Nông Dân Sóc Trăng Làm Giàu Trên Vùng Đất Kém Hiệu Quả

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân tại phường 2, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.
Trong thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh Sóc Trăng đã chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây có múi đã và đang mang lại lợi nhuận cao, góp phần cải thiện đời sống kinh tế của nhiều địa phương.
Trong đó phong trào này khá nổi bật ở phường 2, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Phong trào nông dân chuyển đất sản xuất kém hiệu quả như vườn tạp, đất trồng tràm, bạch đằng, mía, lúa sang trồng loại cây có múi tại phường 2, thị xã Ngã Năm bắt đầu từ khoảng 3 năm nay.
Một trong những người tiên phong phong trào này là ông Trần Văn Phụ. Từ diện tích 3,5 công trồng tràm trước đây lợi nhuận thấp ông Phụ đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang trồng cây cam xoàn. Chỉ sau 2 năm trồng, vụ thu hoạch đầu tiên ông lãi hơn 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hiện vụ thứ hai này, cam đang cho trái và sắp thu hoạch, hứa hẹn mùa vụ bội thu.
Nhận thấy hiệu quả của cây cam xoàn so với các loại cây trồng khác, ông Trần Văn Phụ tiếp tục đầu tư chuyển đổi thêm 3,5 công đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang trồng cam xoàn. Ông Phụ cho biết: “Trồng cam bây giờ lợi nhuận hơn trồng cây kém hiệu quả.
Cây này trồng được gần 3 năm và nếu thu hoạch sẽ được 100 triệu đồng, lãi hơn nhiều so với trồng cây trước kia (trước trồng cây kém hiệu quả chỉ được 2-3 triệu). Cây cam xoàn thích hợp với vùng đất, dễ trồng nhưng phải canh nguồn nước lũ”.
Gần đó có ông Nguyễn Văn Quận, sau nhiều năm liền sản xuất lúa luôn bị thua lỗ, ông đã chuyển tất cả hơn 3 ha đất của gia đình sang trồng các loại cây cam sành, cam xoàn và cam mật. Hiện có 8 công cam đang cho trái. Ông Quận cho biết dự kiến sản lượng trái vụ này ước đạt hơn 35 tấn. Hiện thương lái đã đặt cọc thu mua cam với giá 20.000 đồng/kg cam. Với giá thu mua này ước cuối năm gia đình thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.
Ông Quận nói: “Trồng loại cây mới cao gấp mấy lần lúa. Nếu chúng tôi trồng được mùa sẽ lời từ 80 đến 100 triệu đồng. Hồi đó ông anh vợ trồng, đạt hiệu quả nên chúng tôi học hỏi để trồng và thấy nó rất hiệu quả. Giờ mà trồng lúa thì chán lắm”.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Phường 2, thị xã Ngã Năm cho biết, tính đến nay, Phường 2 đã có 23ha cây có múi được trồng trên diện tích đất kém hiệu quả. Dự kiến diện tích trồng cây có múi sẽ tiếp tục tăng thêm 50 ha trong thời gian tới.
Ông nói: “Hướng tới về gốc độ của phường tiếp tục vận động bà con trên địa bàn phường cải tạo hết các diện tích vườn kém hiệu quả để trồng các loại cây có múi để làm sao tăng thu nhập cho bà con về kinh tế và ổn định cuộc sống”.
Với hiệu quả mang lại khả quan bước đầu, có thể nói rằng, sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng loại cây có giá trị kinh tế hơn đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân tại phường 2, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Qua đó, góp phần tăng trường kinh tế, ổn định cuộc sống bà con và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Related news

“Nuôi rắn ri voi đẻ ham lắm, mỗi con rắn cái đẻ từ 8-10 con, rắn cái càng lâu năm đẻ con càng nhiều hơn. Mỗi rắn ri voi con gặp lúc có giá bán được 15.000-20.000đ/con

Nghề nuôi hươu, nai ở xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai) đã có tiếng từ lâu nhưng làm sao để phát triển mạnh và có tính ổn định lâu dài là trăn trở của ông Nguyễn Đình Châu, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi hươu, nai Hiếu Liêm.

Kết quả nghiên cứu gần đây của Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long so sánh hai cách cho cá tra ăn gián đoạn (gồm hai hình thức cho ăn là cho ăn liên tục 3 ngày ngưng 1 ngày, cho ăn liên tục 7 ngày ngưng 2 ngày) và cách cho ăn liên tục không nghỉ cho thấy, cá tra cho ăn theo hình thức cho ăn liên tục 7 ngày ngưng 2 ngày có những ưu điểm hơn hai cách kia.

Ông Nguyễn Văn Phích, ngụ ấp Tân Hưng, xã Tân Thới, huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang) vốn là cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn nhưng với quyết tâm vượt khó, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương đã giúp anh xây dựng nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi với chi phí gần 600 triệu đồng

Tại 2 huyện Bình Đại và Ba Tri, số nghêu chết chiếm tỷ lệ 80 - 90%, một số nơi mất trắng. Theo thống kê sơ bộ, tổng số nghêu chết trị giá hơn 300 tỷ đồng