàn, một hộ trồng khoai trên địa bàn, cho biết: “Hiện nay giá khoai môn ngoài chợ mỗi động từ 20 – 25 ngàn đồng/kg, nhưng giá này là hơi thấp nên gia đình tôi đợi cho bà con thu hoạch trước bán cho bớt khoai, theo kinh nghiệm cứ gần cuối mùa là giá khoai tăng lên nên tôi đợi đến khi đó sẽ thu hoạch một loạt”.
Mô hình trồng khoai môn là một trong những mô hình được người dân Ấp 12, xã Khánh Tiến duy trì trong nhiều năm qua, không chỉ giúp người dân khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất mà còn giúp họ tăng thu nhập gia đình, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Đã có không ít hộ nhờ trồng khoai môn mà điều kiện kinh tế gia đình đã được cải thiện.
Bà Lê Ngọc Ngân – Bí thư Chi bộ ấp cho biết: “Mô hình trồng khoai môn là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân. Ban đầu chỉ có một vài hộ thực hiện nhưng với hiệu quả mà nó mang lại, đến nay trong ấp đã có hơn 20 hộ tham gia thực hiện.
Đây cũng là một trong những mô hình được ấp chọn thực hiện mô hình “Dân vận khéo”. Thời gian tới Chi bộ sẽ chỉ đạo tiếp tục vận động bà con mở rộng mô hình, nhằm khai thác một cách hiệu quả nguồn tài nguyên đất bỏ trống bao lâu nay, qua đó giúp người dân tăng thu nhập, từng bước phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống”.
Related news

Mưa lớn liên tục trong khi mương thoát nước bị thu hẹp khiến hàng trăm công lúa thu đông trong tiểu vùng ấp Ninh Thạnh (xã An Tức, Tri Tôn, An Giang) đổ ngã, một phần bị hư hỏng do chìm trong nước. Bên cạnh khẩn trương rút nước để nông dân thu hoạch lúa, việc đầu tư thêm trạm bơm và nạo vét mương nội đồng mới là giải pháp lâu dài.

Dự án Di dân vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở đất núi, xã Văn Lăng là dự án xây dựng công trình công cộng, có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Do vậy, kinh phí trồng rừng thay thế được lấy từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020. Sở Nông nghiệp và PTNT đã được tỉnh giao xây dựng kế hoạch trồng rừng thay thế thuộc dự án theo kế hoạch trồng rừng sản xuất năm 2015 của tỉnh.

Tại mỗi vùng, Liên Thảo đều cử kỹ sư “nằm đồng” giám sát và trực tiếp chỉ đạo người dân SX. Trước khi thu hoạch 1-2 ngày, rau sẽ được test lưu động hoặc tại phòng thí nghiệm, đảm bảo kiểm soát dư lượng thuốc BVTV, vi sinh vật gây hại... Mỗi sản phẩm của Liên Thảo trước khi đưa ra thị trường đều được dán tem chứng nhận xuất xứ (C/O) và chứng nhận chất lượng (C/Q) theo tiêu chuẩn của Liên Thảo.

Gia đình chị Hà Thị Hoa ở thôn 5 vừa thu hoạch xong 6 sào khoai lang cao sản. Chị Hoa cho biết: “Trước đây, phần đất này, tôi thường trồng sắn nhưng hiệu quả thấp nên năm nay chuyển sang trồng khoai lang. Tôi chọn trồng khoai lang cao sản vì kỹ thuật trồng đơn giản.

Năm 2014, toàn tỉnh có tổng diện tích mặt nước nuôi tôm nước lợ là 852,5ha. Do nhiều hộ đã thả nuôi 2 vụ nên diện tích thả giống trong năm là 1.300 ha (chưa kể 210,95 ha đã thả giống năm 2013 chuyển sang thu hoạch năm 2014), chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng (tôm sú chỉ 2,5 ha). Diện tích thu hoạch trong năm là 1.280 ha, với sản lượng khoảng 11.500 tấn (năng suất bình quân 9 tấn/ha), đạt 123,7% kế hoạch năm.