Nông Dân Tăng Cường Chăm Sóc, Phòng Bệnh Cho Cà Phê
Hiện nay, hầu hết các vườn cà phê trên địa bàn tỉnh đã bước vào giai đoạn làm nhân. Vì thế, trước những tín hiệu hết sức khả quan về giá cả của cà phê, hầu hết các hộ trồng cà phê đã tập trung vốn để mua vật tư nông nghiệp đầu tư, chăm sóc cho cây cà phê.
Qua tìm hiểu tại một số đại lý phân bón trên địa bàn các huyện Đắk Song, Đắk Mil, Chư Jút…thì lượng phân bón nhập về vẫn đạt khối lượng khá cao không thua gì so với năm ngoái. Các chuẩn loại phân sinh học, phân bón lá, phân nước bón trực tiếp cho rễ… sản xuất trong nước và nhập khẩu cũng được nông dân ưa chuộng và sử dụng khá phổ biến.
Tuy nhiên, theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì trong thời kỳ cà phê bước vào giai đoạn chắc nhân thường hay bị các loại sâu hại, nấm bệnh như mọt đục cành, sâu đục thân, bệnh gỉ sắt, đốm mắt cua, nấm hồng, lở cổ rễ...
Hiện nay, do mùa mưa nên ẩm độ đất, không khí cao do đó nhiều vườn cà phê xuất hiện bệnh thối cành, thối quả do nấm Colletotrichum cofeanum, nấm hồng... gây ra.
Một điều đáng lo ngại mà các hộ trồng cà phê đang phải đối mặt, đó là hiện tượng rụng quả non trên cây cà phê. Đây là hiện tượng thường gặp và diễn ra trong suốt mùa mưa. Nhưng theo các hộ trồng cà phê ở Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song, thị xã Gia Nghĩa… thì những ngày vừa qua, hiện tượng rụng trái trên cây cà phê diễn ra với tỷ lệ khá cao.
Theo nhiều người thì khi cây cà phê đang trong giai đoạn nuôi quả non nếu gặp điều kiện bất lợi như sâu bệnh, mưa nhiều, ánh sáng kém, độ ẩm cao… sẽ dẫn đến rụng trái. Điều này khiến cho người trồng cà phê lo lắng vì nguy cơ vườn cây sẽ bị giảm năng suất trong vụ thu hoạch tới.
Gia đình ông Nguyễn Hoàng Thu ở thôn 2, xã Trường Xuân (Đắk Song) trồng được 2 ha cà phê, trong mấy ngày qua, vườn cà phê của gia đình ông xuất hiện hiện tượng các chùm quả trên cành rải rác chuyển màu vàng rồi rụng, nhiều cây tỷ lệ quả rụng đến 30%-40%.
Để ngăn vườn cà phê rụng quả, ông Thu đã đến các quầy thuốc bảo vệ thực vật để mua thuốc phun cho vườn cà phê của gia đình. Nhờ được tư vấn, ông Thu đã mua một số loại thuốc trừ các bệnh, phân bón trung vi lượng nên hiện tượng rụng quả đã giảm hẳn.
Cũng theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì để khắc phục hiện tượng rụng quả, bà con cần phải thăm vườn thường xuyên và sử dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp cộng với bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để chăm sóc vườn cà phê. Theo đó, nên chú ý việc phối trộn phân và dùng phân bón lá xịt ướt đẫm lá và quả non vào buổi sáng hay buổi chiều khi mát trời. Nếu trời mưa thì bón kali và lân nung chảy, mỗi loại khoảng 200-300kg/ha.
Ngoài ra, cần kiểm tra nấm ký sinh trên cuống trái để phòng tránh lây nhiễm cho cả vườn. Đồng thời, quan sát cuống hoa hoặc khi thấy cây có hiện tượng bồ hóng trên lá thì xử lý bằng thuốc chống nấm có hoạt chất Manozeb, có các tên thương mại là Dithane M-45 xanh, Manozeb 80WP, Vimancoz 80WP…
Khi đã có hiện tượng rụng quả non hàng loạt thì cần xử lý bằng thuốc chống nấm có hoạt chất Carbendazim như Indiavil 5 SC, Bavistin 50 FL, Carban 50 S, Carbenda 50 SC, Vicarben 50 S, Appencarb Super 75 DF…
Bà con cũng cần cắt tỉa cành cho cây thông thoáng để tiếp nhận được nhiều ánh sáng ngăn không cho bào tử nấm phát triển, như vậy mới có thể khắc phục được hiện tượng rụng quả non trong vườn cà phê hiệu quả hơn.
Related news
Hộ anh Nguyễn Quốc Trạng ở ấp Kênh Lớn, xã Đông Thới (Cái Nước, Cà Mau) có hơn 1 ha đất vuông tôm. Đầu năm 2014, anh thả hơn 300 kg sò giống (chi phí 27 triệu đồng). Sau 9 tháng nuôi thu được 137 triệu, trừ chi phí lãi khoảng 100 triệu.
Báo cáo từ Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, để phòng, chống bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu, năm 2014, Thanh tra sở kiểm tra 19 đợt với 30 cơ sở và phương tiện; phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý 24 vụ, nộp vào ngân sách Nhà nước 362 triệu đồng. Số vụ vi phạm bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu được phát hiện và xử lý giảm hơn 56% so với năm 2013.
Ngày 30/12/2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang ban hành Thông báo số 4291/TB-SNNPTNT về việc khuyến cáo thời vụ thả nuôi tôm nước lợ năm 2015, nhằm hạn chế thiệt hại do những bất lợi về thời tiết, dịch bệnh cho bà con nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh.
Ngoài ra, trong năm 2014, công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, vùng nuôi, quản lý thức ăn, chế phẩm sinh học, môi trường được quan tâm đẩy mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản phát triển.
Theo nhiều tiểu thương, giá cua thương phẩm trên thị trường không ổn định như các mặt hàng thủy sản khác, mà thường xuyên biến động và phụ thuộc vào cung cầu của thị trường. Nhưng theo quy luật, hàng năm vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, giá cua thương phẩm lại tăng, thậm chí có thể tăng gấp 1,5 lần.